Người trẻ cách gì mua nhà Sài Gòn - Kỳ 1: Vòng xoáy và giấc mơ 'xa xỉ'

Thứ hai, 20/03/2017, 10:55
Ra trường đi làm, lương gần chục triệu nhưng ai dám mua nhà ở Sài Gòn để an cư. Đối mặt với vòng xoáy cơm áo giữa thời buổi thóc cao gạo kém, không ít người trẻ còn phải ca hoài câu hát 'tiền đâu đám cưới bây giờ' chứ đừng nói đến chuyện mua nhà Sài Gòn. 

Nhiều người trẻ ở Sài Gòn dù có mức thu nhập ở mức 20 triệu đồng cũng phải đau đầu khi tính toán đến chuyện mua nhà

Kỳ 1: Vòng xoáy cơm áo và giấc mơ "xa xỉ"

Tưởng rằng khi an cư thì sẽ lập nghiệp, thế nhưng vì một số biến cố mà cuộc sống vợ chồng anh Phước sau khi mua nhà luôn trong trạng thái căng thẳng vì áp lực tiền bạc.

Đâu ai biết trước được chữ “ngờ”

Anh Trần Huy Phước (30 tuổi) là kỹ sư xây dựng, cùng với vợ là chị Đinh Thị Hồng (27 tuổi) đang làm nhân viên kế toán. Sau khi đi làm mấy năm, dành dụm được số tiền hơn 100.000.000 đồng, hai người tổ chức đám cưới vào năm 2015.

Với số tiền mừng cưới cộng khoản tiết kiệm trước đó, hai vợ chồng anh Phước có được gần 300 triệu đồng. Nhẩm tính mức thu nhập của anh Phước là 15.000.000 đồng/tháng và chị Hồng là 6.000.000 đồng/tháng, hai người quyết định lên kế hoạch mua nhà.

Mua nhà Sài Gòn là ước mơ của nhiều người trẻ từ các tỉnh khi vào đây học tập và sinh sống. Thế nhưng, việc mua nhà Sài Gòn cũng nhiều lắm những chông gai
“Chúng tôi vay ngân hàng 500.000.000 đồng, mua căn nhà nhỏ trong hẻm tại quận Bình Tân với diện tích 60m2. Dù chỗ làm khá xa, nhưng vì muốn có nhà ngay nên chúng tôi chấp nhận mua luôn không suy nghĩ. Lúc mua nhà xong, chúng tôi vẫn còn dư 50.000.000 đồng gửi tiết kiệm trong ngân hàng”, anh Phước nói.
"
"Lúc đầu hai vợ chồng bộp chộp quá, chỉ muốn nhanh chóng có nhà riêng nên không tính toán kỹ lưỡng. Mua nhà xong đâu chừng 8 tháng thì tôi có bầu, rồi tiền lương thì bị cắt giảm. Mọi chuyện diễn ra ngoài dự tính nên vợ chồng tôi bắt đầu rơi vào cảnh nợ nần".
Chị Lê Thanh Thu
Nhưng cuộc đời chẳng ai nói trước được chữ “ngờ”. Công ty nơi anh Phước công tác làm ăn thua lỗ. Đến tháng 12 năm ngoái, công ty quyết định cho một số nhân viên nghỉ tạm thời với mức trợ cấp chỉ bằng 1/4 lương cũ. Cay đắng hơn là trong danh sách nhân viên bị nghỉ việc tạm thời…có tên anh Phước.
“Lúc nhận thông báo mất việc, hai vợ chồng như chết đứng. Tự dưng đang sống sung sướng thì đùng một cái thành người trắng tay. Chúng tôi chỉ có thể chi tiêu trong khoản tiền trợ cấp từ công ty vỏn vẹn 4.000.000 đồng/tháng. Khủng hoảng nhất là thời điểm đó tôi có bầu được gần 5 tháng nên ngoài tiền tiêu còn phải lo tiền sinh con, nuôi con nữa”, chị Hồng kể lại.
Tiền nợ ngân hàng chưa trả xong, tiền ăn uống, chi tiêu hàng tháng liên tục ngốn hết khoản tiết kiệm của anh chị. Cảnh thiếu trước hụt sau liên tục khiến cả hai vô cùng mệt mỏi, cứ đụng chuyện gì cũng có thể nổi cáu được. Người này trách người kia không biết tiết kiệm, không chịu lo xa, nếu trước đây biết để dành mỗi tháng vài triệu thì giờ cũng được khoản kha khá để xoay xở rồi.
66.000 đồng cho cả ba bữa ăn
Tháng đầu tiên nhận trợ cấp 4.000.000 đồng, thêm lương của chị Hồng thì anh chị có 10.000.000 đồng/tháng. Trích ra 5.000.000 trả tiền ngân hàng, mọi chi phí chỉ được sử dụng trong hạn mức 4.000.000 đồng, nhất định chừa lại 1.000.000 đồng để dùng lúc sinh nở.
Vì không tính toán kỹ lưỡng, nhiều người trẻ lâm vào cảnh túng quẫn do nợ nần khi mua nhà
Cụ thể, tiền điện, nước, internet, tiền khám thai… tổng cộng hết 2.000.000 đồng/tháng, còn 2.000.000 đồng chia ra cho 30 ngày, mỗi ngày được tiêu 66.000 đồng cho cả ba bữa ăn. Việc ăn nhà hàng, tụ tập bạn bè, mua sắm bị cắt giảm đến mức tối đa.
“Sáng dậy thì hai vợ chồng nấu mì tôm, miến hay phở gói ăn, hôm nào có cơm nguội thì chiên ăn luôn cũng được. Bữa trưa và tối thì chỉ nấu một món mặn như thịt hoặc cá, một tô canh rau là chủ yếu. Nấu càng đơn giản, càng ít món thì đỡ tốn kém”, chị Hồng tâm sự.

Vì một số trục trặc mà nhiều người trẻ "thất bại" trong chuyện mua nhà.

Đến nay, sau 4 tháng nghỉ ở nhà hưởng trợ cấp, hai vợ chồng đã có khoản tiền tiết kiệm gần 8.000.000 đồng để chuẩn bị cho kỳ sinh nở. “Chưa biết khi nào anh Phước mới được đi làm lại, nhưng mà dù có đi làm lại thì vợ chồng tôi vẫn sẽ ráng giữ mức chi tiêu tiết kiệm như bây giờ. Phải trả hết nợ ngân hàng thì mới yên tâm được”, chị Hồng thở dài.
Không chỉ riêng gia đình anh Phước, chị Hồng, rất nhiều những cặp vợ chồng trẻ khác cũng rơi vào cảnh túng quẫn khi vay nợ ngân hàng để mua nhà. Những câu chuyện kịch tính hơn sẽ được chúng tôi kể tiếp phía dưới.
Vay nợ ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con
Chị Lê Thanh Thu (25 tuổi), nhân viên văn phòng một công ty tại quận 11 (TP.HCM) cho biết chị lập gia đình được 3 năm. Hai vợ chồng đều là người miền Tây, lên Sài Gòn gần như phải tự bươn chải bằng mọi cách để kiếm sống.
Thu nhập của chị Thu mỗi tháng tầm 6.000.000 đồng, còn chồng thì khoảng 8.000.000 đồng. Sau đám cưới, anh chị bàn với nhau nếu thuê nhà thì sẽ phải chi trả khoảng 3.500.000 đồng/tháng cho các khoản tiền nhà, điện, nước, internet... Sẵn có tiền mừng cưới, hai vợ chồng quyết định vay thêm ngân hàng để mua nhà với suy nghĩ phải an cư thì mới lạc nghiệp.
Cầm trong tay số tiền vốn khoảng 150.000.000 đồng, hai vợ chồng chị vay thêm ngân hàng 450.000.000 đồng để mua một căn nhà 50m2 tại quận Tân Phú (TP.HCM).
Với lãi suất khoảng 9% một năm, tính ra mỗi năm vợ chồng anh Hòa, chị Thu phải trả lãi 40.500.000 đồng, tương đương 3.375.000 đồng/tháng. Dự tính trả nợ trong thời hạn 5 năm, nên mỗi tháng chị Thu phải tích lũy riêng một phần khoảng 7.500.000 đồng để trả nợ gốc. Như vậy, mỗi tháng 2 vợ chồng phải chi khoảng 10.900.000 đồng cho tổng tiền lãi và gốc, nhiều hơn gấp 3 lần khoản chi tiêu 3.000.000 đồng.
Thời gian đầu mọi chuyện đều ổn, nhưng đến năm thứ 3, tức thời điểm hiện tại, vợ chồng chị Thu đang rơi vào bế tắc. "Lúc đầu hai vợ chồng bộp chộp quá, chỉ muốn nhanh chóng có nhà riêng nên không tính toán kỹ lưỡng. Mua nhà xong đâu chừng 8 tháng thì tôi có bầu, rồi tiền lương thì bị cắt giảm. Mọi chuyện diễn ra ngoài dự tính nên vợ chồng tôi bắt đầu rơi vào cảnh nợ nần”, chị Thu tâm sự.
Ăn mì gói để tiết kiệm tiền mua nhà
Kể về quãng thời gian tích góp từng đồng để trả nợ ngân hàng, chị Thu không khỏi xót xa. Công việc của hai vợ chồng ổn định, lương tháng cộng lại gần 20.000.000 đồng nhưng số tiền làm ra cứ “không cánh mà bay”. Cưới nhau mấy năm mà hai vợ chồng không để dành được đồng dư nào. Thấy cách chi tiêu của gia đình mình không ổn, chị Thu bàn với chồng phải lập kế hoạch chi tiêu và nuôi heo đất.

Để có được một căn nhà ở Sài Gòn quả thực không phải là điều dễ dàng

Chị kể: “Đầu tiên, hai vợ chồng tôi lên kế hoạch mỗi tháng bỏ vào heo đất 8.000.000 đồng. Nhưng mới bỏ được có 2 tháng thì có việc cần sử dụng nên phải đập heo. Lần tiếp theo, chúng tôi lại nuôi con heo đất khác và cũng chỉ duy trì được 3 tháng”.
“Lúc đó hai vợ chồng không gặp mặt thì thôi, cứ hễ đụng mặt nhau là nói đến tiền bạc. Nhiều khi vợ chồng cãi nhau chỉ vì mấy chuyện từ trên trời rơi xuống. Có thời gian mà hai vợ chồng phải tiết kiệm từng đồng, đến mức phải ăn mì gói cho qua bữa”, nói rồi chị Thu thở dài.
Liên tục mấy tháng liền, vợ chồng chị Thu bị ngân hàng đòi nợ. Không tìm được cách, cuối cùng anh chị quyết định bán căn nhà với giá 800.000.000 đồng để trả hết khoản nợ gần 300.000.000 đồng trong ngân hàng. Còn lại 500.000.000 đồng, anh chị gửi vào ngân hàng, mỗi tháng lấy vài triệu tiền lời để chi tiêu các khoản phí sinh hoạt cho cả gia đình.
Rút kinh nghiệm từ thất bại với căn nhà đầu tiên, vợ chồng chị Thu đã lập ra một cuốn sổ ghi rõ các khoản chi tiêu từng tháng và những khoản phí phát sinh, vừa để nắm rõ được tình hình tài chính, vừa tạo ra động lực để dành dụm tiền mua lại căn nhà mới.
Trường hợp của anh Phước, chị Thu là còn may mắn vì đã mua được nhà dù gặp không ít khó khăn, còn trên thực tế, nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học ra trường "cày" quanh năm kiếm hơn chục triệu mỗi tháng cũng khó có tích lũy để mua được căn nhà Sài Gòn. Chỉ tính chi tiêu cho sinh hoạt cuộc sống cá nhân, học thêm ngoại ngữ, tiền thuê nhà trọ, rồi cả... tình phí cũng đã khiến người trẻ "bơ phờ" chứ đừng nói để dành tiền mua nhà.
"Mình làm mỗi tháng 11 triệu đồng, đó là có làm thêm việc ngoài công ty, vậy mà muốn để dành cũng không được bao nhiêu. Có khi phải mượn thêm tiền xài. Mình cố gắng để dành đủ ít nhất 100 triệu làm đám cưới vào năm sau mà cũng chưa biết bao giờ mới đủ số tiền đó, nên ước mơ mua nhà có vẻ còn xa lắm!", L.K.C (28 tuổi), nhân viên một công ty xuất nhập khẩu ở quận 3 chia sẻ.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích