Các “phố đèn đỏ” ở Thái Lan là nơi sinh ra các hoạt động buôn bán sử dụng ma tuý, tống tiền và đặc biệt là đường dây buôn phụ nữ xuyên quốc gia bao gồm: Myanmar, Trung Quốc, Campuchia.Ảnh: thebox.vn
|
Hợp pháp hoá, được gì?
Thực tế, hoạt động mại dâm đang diễn ra phức tạp hơn sau khi nghị quyết của Quốc hội ngày 2.7.2012 chính thức không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm.
Theo cục Phòng chống tệ nạn xã hội, cả nước hiện có trên 73.000 cơ sở kinh doanh “dịch vụ nhạy cảm” với hơn 48.000 nhân viên phục vụ. Trong đó TP.HCM có khoảng 14.000 –15.000 người hoạt động mại dâm, nhưng thực tế có khi còn cao hơn.
Thế nên, “phố đèn đỏ” được đưa ra như một cứu cánh cho đơn vị quản lý tệ nạn xã hội, nhằm đưa gái mại dâm vào khu vực “dễ kiểm soát”.
Điều này nhìn sơ qua có vẻ hợp lý, bởi trong bối cảnh gái mại dâm tràn lan như hiện nay, việc “gom” về một điểm giúp cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa rủi ro từ vấn nạn mua dâm và các tệ nạn liên quan như rửa tiền, cờ bạc, ma tuý…
Tuy nhiên thực tế phép tính “nhiều gái gọi = hợp pháp hoá mại dâm” vẫn còn bất đối xứng, bởi việc hợp pháp hoá không mang lại một xã hội yên ổn, lành mạnh và lạc quan hơn.
Phố đèn đỏ = giảm tệ nạn + giảm tỷ lệ hiếp dâm + tăng thu?
Việc quản lý “nghề mại dâm” tức hợp pháp hoá mại dâm không phải việc đơn giản, nếu không muốn nói là phức tạp khi ngành mại dâm dễ kéo theo nhiều vấn nạn khác.
Ông Lê Đức Hiền, cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội nhận xét “người ta đã ngộ nhận khi cho rằng mại dâm có từ cổ xưa, là nhu cầu chính đáng, một khi mại dâm được xem là một nghề thì sẽ bớt được hiếp dâm trẻ em, bóc lột tình dục, lây lan tình dục, tăng thu ngân sách… Nhưng mại dâm luôn gắn liền với những vấn đề xã hội phức tạp khác, khiến cho việc quản lý càng gặp khó khăn hơn”.
Đơn cử như Thuỵ Điển, quốc gia đã từng hợp pháp hoá mại dâm trong 30 năm cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, đến năm 1998 nước này lại gấp rút ban hành bộ luật cấm hoạt động mại dâm, vì dịch vụ này đã “phát triển” ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ, làm tổn hại đến các giá trị đạo đức xã hội.
Còn tại các “phố đèn đỏ” ở Thái Lan, ngoài dịch vụ mại dâm còn khá nhiều sòng bạc và các dịch vụ “hao của tốn tiền”.
Thực tế, ngành mại dâm ở Thái không hợp pháp, tuy nhiên những người từ 18 tuổi có thể đi quán bar, vũ trường với nhau. Đây chính là nơi sinh ra các hoạt động buôn bán sử dụng ma tuý, tống tiền và đặc biệt là đường dây buôn phụ nữ xuyên quốc gia bao gồm: Myanmar, Trung Quốc, Campuchia.
Chưa dừng ở đó, nạn hiếp dâm – vấn đề được kỳ vọng là sẽ giảm nhờ “phố đèn đỏ”, nhưng thực tế lại tăng mạnh. Tỷ lệ hiếp dâm ở Thái Lan cao nhất Đông Nam Á, với 7 – 8 vụ trên 100.000 dân, cao gấp hai lần Philippines, ba lần Singapore và năm lần Việt Nam.
Còn tại bang Nevada của Mỹ, nơi hợp pháp hoá mại dâm thì tỷ lệ hiếp dâm năm 2009 là 43 trường hợp trên 100.000 dân, vượt xa tỷ lệ trung bình của cả nước là 30 vụ.
Vấn đề tăng “nguồn thu” cho quốc gia thông qua phố đèn đỏ cũng là một trong những lý do đáng để cân nhắc kỹ lưỡng. Tại Hà Lan, ngành công nghệ tình dục mỗi năm đem lại khoảng 1 tỉ USD, nhưng tình trạng buôn người ở Hà Lan cực kỳ nhức nhối, gây ra nhiều vấn nạn gây hao tốn ngân sách.
Ở thành phố Bonn của Đức, năm 2011 đã thu về 18.200 USD tiền thuế từ dịch vụ mại dâm, nhưng đã phải chi tới 116.000 USD để bảo đảm an ninh cho các phố đèn đỏ.
Theo SGTT