Hà Nội: Tổng Giám đốc xù nợ ngân hàng lĩnh án chung thân

Thứ bảy, 16/06/2012, 11:06
Lợi dụng tư cách pháp nhân của công ty vừa mua, Tổng Giám đốc Tình tổ chức lập khống chứng từ để vay vốn ngân hàng. Được giải ngân 38,5 tỷ đồng, anh ta và đồng phạm rút tên khỏi doanh nghiệp hòng chiếm đoạt tiền.

>>Giám đốc chi nhánh SCTV tổ chức giết người
>>Hà Nội: Giám đốc làm giả giấy tờ để ký HĐ dịch vụ bảo vệ
>>Bắc Ninh: Giám đốc nghiện ma túy lừa đảo hàng chục tỷ đồng
>>Sóc Trăng: Giám đốc Sở bị kỷ luật vì cấp phó đánh cờ tiền tỷ

Trong hai ngày 14-15/6, TAND Hà Nội mở phiên xử Đào Hữu Tình (34 tuổi, Bắc Ninh) và Nguyễn Thị Thúy Hằng (35 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong 8 bị cáo hầu tòa cùng Hằng, Tình có 3 người bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Nguyễn Văn Hợi (nguyên trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam), Trần Thị Thu Hằng (cán bộ tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á - SeAbank) và Lê Tuấn Phương (nguyên trưởng phòng khách hàng và thẩm định của SeAbank).

5 người còn lại giúp Hằng và Tình hợp thức hóa chứng từ vay vốn bị truy tố tội Mua bán trái phép hóa đơn.
 

Đào Hữu Tình (đứng) và các bị cáo tại tòa
 

Theo truy tố, Tình là giám đốc một công ty ở Hà Nội. Muốn mua lại Công ty TNHH Viễn Đông, có trụ sở tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam do ông Hà Văn Nga làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc nhưng không có tiền, Tình rủ Hằng tham gia.

Tình ra điều kiện, ông Nga phải cho anh ta sử dụng tư cách pháp nhân công ty để vay tiền của ngân hàng và được đồng ý. Cuối năm 2006, Tình làm Tổng giám đốc Viễn Đông.

Biết công ty trước đó được SeAbank đồng ý cho vay 100 tỷ đồng trong 72 tháng để đầu tư một số dự án ở Hà Nam, Tình bàn với Hằng tìm cách hoàn tất các thủ tục vay.

Để được giải ngân, cả hai mua gần 100 hóa đơn giá trị gia tăng "khống", tạo ra 13 hợp đồng "ma" về việc thi công xây dựng các hạng mục công trình của dự án để chứng minh điều kiện vốn đối ứng của công ty. SeAbank cho Viễn Đông vay 38,5 tỷ đồng.

Có được số tiền lớn trên, Tổng Giám đốc Tình và Hằng không bàn giao lại cho công ty. Trước khi ngân hàng thu hồi nợ, cặp đôi đã rút khỏi danh sách thành viên của doanh nghiệp. Công ty cũng đổi tên thành Công ty cổ phần RTD - Viễn Đông, từ chối nghĩa vụ thừa kế các khoản nợ của công ty cũ.

Trước vành móng ngựa ngày 14/6, Hằng quả quyết, không ký hay bàn bạc kế hoạch chiếm đoạt tiền với Tình như cáo buộc của VKS. Hằng không góp vốn vào công ty. “Người thực sự giao dịch là Tình”, Hằng trình bày. Về khoản 30 tỷ đồng SeAbank giải ngân lần 2, Hằng khai có nhận nhưng sau đó đã chuyển hết cho Tình.

Trong khi đó, Tình khai, việc mua hóa đơn khống, hợp thức chứng từ do Hằng trực tiếp làm. Việc ký 9 ủy nhiệm chi chuyển khoản 38,5 tỷ đồng giải ngân từ SeAbank vào tài khoản của 8 công ty bán hóa đơn khống tại Hải Phòng, Tình thực hiện theo yêu cầu của Hằng. "30 tỷ đồng giải ngân lần 2, Hằng chiếm giữ, không đưa cho bị cáo", lời Tình trước tòa.

Trước khi bị đưa ra xét xử, Hằng đã khắc phục được gần 8 tỷ đồng, trong khi Tình chưa nộp lại số tiền chiếm đoạt.

Sau hai ngày làm việc, chiều 15/6, Hội đồng xét xử tuyên phạt Tình án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Hằng nhận án 20 năm cùng về tội danh. Hai bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt.

Nguyên trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam chịu mức phạt 2 năm tù treo. Hai cán bộ ngân hàng do thiếu trách nhiệm trong thẩm định hồ sơ vay vốn bị phạt 30-36 tháng tù treo. 5 bị cáo còn lại từ 2 năm tù treo đến 3 năm tù giam.
 


Theo VnExpress

Các tin cũ hơn