Apple và chiến lược “né” thuế tỷ đô

Thứ hai, 07/05/2012, 11:20
Mới đây, Thời báo New York Times đã phanh phui những thủ thuật mà Apple áp dụng để tránh phải nộp khoản thuế hàng triệu USD tại Mỹ và hàng tỷ USD toàn thế giới.

>>Samsung và Apple nắm giữ 99% lợi nhuận từ kinh doanh điện thoại
>>10 sự thật khó tin về giá trị của Apple

“Né” thuế liên bang

Trụ sở chính của Apple được đặt tại Cupertino, bang California (Mỹ). Tuy nhiên, hầu hết những lợi nhuận mà Apple thu được từ hoạt động kinh doanh tại Mỹ lại được chuyển về một công ty có tên Braeburn Capital cách đó 200 dặm.
Năm 2006, khi tài khoản tiền mặt trong ngân hàng và giá cổ phiếu của Apple gia tăng, các nhà điều hành hãng quyết định thành lập một công ty con Braeburn Capital tại thành phố Reno, bang Nevada (Mỹ) để quản lý và đầu tư tiền mặt của Apple. Lý do vì trong khi thuế suất doanh nghiệp tại California là 8,84%, mức thuế suất ở Nevada chỉ là 0%. Nếu Braeburn được đặt tại Cupertino, nơi các nhà điều hành cấp cao nhất của Apple làm việc, phần lớn thu nhập trong nước của họ sẽ bị đánh thuế tỷ lệ 8,84%, theo luật của California.


Quang cảnh im ắng trong văn phòng của Braeburn Capital - công ty con được Apple thành lập trong chiến lược “né” thuế của mình.


Khi khách hàng tại Mỹ mua iPhone, iPad hoặc bất kỳ sản phẩm nào của Apple, một phần lợi nhuận từ mặt hàng đó sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng do Braeburn kiểm soát. Sau đó, Braeburn dùng số tiền này để đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu hoặc các công cụ tài chính khác. Mặc dù các khoản đầu tư ấy đem lại lợi nhuận cho Apple, cơ quan thuế California vẫn không thể thu thuế của Apple vì địa chỉ của Braeburn Capital là ở Nevada.

Kể từ khi thành lập Braeburn Capital, Apple đã kiếm về hơn 2,5 tỉ USD tiền lãi và cổ tức từ dự trữ tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính toàn cầu. Ngoài ra, văn phòng Braeburn còn giúp Apple né thuế ở các bang khác tại Mỹ như Florida, New Jersey, New Mexico... Do chính quyền các bang này có chính sách giảm thuế cho các công ty thực hiện hoạt động quản lý tài chính ở nơi khác.

Ngoài Braeburn Capital ở Nevada, Apple còn thành lập nhiều công ty con ở những khu vực có mức thuế suất thấp như Ailen, Hà Lan, Luxembour và quần đảo Virgin (Anh).

Dĩ nhiên, hầu như tất cả các công ty lớn đều có biện pháp giảm mức thuế phải nộp. Nhưng đối với Apple, các khoản tiền tiết kiệm được đặc biệt lớn vì lợi nhuận của họ rất cao. Theo một nghiên cứu của nhà kinh tế Martin A. Sullivan, cựu nhân viên của Bộ Tài chính Mỹ, chiến thuật này đã giúp Apple “tiết kiệm” được 2,4 tỷ USD tiền thuế thu nhập liên bang trong năm 2011. Trong khi đó, các nhà phân tích phố Wall dự đoán Apple còn tiếp tục thu về 45,6 tỷ USD trong năm tài chính 2012 - một kỷ lục thực sự đối với bất kỳ ngành kinh doanh nào tại Mỹ.

Chiến lược toàn cầu

Một nhân tố lớn tạo cơ hội cho Apple tránh thuế là hiện nay, lợi nhuận của các công ty như Apple, Google, Amazon, HP và Microsoft không bắt nguồn trực tiếp từ hàng hóa vật lý mà từ tiền cấp phép sử dụng bản quyền và sở hữu trí tuệ. Theo thời gian, các sản phẩm công nghệ sẽ được kỹ thuật số hóa, ví dụ như thay vì mua đĩa CD, khách hàng sẽ tải ca khúc về máy tính qua mạng Internet. Một ca khúc hay ứng dụng kỹ thuật số khác hẳn một chiếc xe hơi, có thể bán từ bất cứ nơi đâu mà không cần văn phòng trưng bày hay nhà kho. Lợi dụng cơ hội đó, Apple - cũng như một số công ty chuyên bán bản quyền và bằng sáng chế khác - chuyển sang những đất nước có mức thuế suất thấp để thành lập chi nhánh kinh doanh.

Ví dụ, một cửa hàng của Apple tại Đức (nơi đánh thuế cao), sẽ bán máy tính dưới danh nghĩa đại diện một công ty con của Apple tại Singapore (nơi có thuế suất thấp) và hầu hết những lợi nhuận này sẽ bị tính thuế theo luật của Singgapore chứ không phải Đức.

Mỗi ngày có hàng triệu lượt tải ứng dụng và nội dung giải trí từ iTunes hoặc mua sản phẩm của Apple từ Apple Store. Ngay lúc đó, tiền sẽ được di chuyển khắp các châu lục. Trong khi văn phòng tại Reno giúp Apple tránh thuế liên bang, các công ty con ở nước ngoài - đặc biệt là các công ty được giao bán bản quyền bắng sáng chế - giúp Apple giảm mức thuế phải đóng cho chính phủ Mỹ và các nước có thuế suất cao.

Ví dụ, một công ty con của Apple tại Luxembourg có tên iTunes Sarl. Theo hồ sơ mà Apple đệ trình tại đây, iTunes Sarl chỉ có hơn chục nhân viên và một nhà điều hành. Người ta sẽ khó nhận ra đây là công ty con của Apple nếu không thấy một hộp thư đề tên “iTunes Sarl”.

Một nhà điều hành cũ của Apple cho hay, khi khách hàng ở châu Âu, châu Phi, Trung Đông và nhiều nơi khác tải về một ca khúc hoặc ứng dụng từ iTunes, tiền thanh toán sẽ được tính vào doanh thu của Apple tại Luxembourg. Chính vì thế, mặc dù Luxembourg chỉ có hơn nửa triệu dân nhưng doanh thu của iTunes Sarl năm 2011 là hơn 1 tỷ USD, chiếm gần 20% doanh thu iTunes toàn cầu.

Ông Robert Hatta, người từng giám sát hoạt động marketing và doanh số của iTunes tại thị trường châu Âu cho biết: “Chúng tôi thành lập tại Luxembourg vì chính sách thuế ở đây rất hấp dẫn”. Một phát ngôn viên của Apple từ chối bình luận về hoạt động tại Luxembourg.

“Nhân đôi Ailen”

Cuối thập niên 1980, Apple là một trong những công ty tiên phong về chiến thuật thuế “Nhân đôi Ailen” (Double Irish) - cho phép công ty chuyển lợi nhuận đến những “thiên đường” thuế trên khắp thế giới, theo lời kể của ông Tim Jenkins - người từng tham gia xây dựng hệ thống này với cương vị nhà quản lý tài chính tại châu Âu của Apple.
Để thực hiện chiến thuật trên, Apple đã thành lập hai công ty con tại Ailen - Apple Operations International và Apple Sales International - và 1 nhà máy tại thành phố Cork của Ailen. Chính quyền tại đây đã dành cho Apple nhiều ưu đãi về thuế, đổi lại Apple tạo thêm công ăn việc làm cho người dân của họ.

Tuy nhiên, những lợi ích mà Apple thu được không chỉ có vậy. Thỏa thuận này còn cho phép Apple chuyển toàn bộ doanh thu bán giấy phép sử dụng những bản quyền và bằng sáng chế phát triển tại California sang Ailen. Việc chuyển giao này diễn ra trong nội bộ Apple và hết sức đơn giản,nhưng lại đưa về khoản lợi nhuận khổng lồ khi thuế suất tại Ailen xấp xỉ 12,5%, trong khi thuế suất tại Mỹ là 35%.

Năm 2004, Ailen - một đất nước dưới 5 triệu dân, là nguồn gốc hơn 1/3 doanh thu toàn cầu của Apple, theo hồ sơ của Apple (công ty này không công bố số liệu gần đây).

Công ty con thứ hai của Apple tại Ailen còn cho phép chuyển những lợi nhuận khác của Apple sang các công ty không bị tính thuế tại Ca-ri-bê.

Cuối cùng, theo điều ước quốc tế giữa Ailen và các quốc gia châu Âu, một số lợi nhuận của Apple có thể chuyển đi miễn phí sang Hà Lan, khiến những người ngoài cuộc và các cơ quan thuế khó phát hiện ra. Hơn nữa, nhờ hiệp ước giữa Ireland và các quốc gia châu Âu, Apple tha hồ chuyển lợi nhuận qua Hà Lan mà không hề bị đánh thuế. Khoảng 70% tổng lợi nhuận toàn cầu 34,2 tỉ USD của Apple năm 2011 là từ nước ngoài. “Chiến lược do Apple và các tập đoàn khác thực hiện không chỉ giảm tối đa mức thuế họ phải đóng ở Mỹ, mà còn ở Pháp, Đức, Anh và nhiều nước khác” - giáo sư Edward Kleinbard thuộc Đại học Nam California nhận định.

Một thực tế là nếu Apple muốn chuyển lại lợi nhuận về Mỹ, họ sẽ phải đóng thuế. Mới đây, Apple đã liên minh với hàng chục công ty lớn khác để vận động Quốc hội Mỹ thông qua luật cho phép các tập đoàn chuyển tiền về nước mà không phải đóng thuế cao. Theo ước tính của các chuyên gia, nếu được thông qua, việc giảm thuế này có thể khiến Chính phủ Mỹ tổn thất 79 tỉ USD trong vòng 10 năm tới.
 

Theo ictnews

Các tin cũ hơn