Samsung tăng cường tuyển mộ nhân sự và mua lại công nghệ nước ngoài
Thứ ba, 08/05/2012, 12:53
Viễn thông di động là một trong những ngành công nghiệp sôi động nhất thế giới trong vài năm trở lại đây. Không chỉ cạnh tranh về thị phần, các hãng điện tử còn ra sức thu hút nhân tài cũng như đầu tư vào các công nghệ mới, vì đây là 2 yếu tố quan trọng quyết định cho sự thành công của công ty.
Chính vì thế, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The Wall Street Journal, chủ tịch mảng di động của Samsung ông J.K.Shin tiết lộ rằng hãng điện tử Hàn Quốc đang tiến hành chiêu mộ nhiều kỹ sư phần mềm từ nước ngoài, đồng thời nghiên cứu khả năng mua lại một số công ty hoạt động trong ngành di động. Lý do cho sự chạy đua vũ trang này? Chắc chắn là để củng cố năng lực cạnh tranh với những đối thủ lớn như Apple.
Ấn Độ vốn nổi tiếng về khoa học máy tính, do đó không có gì ngạc nhiên khi Samsung tập trung tìm kiếm nhân tài cũng như công nghệ mới tại quốc gia này. "Ngành công nghệ đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và việc tự cung tự cấp từ A đến Z không còn hiệu quả nữa", Shin nói. "Tại Ấn Độ có rất nhiều kỹ sư phần mềm có trình độ chuyên môn cao. Bên cạnh đó, những công ty nhỏ của Ấn Độ có năng lực nghiên cứu và phát triển rất tốt, phù hợp với chiến lược đầu tư mua lại của Samsung". Vị lãnh đạo của Samsung từ chối cung cấp thông tin chi tiết về những công ty mà hãng đang để mắt đến, tuy nhiên ông cũng bác bỏ tin đồn Samsung muốn mua lại tên tuổi đến từ Canada, Research in Motion.
Younghee Lee, phó chủ tịch cấp cao phụ trách bán hàng và tiếp thị của Samsung cho biết hãng sẽ tiếp tục đầu tư vào Android vì đây là nền tảng di động phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, chiến lược của công ty là đa dạng hóa các hệ điều hành, bên cạnh việc tiếp tục phát triển nền tảng độc quyền Bada. "Việc tự phát triển phần mềm cho phép Samsung kiểm soát tốt hơn khả năng tương thích với phần cứng. Tuy nhiên, việc đó đang ngày càng trở nên khó khăn", trích nhận định của Neil Mawston, giám đốc điều hành hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics.
Ông Shin cũng nhắc đến Galaxy S3, chiếc điện thoại Android mới nhất mà Samsung vừa trình làng tại một sự kiện độc lập được tổ chức tại Anh vào ngày 3/5 vừa qua. Shin cho biết Galaxy S3 là một ví dụ cho việc Samsung đang ngày càng đầu tư hơn vào phần mềm. Sản phẩm sử dụng hệ điều hành Android 4.0 của Google, tuy nhiên các kỹ sư của Samsung đã tích hợp nhiều tính năng độc đáo cho thiết bị, ví dụ như khả năng nhận diện khuôn mặt và theo dõi cử động mắt. Những tính năng độc quyền này giúp nâng cao hơn nữa trải nghiệm của người dùng.
"Phần mềm là điểm yếu của Samsung", trích phát biểu của một kỹ sư phần mềm dấu tên người Pakistan. "Một khi phần cứng không còn quá khác biệt nữa thì Samsung buộc phải tập trung vào phát triển phần mềm, và thuê mướn nhân sự từ bên ngoài". Một kỹ sư khác nhận xét "Samsung chỉ có thể phát triển được những sản phẩm mang tính cách mạng nếu như hãng biết cách tạo ra một môi trường lý tưởng cho sự thỏa sức sáng tạo, tương tự như điều mà Google đang làm".
Sử dụng kỹ sư nước ngoài là một vấn đề nhạy cảm ở Hàn Quốc. Tại quốc gia này, các tập đoàn lớn được kỳ vọng sử dụng nhân công trong nước để giúp tăng nguồn cung việc làm. Hàn Quốc có tỉ lệ thất nghiệp khá thấp, chỉ 3%, song tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm đang ở mức 8%.