Xung quanh thông tin này, PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC).
4 thành phố vệ tinh
"Sở trang bị 6 máy bay cứu hộ cứu nạn, chữa cháy trên bộ và chữa cháy trên sông. Việc đầu tư trang bị máy bay là cấp thiết để tham gia cứu hộ, chữa cháy bởi TP đã và đang xây dựng nhiều cao ốc, đường cao tốc, metro..." |
Ông Nhật cho biết, ngày 14/1, UBND TP.HCM phê duyệt dự án quy hoạch PCCC trên địa bàn đến năm 2025. Dự án này do Sở Cảnh sát PCCC lập, Sở KH-ĐT thẩm định.
Trọng tâm của dự án là từ 2012 đến 2015 thành lập thêm Phòng Cảnh sát PCCC các quận, huyện: 5, 7, 10, Phú Nhuận, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh và 36 đội chữa cháy, cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp độc lập.
Đến năm 2020 thành lập thêm 97 đội cứu hộ cứu nạn thuộc các phòng cảnh sát PCCC quận, huyện và phòng cảnh sát PCCC trên sông.
Đến 2025 xây dựng 4 thành phố vệ tinh (quy mô tương đương một phòng cảnh sát PCCC) ở phía nam TP (Q.7, H.Nhà Bè), phía bắc (H.Củ Chi), phía đông (Q.2, Q.9) và phía tây (Q.Bình Tân, H.Bình Chánh).
Tuy nhiên, hiện còn một số khó khăn phải giải quyết quyết liệt, như địa bàn TP có 3.500 km đường bộ nhưng chỉ có 5.797 trụ nước chữa cháy, trong khi theo tiêu chuẩn quy phạm về cấp nước chữa cháy đô thị thì phải có trên 23.000 trụ...
Nếu hoàn thành mạng lưới các đơn vị PCCC như trên, TP sẽ đạt tiêu chuẩn nội thị, trong vòng bán kính 3 km, ngoại thành 5 km có lực lượng PCCC.
Đặc biệt trong giai đoạn từ 2016 - 2025, Sở trang bị 6 máy bay cứu hộ cứu nạn, chữa cháy trên bộ và chữa cháy trên sông. Việc đầu tư trang bị máy bay là cấp thiết để tham gia cứu hộ (xảy ra cháy, bão, TNGT đường thủy, TNGT trên đường cao tốc, sóng thần...), chữa cháy bởi TP đã và đang xây dựng nhiều cao ốc, đường cao tốc, metro...
Thực tế sau vụ cháy ITC năm 2002, chính quyền TP đã thấy việc trang bị máy bay trực thăng cứu hộ cứu nạn, chữa cháy... là cấp thiết, nhưng mãi đến nay một dự án mới được phê duyệt. Vậy theo ông tính khả thi của dự án này như thế nào?
TP.HCM là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất nước với nhiều cao ốc, chung cư cao tầng nên việc trang bị máy bay cứu hộ và cứu nạn, chữa cháy là cần thiết cho hiện tại và cả tương lai.
UBND TP giao trách nhiệm cho nhiều sở, ngành như: Sở KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Khoa học - công nghệ, GTVT... cùng tham gia thực hiện đề án.
Nếu các sở, ngành thực hiện đúng tinh thần trách nhiệm thì dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch. Phải bắt tay vào thực hiện ngay, nếu không sẽ không kịp. Việc trang bị các loại máy bay chuyên dùng này cần phải đặt hàng nhà sản xuất cho phù hợp điều kiện địa hình, khí hậu, tính chất cháy nổ ở TP; đồng thời lên phương án đào tạo nguồn nhân lực để sử dụng phương tiện hiện đại này.
Bởi việc chữa cháy, cứu hộ bằng máy bay khác hẳn bằng xe hay tàu chữa cháy và mất nhiều thời gian tập huấn. Sở sẽ đưa ra nhiều phương án đào tạo lực lượng này, có thể thuê chuyên gia nước ngoài dạy hoặc đưa người ra nước ngoài tập huấn.
|
Nhà cao tầng phải có bãi đáp trực thăng
Liên quan đến không phận thường vướng đến thủ tục giấy phép và nhiều nơi trên địa bàn TP quy hoạch không phù hợp... Những trở ngại này liệu có ảnh hưởng đến hiệu quả của máy bay khi được đưa vào hoạt động?
Đến nay, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã ký kết việc tăng cường hỗ trợ nhau, trong đó có PCCC, nên về thủ tục, giấy tờ không có gì trở ngại.
Tuy nhiên, địa hình thực tế hiện nay ở TP cần phải tính toán lại cho thuận lợi, phù hợp để máy bay cứu hộ, chữa cháy hoạt động hiệu quả hơn.
Chẳng hạn, cần nghiên cứu khi cấp phép xây dựng cho nhà cao tầng phải yêu cầu có bãi đáp trực thăng, để khi xảy ra sự cố máy bay trực thăng có thể đáp xuống cứu người, chữa cháy hoặc có thể sử dụng làm bãi đáp thả người được cứu hộ từ cao ốc khác đang bị cháy gần đó, chứ nếu bay ra tận sân bay Tân Sơn Nhất thả người rồi quay lại hiện trường thì quá mất thời gian.
Nếu hoàn tất dự án quy hoạch này, hệ thống chữa cháy của TP sẽ ngang tầm các nước khu vực và thế giới.
Không quá 5 phút Tại Mỹ, hầu như mỗi nhà cao tầng, công ty, xưởng sản xuất... đều có hệ thống báo cháy. Khi có một lượng khói hay nhiệt độ tăng lên vượt mức cho phép, hệ thống sẽ lập tức báo động (một số hệ thống còn có thể tự động gọi đến trung tâm PCCC). Tại trung tâm PCCC, hệ thống định vị số điện thoại gọi đến sẽ cho biết chính xác địa điểm báo cháy. Hai phút sau (không bao giờ quá 5 phút), lực lượng PCCC, cấp cứu và cảnh sát sẽ có mặt. Ở các công ty, xí nghiệp thường có hệ thống chữa cháy tự động. Khi xảy ra cháy, hệ thống vòi phun nước (được lắp đặt khắp nơi trên trần nhà) sẽ tự động kích hoạt... |
Hệ thống cấp cứu đa phương tiện Theo bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện (BV) Cấp cứu Trưng Vương - TP.HCM, việc sử dụng máy bay trực thăng trong các trường hợp cứu hộ, cứu nạn là cần thiết, nhưng phải tính toán kỹ để vận hành đạt hiệu quả cao. Thiết kế xây dựng Trung tâm cấp cứu Trưng Vương trước đây dự tính máy bay trực thăng cấp cứu sẽ đáp trên tầng 5 của tòa nhà Trung tâm, nhưng đến nay khu vực xung quanh đã có nhiều nhà cao tầng mọc lên do vậy phải điều chỉnh lại, đưa lên tầng 16. TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP, cũng cho rằng cần tính tới một hệ thống cấp cứu bằng nhiều phương tiện: đường bộ, đường thủy, trên không; không chỉ phục vụ cho TP mà còn vận chuyển, xử lý và chữa trị cấp cứu cho các tỉnh lân cận, những vùng xa xôi, ngoài khơi, biển đảo. “Máy bay cấp cứu không phải để cấp cứu trong nội thành, mà sử dụng cho các trường hợp cấp cứu ngoài biển, những nơi xa, hiểm trở... Nên tính việc máy bay cấp cứu đưa nạn nhân về thẳng các BV. Một số BV xây dựng sau này cũng phải có thiết kế chỗ đậu cho máy bay trực thăng”, ông Giang nói. |
Theo Thanhnien