Sự trở lại của Nam Cường và chuyện mơ sản xuất xe Ferrari ở Việt Nam

Thứ hai, 13/03/2017, 09:55
Tập đoàn Nam Cường trở lại thị trường bất động sản với tuyên bố xây dựng khu đô thị xanh zero energy đầu tiên, cái mà giới kiến trúc sư ví khó như sản xuất Ferrari tại Việt Nam.    

Nam Cường vừa đánh dấu sự trở lại thị trường bất động sản với một loạt dự án mới. Đặc biệt, tập đoàn này tham vọng xây dựng khu đô thị xanh zero energy đầu tiên tại Việt Nam khiến thị trường và giới kiến trúc sư bất ngờ.

Mục tiêu tham vọng

“Net zero energy”  là tên gọi công trình có mức sử dụng năng lượng trung bình cả năm bằng 0. Dạng công trình này đòi hỏi sử dụng năng lượng cực nhỏ, đủ để cân bằng với mức năng lượng tự sinh ra do các thiết bị tái tạo năng lượng (mặt trời, gió…).

Để được chứng chỉ EDGE, công trình phải đạt 20% mức giảm tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa trong vật liệu so với công trình thông thường.

Tập đoàn này đặt mục tiêu xây dựng Dương Nội trở thành "zero energy" (hoặc "net zero energy") - khu đô thị không tiêu tốn năng lượng - đầu tiên tại Việt Nam. Trong đó, các tổ hợp Anland Complex, An Phú Shop-Villa xây dựng theo tiêu chuẩn chứng chỉ EDGE.

Theo bà Trần Thị Quỳnh Ngọc, Phó chủ tịch tập đoàn, doanh nghiệp này sẽ phát triển bền vững và thực hiện trách nhiệm xã hội của mình với việc đầu tư các công trình mang lại lợi ích cho xã hội.

Việc đầu tư trên góp phần bảo vệ môi trường, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, kiến tạo cuộc sống trong tương lại với nhiều thế hệ.

Bà Trần Thị Quỳnh Ngọc, Phó chủ tịch Tập đoàn Nam Cường. Ảnh: Hiếu Công.

Mơ sản xuất xe Ferrari với công nghệ ôtô Việt Nam hiện tại

Kiến trúc sư (KTS) Trần Thành Vũ nhận định lợi ích của công trình xanh, đặc biệt là công trình “net zero energy” là điều thấy rõ.

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chỉ có một số ít công trình đạt được chứng chỉ xanh EDGE. Năm 2015 có 2 công trình đầu tiên được trao chứng chỉ này là dự án Bridge View (Nam Long) và Tòa nhà Văn phòng FPT (Đà Nẵng) do đã áp dụng được giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

"Khả năng Việt Nam có công trình cân bằng năng lượng là khá mong manh, chẳng khác gì công nghiệp ôtô đang ở trình độ hiện tại mà mơ ước 3-5 năm nữa đóng được xe Ferrari 1.000 mã lực".

KTS. Trần Thành Vũ

Còn với công trình “net zero energy”, hiện chưa có dự án nào ở Việt Nam đủ tiêu chuẩn, trong khi trên thế giới cũng chỉ có rất ít. Một số công trình phải kể đến là tháp văn phòng Elithis Dijon France (Pháp) với mức chi phí xây dựng 1.400 euro/m2 và Tháp chung cư Danube (Strasbourg, Pháp).

Theo ông Vũ, nguyên nhân các công trình tại Việt Nam rất khó “xanh” bởi chủ đầu tư quá “hà tiện” cho chi phí thiết kế. Trong khi ở nước ngoài, chi phí thiết kế chiếm tới 10% tổng vốn đầu tư thì tại Việt Nam chi phí này chỉ vỏn vẹn 1% của giá trị xây lắp (loại trừ chi phí thiết bị).

Bên cạnh đó, thời gian làm thủ tục quá lâu cũng là yếu tố khiến việc tiết kiệm năng lượng trở nên xa vời.

Vì vậy, ông Vũ cho rằng khả năng Việt Nam có công trình cân bằng năng lượng là khá mong manh. "Điều này giống như việc công nghiệp ôtô Việt Nam đang ở trình độ hiện tại mà mơ ước 3-5 năm nữa đóng được xe Ferrari 1.000 mã lực", KTS Vũ ví von.

Chiêu PR cho sự trở lại?

Vài năm trước, Tập đoàn Nam Cường là một trong những doanh nghiệp bất động sản nổi nhất thời bấy giờ. Đơn vị này sở hữu những dự án từ vài chục cho đến cả trăm hecta đất “thẳng cánh cò bay”, trải dọc từ Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng... đến Hà Nội.

Tên tuổi của tập đoàn này gắn liền với một loạt dự án lớn như Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông), Khu đô thị Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), Khu đô thị Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), Khu đô thị mới Thạch Phúc (huyện Thạch Thất và Phúc Thọ)...

Một góc Khu đô thị Phùng Khoang, nơi có nhiều khu đất trống còn bỏ hoang của Nam Cường. Ảnh: Tiến Tuấn.

Sở hữu nhiều khu đất vàng, nhiều dự án mà các đối thủ “thèm thuồng” nhưng tập đoàn này khá im ắng trong các hoạt động của mình. Đặc biệt, năm 2010, sự qua đời của doanh nhân Trần Văn Cường, Chủ tịch tập đoàn, khiến thị trường bất động sản bàng hoàng. Nam Cường như “rắn mất đầu”, các hoạt động kinh doanh lại càng trầm lắng.

Năm 2013, tập đoàn đề xuất xin bàn giao lại Khu đô thị Quốc Oai có quy mô lên đến trên 1.200ha và Khu đô thị Thạch Thất hơn 800ha cho Hà Nội. Đây là một trong những động thái cho thấy sự giảm phát đáng kể của doanh nghiệp này.

Giai đoạn 2014-2015, khi thị trường bất động sản thoát khỏi bão khủng hoảng và hồi phục tích cực, nhiều dự án của doanh nghiệp vẫn án binh bất động, hoặc chỉ thi công cầm chừng.

Gần đây, tập đoàn bắt đầu cho thấy sự trở lại thị trường bằng việc khởi công hai tổ hợp Anland Complex và An Phú Shop-Villa. Khu đô thị Dương Nội với diện tích “thẳng cánh cò bay” được khởi động trở lại với nhiều công trình trong tương lai như bệnh viện quốc tế, trường học, công viên thiên văn học...

Việc tuyên bố sẽ xây dựng Dương Nội trở thành khu đô thị “net zero energy” đầu tiên của Việt Nam là một trong những nỗ lực tự làm mới mình của Nam Cường. Đây được xem là chiếc bùa chú mà tập đoàn đặt cược trong bối cảnh thị trường bất động sản cạnh tranh gay gắt hiện nay. Và khả năng thành công sẽ vẫn còn là dấu hỏi.

Ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường, thừa nhận “công trình zero energy” vẫn chỉ là một mục tiêu hướng tới, chưa phải là điều có thể thực hiện được.

Trước mắt, đơn vị này sẽ lấy bằng được chứng xanh EDGE của IFC cho các dự án Anland 1, Anland 2... rồi tiến tới lấy chứng chỉ xanh cho toàn bộ sản phẩm thấp tầng.

Ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường. Ảnh: Hiếu Công.

Ông Trung cũng khẳng định không vì xây dựng công trình xanh mà đẩy giá của sản phẩm. Mục tiêu của doanh nghiệp sẽ là đơn vị tiên phong cho những xu hướng mới tại Việt Nam.

Hoan nghênh tham vọng vì xã hội này của Nam Cường, một chuyên gia bất động sản đề nghị giấu tên cũng nhấn mạnh mọi kế hoạch và tham vọng vẫn ở trên giấy. Thị trường sẽ cần chờ đợi thêm mới biết nó được thực hiện hay không.

“Dù tương lai thế nào, thì hiện tại Nam Cường, ông lớn bất động sản một thời, đã có sự trở lại rất đáng chú ý trên thị trường”, vị này nói thêm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn