VN xếp hạng 123/176 về chỉ số cảm nhận tham nhũng

Thứ năm, 06/12/2012, 07:26
Hôm qua 5.12, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2012 (CPI 2012), xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trên cơ sở cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đó.

>> "Cung cấp địa chỉ, tôi sẽ xử lý" 
>> Việt Nam đứng thứ 11 toàn cầu về nguy cơ tấn công mạng
>> Đề nghị năm 2013 là “năm an toàn trật tự xã hội”

Theo CPI 2012, Việt Nam được xếp hạng 123/176 với điểm số 31/100 (trong đó 0 chỉ mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch). VN cũng nằm trong số hai phần ba các nước trong bảng chỉ số có điểm số dưới 50.
 

 

Theo TI, kết quả này cho thấy tham nhũng trong khu vực công là vấn đề nghiêm trọng ở VN và các nỗ lực về phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở VN chưa chứng tỏ được sự thành công.


Kết quả này cho thấy tham nhũng trong khu vực công là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam và các nỗ lực về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam chưa chứng tỏ được sự thành công 

Trích báo cáo của TI
 

Theo Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT), cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại VN, kết quả CPI 2012 cũng một lần nữa khẳng định lại những đánh giá của các nhà lãnh đạo Việt Nam, cảm nhận và trải nghiệm chung của người dân VN về tham nhũng.

Chỉ số được TI công bố khá tương đồng với báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức” do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng BCĐ T.Ư về PCTN và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện được công bố ngày 20.11 vừa qua.

Theo báo cáo này tham nhũng được trên 34% người dân, 39% doanh nghiệp và 44% cán bộ công chức coi là một trong ba vấn đề bức xúc nhất với VN.

Đại diện TT bày tỏ hoan nghênh đối với những nỗ lực và cam kết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ VN trong việc đẩy mạnh đấu tranh PCTN. Theo TT, việc thông qua nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 về xây dựng Đảng, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật PCTN, cải cách mô hình Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN là những hành động cho thấy quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo VN.

Tuy nhiên, theo TT, cần phải cố gắng và hành động nhiều hơn nữa để cuộc đấu tranh này thu được những kết quả thiết thực và cụ thể, và để củng cố niềm tin của người dân vào các nỗ lực quốc gia về PCTN.

Theo TT, việc nâng cao minh bạch trong hoạt động của khu vực công cũng như trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền và đội ngũ công chức ở cả cấp T.Ư và địa phương là những giải pháp then chốt. Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng quyền tiếp cận thông tin, tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân, của báo chí và khu vực tư nhân trong PCTN cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

Theo CPI 2012 Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand là các quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng với điểm số 90/100. Trong khi đó Afghanistan, CHDCND Triều Tiên và Somalia là 3 quốc gia đứng cuối bảng xếp hạng (cùng được 8/100 điểm).



Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn