Nhà đầu tư chuyên về lĩnh vực công nghệ Eric Jackson kiêm người sáng lập của quỹ đầu tư mạo hiểm IronFire Capital vừa có một bài viết trên trang tin Forbes cho rằng những “gã khổng lồ” Web hiện nay, đặc biệt là Google và Facebook, có thể sẽ “biến mất hoàn toàn trong vòng 5 năm tới”, khi smartphone làm chủ thế giới.
Ông Eric cho rằng, tất cả mọi thứ mà Google và Facebook làm rất tốt hiện nay như tìm kiếm, mạng xã hội.. đều sẽ phải đầu hàng trước cuộc cách mạng di động. Những công ty chuyên về di dộng như Instagram coi smartphone là nền tảng cơ bản cho các ứng dụng và chưa từng nghĩ đến việc chuyển qua hình thức web vì họ cho rằng theo thời gian, mọi người sẽ sử dụng gần như hoàn toàn các ứng dụng di động thay vì các trang web.
Facebook hiện đang là “kẻ chiến thắng” trên thị trường mạng xã hội, chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu và giá trị vốn hóa thị trường có thể đạt tới 140 tỷ USD. Tuy nhiên, công ty này mới đang chỉ tập trung vào việc làm thế nào để kiếm tìm trên web và chưa có nhiều ý tưởng đối với kiếm tiền trên di động.
Cũng theo Eric, Google có thể sẽ phải đối mặt với tổn thất lớn khi mảng kinh doanh đang chiếm phần lớn doanh thu và lợi nhuận hiện tại là tìm kiếm trên thiết bị máy tính để bàn bị lao dốc khi người dùng bỏ phương pháp tìm kiếm truyền thống để chuyển sang lấy thông tin mà họ muốn trong thế giới di động. Những công ty khác như Amazon, Yahoo! Cũng có thể bị tổn thất tương tự.
Tuy nhiên, liệu những công ty này sẽ bị lỗi thời? Rất khó, vì chúng vẫn đang phát triển với một lượng khách hàng khổng lồ và có những người quản lý tài năng.
Hay có thêm cơ hội mới để phát triển?
Sự nổi lên của ngành di dộng chưa chắc đã là mối đe dọa đối với những công ty như Google, Facebook và Amazon. Mà ngược lại, đó sẽ là một cơ hội lớn và tiềm năng và rất có thể những công ty mà Eric đang chê bai đó sẽ là những người thu được nhiều lợi ích nhất.
Khi đổi mới mang tính đột phá xuất hiện, người chiến thắng lớn không nhất thiết phải là những người đầu tiên thay đổi. Như nhà kinh tế học David Teece đã giải thích trong một bài viết nổi tiếng của ông năm 1986 có tựa đề “Profiting From Technological Innovation” (tạm dịch là Thu lợi từ đổi mới công nghệ), có thể giành chiến thắng trong tiếp thị, phân phối, sản xuất, hỗ trợ khách hàng và nhiều lĩnh vực khác thường được chứng minh là quan trọng hơn để đạt được thành công cuối cùng trong kinh doanh hơn là việc trở thành người đầu tiên đưa ra được ý tưởng lớn.
Facebook và Google quá lớn, vì vậy họ có thể thâu tóm hàng chục các công ty nhỏ hấp dẫn để cung cấp các dịch vụ di động thú vị. Một số thỏa thuận thâu tóm sẽ đem lại kết quả tốt, một số thì không, nhưng khả năng mua lại những cải tiến từ bên ngoài để sau đó kết nối chúng với tiềm lực doanh thu và phân phối hiện có của các công ty lớn sẽ đem lại kết quả rất tốt.
Viễn cảnh tồi tệ nhất đối với Google và Facebook có lẽ là trở thành Microsoft. Ngoài máy chơi game Xbox, thì đã từ lâu, Microsoft chưa tạo ra được sản phẩm gì gây ấn tượng mạnh với thế giới. Tuy nhiên, Microsoft vẫn có cả tỷ USD và có giá trị vốn hóa thị trường lên đến 200 tỷ USD, tiếp tục lặp đi lặp lại các sản phẩm không mấy khả quan như công cụ tìm kiếm Bing. Thương hiệu có thể sẽ bị giảm bớt sức hấp dẫn. Tỷ lệ P/E (Price-earnings) là tỷ lệ giữa giá thị trường và lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phần của một công ty có thể giảm xuống. Nhưng họ sẽ khó có thể bị lãng quên. Ngay cả khi lợi nhuận chỉ còn một nửa so với hiện tại thì gói dịch vụ tìm kiếm và quảng cáo hướng đối tượng của Google vẫn là một trong những sản phẩm kinh doanh có giá trị nhất trên hành tinh. 900 triệu người sử dụng Facebook đã cho thấy rằng họ không thể bỏ dịch vụ mạng xã hội gây nghiện này, ngay cả khi họ phải tìm mọi cách để có thể vào Facebook khi bị chặn.