Samsung có nên phát triển hệ điều hành riêng?

Thứ ba, 08/05/2012, 00:36
Nếu có hệ điều hành di động riêng, Samsung sẽ tự do và chủ động hơn trong việc phát triển sản phẩm, tuy nhiên, đây lại là tham vọng không dễ gì thực hiện.

>>Camera smartphone: Càng nhiều megapixel, càng tốt? 
>>Galaxy S3 gia nhập cuộc chiến màn hình “khủng” 

Mới đây, Samsung đã trở thành hãng điện thoại di động dẫn đầu thế giới về doanh số, đồng thời là nhà sản xuất smartphone thành công nhất với Android, đối thủ duy nhất có thể cạnh tranh đáng kể với Apple. Theo công ty nghiên cứu ComScore, Samsung chiếm hơn 25% thị trường điện thoại di động Mỹ tháng 02/2012, trong khi Apple chỉ chiếm 13,5%.

Tuy nhiên, giống tất cả các nhà sản xuất thiết bị Android khác, Samsung đang ở vào vị trí khó khăn với nền tảng này. Cụ thể, Samsung không kiểm soát việc phát triển Android (vốn đang nằm trong tay Google), khiến hãng luôn ở vào tình thế bị động trong việc nâng cấp và cải tiến nền tảng.


Một câu hỏi đặt ra là Samsung có nên phát triển một hệ điều hành Android của riêng mình, giống như Amazon đã làm với Kindle Fire?

Tạp chí Digital Trends đã có bài phân tích những điều Samsung có thể được và mất nếu phát triển phiên bản Android của riêng mình.

Samsung sẽ được gì?

Trước hết, việc có phiên bản Android riêng sẽ cho phép Samsung tự kiểm soát số phận của mình trên thị trường di động. Họ không phải phụ thuộc vào kế hoạch phát triển Android của Google, có thể tự lên lịch trình ra phiên bản hệ điều hành hoặc giới thiệu sản phẩm phần cứng mới.

Cuối năm vừa qua, Google bị chỉ trích đã “chơi khó” đối tác khi quyết định phát hành Ice Cream Sandwich vào tháng 10/2011 (công bố mã nguồn vào tháng 11), khiến những nhà sản xuất phải bước vào mùa mua sắm cuối năm với những phiên bản Android lỗi thời. Cho tới tận nay, nhiều thiết bị tương thích với Ice Cream Sandwich vẫn chưa được nâng cấp hoàn thiện lên phiên bản này. Nếu có được hệ điều hành di động riêng, Samsung sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc này.

Lợi thế thứ hai là nếu có hệ điều hành di động riêng, Samsung sẽ tránh không phải cạnh tranh với Google như hai đối thủ sản xuất thiết bị Android. Sau khi mua lại Motorola Mobility, Google nói rằng họ không muốn bước vào mảng kinh doanh điện thoại, và sẽ để Motorola hoạt động như một bộ phận độc lập. Tuy nhiên, các đối tác của Google không hoàn toàn yên tâm, đặc biệt khi Google đang trên đường tung ra máy tính bảng Android do Google phát triển từ A tới Z.

Không bị phụ thuộc vào Google, Samsung sẽ thỏa sức đổi mới hệ điều hành và phần cứng theo ý mình mà không bị Google “chỉ đạo”. Họ có thể phát triển những ứng dụng tích hợp sâu với nhiều sản phẩm và dịch vụ khác của Samsung như tivi màn hình phẳng, các dịch vụ phim ảnh mà Samsung đang dự định tung ra tại Mỹ, Anh, châu Âu và Australia vào cuối năm nay. Ngoài ra, Samsung cũng có thể tùy chỉnh sâu hệ điều hành của mình cho những thị trường đặc biệt như Trung Quốc, Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi. Ví dụ như phần cứng hỗ trợ công nghệ giọng nói theo ngôn ngữ châu Á, hoặc phát triển điện thoại giá rẻ (có thể không có camera, dịch vụ định vị) nhằm vào các thị trường mới nổi.

Hiện nay, Samsung đang tự chế tạo vi xử lý, là một trong những nhà sản xuất hàng đầu về bộ nhớ, ổ cứng, màn hình, thiết kế công nghiệp và có mối quan hệ mật thiết với các nhà khai thác di động toàn cầu. Nếu Samsung có thể kiểm soát cả phần mềm trên thiết bị, hệ sinh thái Samsung sẽ bắt đầu trở nên giống như iOS của Apple.

Samsung sẽ gặp khó khăn gì?

Tuy nhiên, để có phiên bản Android riêng, Samsung không hẳn không phải trả giá.

Thứ nhất, họ sẽ mất quyền truy cập kho ứng dụng Android của Google, bao gồm cả các dịch vụ như Gmail, Google Maps, Google Search và YouTube. Samsung sẽ phải hoặc tìm ứng dụng và dịch vụ thay thế - khá khó khăn và gây tốn kém – hoặc chấp nhận không có ứng dụng đó. Đối với các thiết bị dành cho mục đích cụ thể như Brnes & Noble Nook hoặc Kindle, việc thiếu những ứng dụng này có thể chấp nhận được, nhưng sẽ không phù hợp cho smartphone và tablet dành cho mục đích sử dụng chung.

Một vấn đề khác là nếu Samsung ra phiên bản Android riêng, tình trạng phân mảnh của Android sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Trở ngại tiếp theo là vấn đề nội dung. Amazon và Barnes & Noble có hệ sinh thái nội dung riêng và họ có thể sử dụng để hỗ trợ máy tính bảng dành riêng cho tiện ích đa phương tiện, còn Samsung thì không. Mặc dù Samsung đã từng có các dịch vụ truyền thông (gần đây là mối hợp tác với Blockbuster để cung cấp hàng ngàn bộ phim cho các sản phẩm của Samsung bao gồm cả smartphone, tablet, MTXT, đầu đĩa Blu-ray và smart TV), Samsung vẫn cần thêm nhiều thương vụ nội dung lớn nếu muốn có hệ điều hành di động riêng cạnh tranh với hệ sinh thái Android rộng lớn và iOS.

Vấn đề sau cùng là các nhà phát triển. Mặc dù các nhà phát triển di động thường coi Android ICS là lựa chọn nền tảng hàng đầu vào giữa năm 2012, họ vẫn ưu tiên cho íOS hơn vì ứng dụng iOS đem lại lợi nhuận cao hơn. 

Mặc dù Samsung đang là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất hành tinh. Nhưng nên nhớ là trước quý vừa rồi, Nokia vẫm là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất, nhưng không cũng đủ sức thu hút các nhà phát triển hỗ trợ Symbian và Windows Phone. Trong thực tế, Microsoft phải trả tiền cho các nhà phát triển viết ứng dụng cho Windows Phone. Samsung dễ bị lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Samsung có định “đánh” Apple tới cùng?

Câu hỏi đặt ra cho Samsung là liệu họ có muốn mạo hiểm để thành công hơn nữa trên thị trường di động, và để đánh bại Apple. Phát triển hệ điều hành di động riêng có vẻ là một việc mạo hiểm. Đó không chỉ là câu chuyện về phần cứng và các gói phần mềm, mà còn cả ứng dụng cũng như hệ sinh thái nội dung. Samsung sẽ phải bắt đầu lại từ đầu với phiên bản Android của mình – một công việc không hề dễ dàng mà WebOS và Windows Phone đã từng trải qua.

Cuối cùng, cần nhớ rằng Samsung không thực sự là một hãng di động, họ chế tạo mọi thứ từ pin, bộ nhớ, tivi và vi xử lý. Thông qua các công ty con, họ còn tham gia nhiều lĩnh vực khác như đóng tàu, xây dựng, bảo hiểm nhân thọ…

Samsung có thể cho rằng quyết định chống lại Apple tới cùng không phải lựa chọn thông minh. Có lẽ sẽ an toàn hơn – và có lợi hơn – để tận hưởng thành công như hiện tại với Android.
 

Theo ictnews

Các tin cũ hơn