Những hành động bị chỉ trích gần đây của Google: “ép” người dùng đăng ký Google+, làm nhiễu kết quả tìm kiếm, theo dõi người dùng các dịch vụ, phớt lờ chính sách bảo mật iPhone..
Google nổi tiếng với châm ngôn “Don’t be evil” (tạm dịch “không làm việc xấu”). Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây gã khổng lồ liên tục dính vào các vụ bê bối cũng như hứng chịu nhiều lời chỉ trích. Tạp chí Businessinsider đã điểm lại những “việc xấu” Google gây ra gần đây nhất.
1. Google buộc người dùng đăng ký Google+
Khi đăng ký Gmail, người dùng sẽ được tự động đăng ký tài khoản Google+.
Dù bạn có muốn sử dụng Google+ hay không, Google vẫn buộc bạn phải đồng bộ trải nghiệm các dịch vụ khác của Google với mạng xã hội này.
2. Google “làm trò khỉ” với kết quả tìm kiếm
Google đã thay đổi công cụ tìm kiếm của mình với “Search Plus Your World” – tính năng bổ sung nội dung chia sẻ trên Google+ vào kết quả tìm kiếm Google.
Bằng việc này, Google đang ngày càng xa rời hình ảnh một công cụ tìm kiếm dân chủ. Nếu như trước đây, người dùng có thể tin tưởng rằng kết quả tìm kiếm trên Google là khách quan và trung thực dựa trên thuật toán PageRank của hãng, thì hiện nay, Google lại ưu đãi cho các công ty và những cá nhân tích cực sử dụng Google+.
Sau khi ra đời chưa đầy 2 ngày, "Search Plus Your World” đã bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ bổ sung vào danh sách những sản phẩm của Google thuộc diện bị điều tra chống độc quyền.
3. Muốn bình luận video YouTube, phải đăng nhập Google+
Nhiều người dùng rất tức giận hoặc chí ít cũng bực mình khi phải đăng nhập tài khoản Google+ nếu muốn bình chọn “thích” một video trên YouTube.
Điều này có thể khiến các tác giả video mất lượt bình chọn tiềm năng, vì không phải người xem YouYube nào cũng muốn đăng nhập Google+.
4. Google từ bỏ mối quan hệ với Twitter
Google và Twitter chính thức “ghét nhau ra mặt” sau khi Google ngừng đưa các “tweet” mới nhất vào kết quả tìm kiếm theo thời gian thực.
Thay vào đó, bạn sẽ phải tìm kiếm những tweet đã qua chọn lọc của Google – làm mất đi tính chất thời gian thực. Sau đó, Google khởi động lại công cụ tìm kiếm thời gian thực với thông tin cập nhật từ Google+. Điều này thiếu công bằng vì nó khiến kết quả tìm kiếm trên Google+ có lợi thế hơn của Twitter.
5. Google công bố nhiều thông tin nhạy cảm của người dùng cùng Google Buzz
Khi bạn đăng ký tài khoản Google Buzz, dịch vụ này đã tự động tạo ra những người theo dõi (follower) dựa trên danh sách địa chỉ liên lạc trong Gmail.
Điều không may là danh sách này được công bố cho tất cả mọi người – một thực tế đe dọa quyền riêng tư của người dùng và đã khiến Google bị chỉ trích nặng nề.
6. Thâu tóm và khai tử không rõ lý do
Hầu hết nhân viên làm việc tại Google đều không hoàn toàn hiểu tại sao những công ty con của Google như Picnik bị đóng cửa giữa lúc nó vẫn đem lại lợi nhuận.
Google thường có thói quen mua lại các công ty sau đó khai tử chúng mà không có thông báo trước. Picnik chỉ là một trong hàng tá những công ty con bị “xóa sổ” kể từ khi Larry Page lên nắm quyền.
7. Android không hoàn toàn là một nền tảng “mở”
Năm 2010, một công ty về mạng không dây có tên Skyhook Wireless đã đâm đơn kiện, cáo buộc Google gây áp lực buộc Motorola hủy thương vụ làm ăn với Skyhook.
Theo thỏa thuận này, Skyhook sẽ cung cấp các dịch vụ định vị cho điện thoại Motorola, nhưng đơn kiện tố cáo Google tìm cách khiến Motorola dùng dịch vụ định vị của họ.
Trong khuôn khổ vụ kiện, tòa án bang Massachusetts đã công bố nhiều e-mail nội bộ của Google cho thấy Android có thể không "mở" như chúng ta vẫn tưởng.
Một e-mail của Dan Morrill, người quản lý mảng lập trình tương thích và mã nguồn mở của Android, viết rằng: "chúng ta sử dụng tính tương thích của Android như là một công cụ cho phép các nhà sản xuất điện thoại thiết kế những gì mà chúng ta muốn". Nói cách khác, đối tác của Google có thể làm bất kỳ những gì họ muốn trên Android, nhưng chỉ những tùy biến phù hợp với yêu cầu của Google mới được hỗ trợ trước tiên.
8. Google theo dõi người dùng trên mọi dịch vụ
Đầu năm nay, Google đã cập nhật chính sách bảo mật, tuyên bố họ sẽ ghi lại hoạt động người dùng trên tất cả các dịch vụ như Gmail, YouTube và chia sẻ dữ liệu này trên các dịch vụ đó.
Nếu bạn kết nối với tài khoản YouTube, tất cả những video YouTube mà bạn yêu thích sẽ được hiển thị trên dịch vụ Gmail.
9. Chấp nhận quảng cáo trái phép
Mùa xuân năm 2011, Google phải bỏ ra 500 triệu USD để giải quyết cuộc điều tra của Chính phủ nằm vào hoạt động quảng cáo thuốc bất hợp pháp của hãng.
10. Google “phớt lờ” chính sách bảo mật trên iPhone
Đầu năm nay, Google bị phát hiện “lừa” trình duyệt Safari của Apple, cho phép Google theo dõi hành vi lướt web của người dùng Apple. Đây là một vụ bê bối mà Google không hề mong đợi, đặc biệt vì đã phanh phui kế hoạch “không mấy tốt đẹp” nhằm vào một đối thủ lớn.
11. Google chia tách cổ phiếu để tăng quyền lực các nhà sáng lập
Đầu năm nay, Google tuyên bố một đợt chia tách cổ phiếu “chưa từng có” mà theo đó, mỗi cổ đông được giữ 2 loại cổ phiếu: 50% loại A có quyền biểu quyết và 50% loại C không được biểu quyết. Hiện công ty đã có hệ thống 2 loại cổ phiếu là A và B. Cổ phiếu A là cổ phiếu thông thường, còn cổ phiếu B thuộc về những cổ đông sáng lập. Mỗi cổ phiếu loại này tương đương với 10 quyền biểu quyết. Vì vậy, theo quy định hiện hành, ban lãnh đạo Google nắm giữ 66% quyền quyết định của toàn công ty.
Mặc dù Google là một công ty giao dịch công khai và phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông, động thái này đã chuyển bớt quyền lực của cổ đông về tay các nhà sáng lập.
12. Google không giữ lời hứa
Với tất cả những sự thật trên đây. Google đã phá bỏ lời hứa sẽ trở thành một công cụ tìm kiếm thống trị nhưng vẫn được yêu thích nhất hành tinh.