Gỗ sưa: Mua giá đá, bán giá ngọc

Thứ ba, 29/05/2012, 09:35
Những người dân ở Đắk Hà (Kon Tum) do không biết giá trị của gỗ sưa nên đã dùng gỗ này làm chuồng bò, hàng rào, thậm chí để đốt lấy than, những người buôn đồ cổ đã nhìn thấy một mỏ vàng khác ở những vật dụng gia đình xưa cũ được làm bằng gỗ sưa từ mấy thế kỷ trước.


>> Trong “thánh địa” gỗ sưa
>> Cơn sốt gỗ sưa và ma lực tâm linh
>> Gỗ sưa quý cỡ nào?

 

Những bộ bàn ghế, tam sự, độc bình, tráp gỗ... vốn làm bằng gỗ sưa như một vật dụng bình thường trong gia đình bỗng chốc lọt vào cuộc săn lùng của giới buôn bán đồ cổ.

Chúng tôi đã gặp được một số người từng tham gia những phi vụ mua bán đồ cổ gỗ sưa. Sau cuộc săn lùng ấy có người đấm ngực than trời vì đã bán hớ, giá ngàn bán một, cũng có kẻ hả hê vớ bẫm vì mua giá đá, bán giá ngọc...

“Cám” bỗng thành “vàng”

Cho chúng tôi coi cái độc bình bằng gỗ sưa chỉ cao chừng 30 phân, anh Nguyễn Hữu Hoàng - một dân buôn đồ cổ được nhiều người trong giới buôn đồ cổ ở Huế biết đến - đã đố chúng tôi thử định giá.

Tất nhiên là chúng tôi không thể định đúng giá, bởi cái giá mà Hoàng đưa ra cao ngất ngưởng. Theo anh Hoàng, “phong trào gỗ sưa” ở Huế nói riêng, ở miền Trung nói chung chậm hơn so với miền Bắc chừng một năm.

Khoảng năm 2004-2005, một dân buôn ở làng Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh bắt đầu vào Huế hỏi mua đồ cổ bằng gỗ sưa với giá cao gấp mười lần so với gõ (hay còn gọi là gụ trong nhóm thiết mộc “gụ - lim - sến - táu”) - loại gỗ làm đồ gia dụng khá thông dụng.

Tuy nhiên dân đồ cổ ở Huế hồi đó đã cho là trúng lớn và liên tục lùng sục trong xóm làng tìm hàng để kiếm lời. Vì thị trường đồ cổ gỗ sưa vừa mới khai phá, nhiều người dân chưa biết giá thị trường của vật dụng họ đang sở hữu nên rất nhiều người bán hớ.
 

Anh Nguyễn Hữu Hoàng và cái khay bằng gỗ sưa
 

Sau khi săn tìm lùng sục, tìm thấy các vật dụng gia đình cổ bằng gỗ sưa như tủ, kệ, bàn ghế, ván ngựa, sập, cho đến rương, hộp, khay trà... từ các nhà dân, dân buôn lập tức điện thoại cho các lái buôn Đồng Kỵ.

Họ chỉ cần được mô tả tỉ mỉ và ngã giá ngay trong điện thoại, vài giờ sau là có người đến chồng tiền nhận hàng chuyển ra Bắc để đóng sang Trung Quốc. Cả một mạng lưới săn lùng đồ xưa bằng gỗ sưa được thương lái cắm khắp mọi nơi. Khi có nhiều đồ, mấy tay buôn ở Đồng Kỵ dẫn một lái buôn người Trung Quốc vào Huế xem hàng và mua tại chỗ.

“So với gỗ sưa chưa thành phẩm thì đồ cổ, đồ cũ bằng gỗ sưa đắt gấp nhiều lần. Thường thì bán theo cân, nhưng có thứ cũng bán theo mức độ đẹp và tinh xảo, hoặc tính theo khổ, khổ càng lớn thì càng được giá. Vì giá nào cũng có lời, không trúng đậm thì lời ít, ít có chuyện lỗ. Do đó chỉ cần nghe sưa là dân đồ xưa có nước... chỉ ở trên trời mới không lên được chứ ở đâu cũng đi bằng được” - anh Hoàng cho biết.
 

Cái độc bình bằng gỗ sưa này có giá gấp hàng chục lần so
với cái tương tự làm bằng gỗ gụ hay hương

 

Kẻ cười người khóc...
 
Kể về gỗ sưa, Hữu - một người buôn đồ xưa quen thuộc ở Huế - còn nhớ như in bảy, tám năm trước, khi phong trào gỗ sưa bắt đầu rộ lên ở Huế, lần đầu tiên anh nghi bộ ngựa cũ trong xó bếp một ngôi nhà ở Vỹ Dạ là gỗ sưa.

Hồi đó chưa rành, anh cũng vào hỏi và đánh liều trả giá 3 triệu đồng và chủ nhà gật đầu. Chở về nhà trong sự lo sợ lỗ vốn vì bộ ngựa với bốn phách dài 2m, rộng 25cm và dày 2,5cm, nếu bằng gõ cũng chỉ có giá 1 triệu đồng. Nhờ người đến giám định là gỗ sưa, anh đánh tiếng và ngay tức thì, một tay buôn đồ xưa ở Kim Long, Huế về xem hàng. Hữu ra giá “trên trời” 30 triệu đồng và thật sự ngỡ ngàng vì nhận được cái gật đầu tức khắc.
 
Trong cuộc điện thoại với một bạn hàng ở Đồng Kỵ trưa hôm sau, anh lại ngỡ ngàng hơn khi bộ ngựa cũng vừa được chuyển ra làng này và chuẩn bị đưa sang Trung Quốc. Song điều làm anh phải “ôm đầu” là giá thị trường lúc ấy đã hơn 100 triệu đồng.

Đồng thời lúc ấy, ông Minh - một tay buôn có tiếng buôn bán chắc ăn ở Huế - cũng đã bán cái sập gỗ sưa vừa mua 7 triệu đồng cho Tín “béo” ở làng Đồng Kỵ với giá 25 triệu đồng. Cho đến nay, nhắc lại chuyện này ông Minh cũng chưa hết “đau đầu” vì giá thị trường miền Bắc lúc ấy đã không dưới 200 triệu đồng. Còn nếu để cho đến nay thì phải... nhiều tỉ.
 
Kể từ đó phong trào mua gỗ sưa bắt đầu cấp tập, với giá cả leo thang từng ngày, thậm chí từng giờ. Anh Hữu kể: “Có ngày, 8g sáng giá 1,7 triệu đồng/kg, đến 9g đã 2 triệu đồng. Sang đầu giờ chiều giá đã ở 2,4 triệu đồng và cuối giờ chiều lên 2,5 triệu đồng mà không có để bán.

Kể cũng lạ. Thật ra gỗ sưa cũng chỉ thật sự đắt trong bảy, tám năm trở lại đây thôi. Thật khó tin là gỗ lại đắt hơn cả thuốc Bắc, chẳng ai biết người ta mua nó để làm gì mà lại mua nhiều đến như vậy, có bao nhiêu mua bấy nhiêu. Và khi trở nên đắt thì ở Việt Nam đã không còn nhiều nữa!”.
 
Mãi tận bây giờ, khi phong trào gỗ sưa coi như ở đỉnh, những câu chuyện lợi nhuận từ loại gỗ này vẫn còn mang lại bất ngờ cho giới buôn đồ cổ. Câu chuyện giữa tháng 5 vừa rồi cũng đang nằm trên bàn trà buổi sáng của dân đồ cổ ở Huế, khi H. - một người buôn - cầm giẻ lau cái hộp cũ rất xấu xí, không chạm trổ trong đám đồ gỗ vừa mua của mình và nhận ra là gỗ sưa.

Khi hay tin, một thương lái Trung Quốc đã đến hỏi giá và rút ngay 67 triệu đồng để lấy cái tráp chỉ nặng chừng 1kg này - cái giá gấp mấy chục lần giá mua cái hộp lẫn đám đồ gỗ cũ...
 
Dân buôn đồ cổ cũng kháo nhau rất nhiều về lý do gỗ sưa được mua giá trên trời, rằng người Trung Quốc cất lấy tinh dầu làm hương liệu quý, lấy nó làm quan tài, xay ra thành bột để ướp xác cho người chết, rằng để đuổi tà ma, để chống tia tử ngoại và tia phóng xạ hạt nhân... Nhiều người cũng từng hỏi gần hỏi xa các lái buôn Trung Quốc, nhưng đều nhận được cái lắc đầu hoặc trả lời vòng vo.

Theo anh Nguyễn Hữu Hoàng, trong một lần hỏi ông A Thành - một tay buôn đồ gỗ gốc Hoa đang sinh sống ở Chợ Lớn, TP.HCM - ông này giải thích một cách đơn giản: “Bởi vì người giàu Trung Quốc đang rất chuộng gỗ này, chủ yếu để trang trí và làm các vật dụng trong nhà. Nhiều người Trung Quốc quan niệm gỗ sưa vừa đem lại may mắn, vừa thể hiện sự cao quý, có đẳng cấp của gia chủ...“.
 
Tuy nhiên, dân gỗ sưa cũng rất ngại trữ hàng vì tính thất thường của mặt hàng có giá trị quá cao một cách rất vô tội vạ này, đặc biệt là do lệ thuộc quá nhiều vào thị trường rất khó lường trước của Trung Quốc.

Theo lời kể của anh Hoàng, khoảng hai năm trước từng có chuyện “đóng băng” của mặt hàng này, dù chỉ trong khoảng hai tháng. Song với giá trị quá cao, nhiều đầu nậu miền Bắc đã phải vay nóng vốn để trữ hàng, cho nên đã có nhiều trường hợp “chết” theo sưa: vỡ nợ, trốn nợ, bán nhà cửa đất đai...
 
Nếu dân buôn đồ xưa, đồ cổ gỗ sưa có thể phất lên nhờ những người dân còn lơ ngơ với giá trị của gỗ sưa trên thị trường thì cũng có không ít người, nhờ biết được giá của mặt hàng này mà bỗng dưng thành tỉ phú. Có hàng chục câu chuyện như vậy ở nước ta trong những năm qua... 



Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn