Camera smartphone: Càng nhiều megapixel, càng tốt?

Thứ ba, 08/05/2012, 00:36
Đã đến lúc cần đánh giá đúng về vai trò của megapixel trong chất lượng một bức ảnh chụp từ smartphone. Megapixel đã được cường điệu hoá đến mức người ta quên mất nhiều yếu tố quan trọng khác mang lại một bức ảnh chất lượng.

>>Galaxy S3 gia nhập cuộc chiến màn hình “khủng” 
>>5 thiết lập quyền riêng tư trên Facebook bạn nên biết

Cách đây vài hôm, Samsung vừa công bố mẫu smartphone Galaxy S III với nhiều đặc điểm hùng mạnh như chip lõi tứ, hệ điều hành ICS và nhiều cải tiến trong camera. Tuy nhiên, camera 8 megapixel dường như gây ra ít nhiều thất vọng, khi trước đó đã có một số tin đồn nói rằng S III sẽ có camera 12 megapixel. Hơn nữa, không có gì ngạc nhiên khi một số cảm thấy camera 8 megapixel của S III là một bước “thụt lùi”, đặc biệt khi HTC Titan II tung ra với camera “khủng” 16 megapixel và Nokia 808 PureView “siêu khủng” 41 megapixel.


Samsung Galaxy SIII.


Thực ra, 8 megapixel đã là tiêu chuẩn “ngon” đối với camera smartphone cao cấp hiện nay. Thậm chí, mẫu smartphone cao cấp Samsung Galaxy Nexus còn chỉ có camera 5 megapixel. Không phải cứ camera 5 megapixel là không tốt, thậm chí nó còn tốt hơn những mẫu điện thoại có camera 8 megapixel. Song với nhiều người, 5 có vẻ không tốt bằng 8, và tất nhiên, nếu 8 là tốt thì 12 còn tốt hơn.

Bí mật của những bức ảnh đẹp chụp bằng camera smartphone cho thấy chỉ riêng số megapixel thì chưa thể mang lại những bức ảnh đẹp. Chẳng hạn, mẫu Samsung Focus vẫn có những bức ảnh đẹp với chỉ 5 megapixel, trong khi đó thấu kính 8 megapixel của Motorola Droid Razr lại tạo ra những bức ảnh thất vọng. Và camera 4 megapixel của iPhone 4 vẫn có thể đánh bại một số camera 8 megapixel trên thị trường, mang lại những bức ảnh đẹp trong điều kiện ánh sáng thấp.

Tất nhiên, không thể vì thế để nói lớn hơn không phải là tốt hơn. Chẳng hạn, camera 8 megapixel của HTC One X cho phép chụp nhanh từng cái một, và camera 16 megapixel của Titan II lại cho những lần chớp ảnh chất lượng tốt.

Vậy, đâu là công thức để có những bức ảnh đẹp bằng camera smartphone? Điều này liên quan đến toàn bộ module camera, bao gồm không chỉ kích thước và nguyên liệu của thấu kính camera, mà còn cảm biến ánh sáng, vi xử lý ảnh và phần mềm gắn liền nó.

Ảo tưởng về megapixel

Nhồi nhét nhiều điểm ảnh vào một cảm biến có thể không phải là cách tốt nhất để tăng độ phân giải điểm ảnh. Và chính mối quan hệ giữa số điểm ảnh và kích thước vật lý của cảm biến là lý do tại sao một số camera 5 megapixel có thể vượt trội hơn một số camera 8 megapixel, và vì thế chúng ta có thể không thấy, hoặc không muốn, có một chiếc camera 12 megapixel trên một chiếc smartphone. Bởi một chiếc smartphone mỏng manh sẽ hạn chế kích cỡ cảm biến, và việc nâng số megapixel lên mà không tăng kích cỡ cảm biến có thể hạ thấp chấp lượng bức ảnh.

Câu chuyện phía sau chiếc smartphone 808 PureView của Nokia lại thực sự thú vị. Juha Alakarhu là trưởng nhóm công nghệ camera tại Nokia, cho biết mặc dù Nokia đã thiết kế PureView lên tới 41 megapixel, nhưng hầu hết người dùng sẽ chỉ thấy các bức ảnh như mức mặc định 5 megapixel.

Tuy nhiên, trong 808 PureView, Nokia đã sử dụng một quá trình kỹ thuật đặc biệt đối với độ phân giải mặc định 5 megapixel – đó là nén các thông tin chụp được trong 7 pixel thành một (người ta gọi đó là siêu điểm ảnh “superpixel). Công nghệ trong PureView đã được nghiên cứu trong 5 năm. PureView không chỉ dựa vào kích cỡ vật lý của cảm biến (cỡ đặc biệt 1/1.2 inch), mà còn có những thuật toán để điều chỉnh hình ảnh nhằm giảm các yếu tố sai sót như là nhiễu. Thực ra, PureView là một trường hượp cảm biến lớn bất thường với một chiếc smartphone, và nó cũng lớn hơn các cảm biến trong trong hầu hết camera bấm và chụp hiện nay.

Đầu tiên là bộ phận cảm biến


Những mẫu điện thoại Windows như Nokia Lumia 900 có các phím bấm vật lý giúp khởi động camera ngay cả khi điện thoại đã khoá. Còn iOS và điện thoại Android thường dùng phần mềm tắt từ màn hình đã khoá của điện thoại.


Hầu hết các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và nghiệp dư sẽ nói rằng phần quan trọng nhất trong hệ thống quang học là cảm biến, bởi đó là phần bắt giữ ánh sáng. Cảm biến đặc biệt quan trọng với camera số. Không có ánh sáng, không có ảnh.
Ánh sáng đi qua thấu kính camera, sau đó đến cảm biến camera – thiết bị nhận thông tin và chuyển nó thành tín hiệu điện tử. Từ đó, vi xử lý ảnh tạo ra ảnh và tinh chỉnh ảnh. Kích thước của cảm biến ảnh rất quan trọng, và thông thường, cảm biến càng lớn, pixel (điểm ảnh) càng lớn, bạn càng thu thập được nhiều ánh sáng. Và càng nhiều ánh sáng, hình ảnh càng đẹp.

Những cảm biến lớn là lý do 8 megapixel từ một camera DSLR tốt hơn 10 megapixel của một camera smartphone. Bạn có số điểm ảnh tương tự, nhưng những điểm ảnh này trên máy DSLR có thể lớn hơn, vì thế nhận được nhiều ánh sáng hơn. Nhiều ánh sáng thường mang lại hình ảnh ít nhiễu hơn và vùng động lớn hơn.

Ngày nay, cảm biến chiếu sáng phía sau bắt đầu được dùng nhiều trong smartphone. Loại cảm biến này thường đồng nghĩa với việc chụp những bức ảnh tốt hơn trong điều kiện ánh sáng thấp, vì nó tăng độ nhạy sáng. Tuy nhiên, nếu chụp trong điều kiện ánh sáng sáng chói, nó cũng có thể làm hỏng bức ảnh.

Tiếp đến là bộ xử lý ảnh

Ngoài kích cỡ và chất lượng của thấu kính và cảm biến, còn có bộ xử lý hình ảnh. Hầu hết CPU của các loại smartphone cao cấp đều đã có bộ xử lý đồ hoạ tích hợp sẵn trong chip, có thể nhanh chóng mang lại những hình ảnh như photo, video và game mà không bắt bộ vi xử lý ứng dụng chính phải làm việc quá nhiều.

Kích cỡ cảm biến và bộ xử lý hình ảnh của camera có thể là những yếu tố quan trọng nhất để tạo ra những bức ảnh chất lượng cao chụp từ smartphone, nhưng vẫn còn những yếu tố khác cần xem xét. Chẳng hạn, linh kiện chất lượng cao hơn có thể mang lại những bức ảnh tốt hơn, nhưng chúng cũng khiến chi phí sản xuất cao hơn.

Nhưng tính khả dụng vẫn là “vua”

Mặc dù các yếu tố kỹ thuật trên là trung tâm của camera smartphone, song các chuyên gia của Nokia và Samsung đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của trải nghiệm người dùng – đó là người dùng có thể dễ dàng bật camera như thế nào khi smartphone đang ở chế độ khoá, để có thể nhanh chóng chớp những khoảnh khắc ảnh nào đó, hay camera có những hiệu ứng đặc biệt và chế độ chụp ra sao.

Với HTC, và cụ thể là chiếc Amaze 4G, nhà sản xuất đã bổ sung tính năng dò tìm nụ cười. Samsung cũng bắt đầu quảng cáo chất lượng tương tự trong phần mềm camera của Galaxy S III.

Với hầu hết người dùng điện thoại, có thể nhanh chóng và dễ dàng chia sẻ ảnh quan trọng hơn số lượng điểm ảnh. Chỉ cần nhìn vào thành công nhanh chóng của Instagram là thấy. Bởi hầu hết người dùng sẽ tải ảnh chụp từ smartphone lên một album trực tuyến như Google Photos hoặc Facebook, hoặc email chúng cho gia đình và bạn bè.

Tất nhiên, chúng ta không nên loại bỏ hoàn toàn tính năng của điểm ảnh khi đánh giá camera smartphone, nhưng về chi tiết phần cứng và phần mềm để thực sự tạo ra một bức ảnh đẹp, megapixel đang được cường điệu hoá. Và đã đến lúc cần tập trung vào những điều kiện khác.
 

Theo ictnews

Các tin cũ hơn