Bộ luật Lao động được Quốc hội sửa đổi và thông qua năm 2012 sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2013. Trong đó quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi.
Đồng thời quy định: người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm.
Trong quá trình xây dựng nghị định hướng dẫn nội dung nêu trên, các bộ liên quan đề xuất hai phương án: thứ nhất, việc kéo dài thời gian làm việc được áp dụng đối với người lao động (cả nam và nữ); thứ hai, chỉ áp dụng đối với lao động nữ.
Đối tượng kéo dài thời gian làm việc cũng nêu phương án: người giữ chức vụ từ vụ trưởng, vụ phó hoặc tương đương; lãnh đạo tập đoàn kinh tế nhà nước (ví dụ chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc...).
Tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.
Nhưng ông Trọng cho rằng khi kéo dài tuổi nghỉ hưu cần tính đến hai yếu tố: một là tạo điều kiện, cơ hội cho những người đến tuổi nghỉ hưu như trước đây, mặt khác cũng phải chú ý đến lớp người bước vào độ tuổi lao động vì dân số nước ta cũng đang bước vào giai đoạn dân số vàng. Do đó, trong quá trình thực hiện lộ trình kéo dài tuổi nghỉ hưu cần phải chú ý tạo việc làm cho lớp trẻ.
Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đối với lãnh đạo, ông Trọng cho rằng cần dựa trên nền tảng năng lực của mỗi người để quyết định. Bên cạnh đó, cần xem lạicơ chế. Nếu vẫn áp dụng cơ chế bổ nhiệm và đề bạt dựa trên kinh nghiệp thì lớp trẻ rất khó có cơ hội. Thay vào đó là cơ chế đề bạt cán bộ bằng thi tuyển sẽ đem đến cơ hội bình đẳng với tất cả.
Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đối với lãnh đạo cần dựa trên nền tảng năng lực của mỗi người. (Ảnh minh họa) |
Phương án chỉ kéo dài thời gian làm việc đối với lao động nữ hiện cũng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo thống kê về độ chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ của Liên hợp quốc ở 142 nước trên thế giới cho thấy, có 51 nước tuổi nghỉ hưu của lao động nữ kém nam giới thường là 5 tuổi, Việt Nam nằm trong số các nước này.
Bày tỏ quan điểm, bà Louise Chamberlain, Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng một trong những rào cản đối với nữ giới khi phấn đấu trở thành lãnh đạo ở Việt Nam là sự phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, tuổi nghỉ hưu không ngang bằng cũng không thích hợp với tinh thần của Công ước Quốc tế về chống phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam đã thông qua từ năm 1982.
Thống kê, khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ từ năm 2011 cho thấy thực tế, hầu hết lực lượng lao động trong khu vực nặng nhọc, độc hại như chế biến thủy hải sản, dệt may, cạo mủ cao su... đều mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu vì đến tuổi 55 họ không thể làm được những việc nặng như thế nữa.
Đối với lao động làm hành chính đa số lại muốn tuổi nghỉ hưu như hiện tại. Riêng cán bộ làm công tác quản lý cấp vụ trở lên thì 47% trả lờimuốn kéo dài tuổi nghỉ hưu lên 58 - 60 tuổi….
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, phạm vi đối tượng lao động nữ được đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu khó khả thi.Bà Mai đưa ra hai phương án.
Một là từ 2013 - 2015 sẽ tăng tuổi nghỉ hưu (áp dụng trong nhóm lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao: người có học vị tiến sỹ; nhóm lao động quản lý: người giữ chức danh vụ trưởng và tương đương, có phụ cấp chức vụ…).
Theo lộ trình từ 2015- 2020 sẽ mở rộng dần việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với một số đối tượng khác. Lộ trình này có thể kéo dài hơn tùy theo điều kiện cải cách của bộ máy hành chính nhà nước.
Phương án 2, áp dụng theo đề xuất nhưng giãn lộ trình theo hướng 2 - 3 năm tăng 1- 2 tuổi, đến năm 2020 thì đạt tuổi nghỉ hưu cho nhóm này như nam giới.
Cũng theo bà Mai, việc lựa chọn phương án phân loại các nhóm lao động nữ, có lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu sẽ phù hợp với quá trình cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với tốc độ già hóa dân số.
Theo Dantri