Sooner - nguyên mẫu điện thoại Android đầu tiên của Google

Thứ hai, 07/05/2012, 13:27
Như chúng ta đều biết, G1 là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên chạy hệ điều hành Android do Google xây dựng, ra mắt vào tháng 9 năm 2008. Tuy nhiên, ít ai biết rằng hơn một năm trước đó, Google đã phát triển một nguyên mẫu có tên Sooner, với thiết kế hoàn toàn khác những gì chúng ta thấy trên G1.

>>12 “việc xấu” của Google 
>>Facebook và Google sẽ biến mất trong 5 năm nữa? 

Mới đây, nhà phát triển Steven Troughton-Smith đã có dịp trải nghiệm Google Sooner và chia sẻ những đánh giá của ông về phần cứng và phần mềm của thiết bị này trong một bài viết trên trang blog cá nhân của ông.

Phần cứng
  • Tên mã: HTC EXCA 300 (máy do HTC gia công)

  • CPU: OMAP850

  • RAM: 64MB

  • Màn hình: LCD độ phân giải 320 x 240 pixel

  • Camera chính: 1.3mp, hỗ trợ quay phim

  • Mạng: 2G, hỗ trợ truy cập EDGE

  • WiFi: không

  • 3G: không

  • Thẻ nhớ: mini-SD

  • Cổng kết nối: mini-USB

  • Màu vỏ: trắng và đen

  • Nhập liệu: bàn phím QWERTY vật lý

Phầm mềm

Sooner được cài bản build htc-2065.0.8.0.0, phát hành vào ngày 15/5/2007, 6 tháng trước thời điểm phát hành bản build milestone 3 (M3) và hơn 1 năm trước phiên bản Android chính thức trên G1.

Màn hình Home
Đây là giao diện sử dụng chính của Android. Mọi thứ rất đơn giản, bạn có một đồng hồ lớn ở chính giữa màn hình, thanh trạng thái ở cạnh trên thông báo sóng, pin và giờ, và thanh tìm kiếm Google, sẽ xuất hiện khi bạn ấn phím điều hướng đi xuống. Tại thời điểm này chúng ta chưa thấy sự xuất hiện của các widget - một trong những điểm khác biệt quan trọng của Android. Với bản build này, dường như Google muốn người dùng mở máy lên và thực hiện ngay thao tác tìm kiếm trên Google.

[IMG] [IMG]


Màn hình home mới
Khi trải nghiệm Sooner, Steven phát hiện ra rằng Google có cài đặt một giao diện màn hình home mới, bên cạnh giao diện đơn giản đã nói ở trên. Tuy nhiên, có lẽ do chưa hoàn thiện nên màn hình home mới chỉ được thiết kế dưới dạng một ứng dụng. Trên màn hình mới, chúng ta có thêm một chiếc dock chứa phần mềm chạy dọc cạnh dưới màn hình, giúp cho việc truy cập ứng dụng nhanh hơn. Màn hình home này có nhiều nét tương đồng với màn hình trên bản build M3, và sau này trở thành màn hình home tiêu chuẩn cho hệ điều hành Android.

[IMG]


Danh sách ứng dụng
Khi bạn ấn phím Home, một ngăn chứa ứng dụng sẽ xuất hiện. Đây là thanh truy cập nhanh, cho phép bạn khi đang ở trong một ứng dụng bất kỳ có thể nhấn phím menu để thêm ứng dụng đó vào thanh truy cập nhanh này. Bạn cũng có thể thêm một số thiết lập cụ thể cho ứng dụng lên thanh này, ví dụ như thiết lập Bluetooth - tương tự như với Windows Phone 7 ngày nay. Từ thanh truy cập nhanh, bạn cũng có thể truy cập vào cửa sổ thông báo và thiết lập sóng/pin.

Ấn phím mũi tên đi xuống và thanh truy cập nhanh sẽ mở rộng thành danh sách ứng dụng đầy đủ. Đây là cách thiết kế thao tác mở menu ứng dụng rất phổ biến trên các dòng điện thoại không cảm ứng những năm 2005 - 2006. Không có tuỳ chọn sắp xếp và tổ chức ứng dụng, tất cả đều được mặc định sẵn. Bạn có thể truy cập vào menu ứng dụng ngay cả khi bạn đang ở trong một ứng dụng bất kỳ, mà không cần phải quay về màn hình home.

Có một điểm thú vị trong bản build Android này là trong menu ứng dụng lại xuất hiện thêm một ứng dụng có tên "Tất cả ứng dụng". Không rõ Google thiết kế ứng dụng này với mục đích gì, vì ngoài khác biệt nho nhỏ về giao diện thì việc sử dụng phần mềm ở đây và ngoài menu chính là hoàn toàn giống nhau.

[IMG] [IMG]

 

[IMG]


Ứng dụng
Bản build trên Sooner được trang bị đầy đủ các ứng dụng cơ bản như trình duyệt web, gmail, google talk, ghi chú, danh bạ, máy tính và lịch làm việc. Tuy nhiên giao diện và tính năng của các ứng dụng này còn sơ sài, cá biệt có ứng dụng còn bị lỗi không hoạt động được (lịch làm việc).

 

[IMG] [IMG]

 

[IMG] [IMG]

 

[IMG] [IMG]

 

[IMG] [IMG]

 

[IMG] [IMG]

 

[IMG] [IMG]

 

Tổng kết


Qua những trải nghiệm về phần cứng và phần mềm với Sooner, một điều dễ dàng nhận thấy đó là Google từng có chiến lược phát triển sản phẩm di động hoàn toàn khác biệt với những gì hãng đang làm hiện nay. Điều này cũng là dễ hiểu vì tại thời điểm Sooner được phát triển, Symbian và BlackBerry đang là những tên tuổi chiếm lĩnh thị trường, với thiết kế chủ đạo là bàn phím vật lý và không cảm ứng. Từ Sooner sang G1, chúng ta có thể thấy tầm ảnh hưởng của iPhone lên không chỉ Android mà hầu hết các hệ điều hành khác lớn như thế nào. Thiết bị của Apple đã đánh dấu sự bắt đầu của xu hướng di động thông minh thuần cảm ứng, và buộc các hãng sản xuất phần cứng và phần mềm phải xây dựng lại nền tảng của họ từ đầu. Nhờ vào iPhone, chúng ta hiện có Android, webOS, Windows Phone 7, Windows 8 và BlackBerry 10, mỗi hệ điều hành đều có những thế mạnh riêng, góp phần vào sự phát triển chung của toàn ngành công nghiệp di động thế giới.
 

Theo Tinhte

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích