Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn, MCK: SSN) mới đây đã rót 250 tỷ đồng vào dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ 20 tầng ở quận Tân Bình do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bưu chính viễn thông làm chủ đầu tư. Đây là một trong các dự án bất động sản mới nhất được “ông hoàng thủy sản Sài Gòn" một thời phê duyệt đầu tư, nối tiếp chuỗi những thương vụ mua bán và chuyển nhượng đình đám trong 2 năm gần đây.
Seaprodex Sài Gòn tiền thân là doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, từng góp mặt trong nhóm doanh nghiệp thủy sản lớn nhất cả nước với doanh thu bình quân 830 tỷ đồng mỗi năm. Giai đoạn ngành thủy sản rơi vào thoái trào từ cuối năm 2011, công ty cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi khoản lỗ tăng lên vài chục tỷ đồng, cộng thêm nợ phải thu khó đòi và nợ vay gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều không hoàn thành kế hoạch đề ra trong nhiều năm liên tiếp.
Ông Nguyễn Xuân Tòn, nguyên tổng giám đốc công ty từng cho biết, sau khó khăn chung của ngành thủy sản thì hiện mảng kinh doanh truyền thống chỉ hoạt động để duy trì thương hiệu. Do đó, công ty phải cân nhắc kỹ lưỡng từng đơn hàng, ưu tiên đối tác đáp ứng được tiêu chí thanh toán ngay để không tồn đọng nợ.
Seaprosex Sài Gòn buông lỏng xuất nhập khẩu thủy sản để lấn sân sang bất động sản. |
Sau khi Nhà nước thoái toàn bộ vốn, Seaprodex Sài Gòn bắt đầu tự chủ tài chính và cơ cấu lại hoạt động theo hướng tập trung đầu tư vào bất động sản nhằm khai thác quỹ đất, kho bãi sẵn có.
Cuối năm 2015, công ty phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn từ 96 tỷ đồng lên 396 tỷ. Theo kế hoạch ban đầu, công ty dự định dành khoảng 270 tỷ đồng đầu tư mở rộng sản xuất để giữ vững thị phần xuất khẩu cá tra, bạch tuộc vào những thị trường chủ lực là Hàn Quốc và EU. Phần còn lại khoảng 30 tỷ bổ sung vốn lưu động và tổ chức nghiên cứu nhằm mục đích chuẩn bị cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, thực tế báo cáo sử dụng vốn công bố giữa năm ngoái cho thấy, Seaprodex Sài Gòn dồn toàn bộ cho hoạt động mua bán cổ phần của các công ty bất động sản. Điển hình như việc chi hơn 303 tỷ mua lại 99,9% cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại du lịch Sài Gòn - đơn vị đang sở hữu 8.000m2 đất tại quận 2, nhằm góp đất hợp tác với một tập đoàn bất động sản hàng đầu của Singapore để phát triển dự án căn hộ cao cấp.
Trước đó, công ty cũng triển khai dự án chung cư kết hợp trung tâm thương mại Centa Park trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình), có tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.200 tỷ đồng. Theo số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, công ty đã rót khoảng 535 tỷ đồng vào dự án này. Ban lãnh đạo công ty nhận định, nếu dự án này thành công thì sẽ là bàn đạp giúp công ty tham gia sâu hơn vào lĩnh vực bất động sản.
Sau khi buông lỏng xuất nhập khẩu thủy sản, các chỉ tiêu kinh doanh của công ty cũng thay đổi rõ rệt. Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ tiếp tục đà giảm mạnh trong liên tiếp 10 năm, chỉ đạt 7,1 tỷ đồng và kém xa kế hoạch 155 tỷ đề ra trước đó. Trong năm qua, nguồn thu duy nhất đến từ dịch vụ cho thuê kho bãi. Công ty không ghi nhận doanh thu xuất khẩu thủy sản và mua bán vật tư, hai mảng chính từng chiếm đến 93,8% tổng doanh thu thời kỳ hoàng kim.
Sau chuỗi ngày chìm trong khủng hoảng, công ty đã thanh toán toàn bộ nợ vay ngân hàng giúp lợi nhuận sau thuế đạt 22 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm trước. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả ngắn hạn tăng gần 7 lần so với thời điểm đầu năm, lên mức 657 tỷ đồng mà trong đó phần lớn đến từ nợ chi cho dự án Centa Park.
Tính đến cuối năm, Seaprodex Sài Gòn đang sở hữu và quản lý quỹ đất 3,5ha tại nhiều vị trí đắc địa ở các quận trung tâm. Dự tính trong 5 năm tới, công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập nhằm gia tăng quỹ đất trong nội ô thành phố lên khoảng 6ha. Từ một công ty nổi tiếng về xuất nhập khẩu thủy sản, công ty tự tin tuyên bố sẽ trở thành doanh nghiệp bất động sản có tốc độ tăng trưởng vào nhóm dẫn đầu của TP.HCM.
Theo VNE