Một nhà hàng bán món ăn Hàn Quốc lại khu phố "đa quốc gia". |
Vì nhiều lý do khác nhau, đã có nhiều người đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippine, Ả Rập, Iran… (châu Á); Anh, Pháp, Nga, Đức, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Áo, Bỉ, Bungari, Hà Lan, Ba Lan, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… (châu Âu); Mỹ, Canada, Brazil… (châu Mỹ); New Zealand, Úc… (châu Úc) và một số người đến từ châu Phi tập trung sinh sống tại KP3, 4 của P.Tân Phong.
Đây là một cộng đồng dân cư đa quốc gia, đa ngôn ngữ, với nền văn hóa phong phú đa dạng.
Ấn tượng đầu tiên của những người mới đến khu phố “đa quốc gia” này là hệ thống nhà hàng tên nước ngoài chằng chịt. Như nhà hàng Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc; siêu thị, phòng khám đa khoa của Hàn Quốc; dịch vụ spa của Nhật Bản, Hàn Quốc… Cũng có vài nhà hàng Việt nằm lọt thỏm giữa cơ man nhà hàng ngoại.
Một nhà hàng món Thái. |
Hầu hết cư dân người nước ngoài sinh sống tại đây đều có tác phong công nghiệp rất cao. Cứ mỗi sáng sớm, họ vội vã rời nhà, lên xe đưa đón đến nơi làm việc đóng tại các quận ngoại thành TP.HCM, hoặc các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Con cái của họ cũng được xe đưa đón tới các trường dân lập quốc tế.
Chị Ana đến từ Đức sáng nào cũng chở con gái ra trạm xe đưa đón để con tới trường dân lập quốc tế Việt Úc ở Q.9. Chị đưa con ra giao tận tay cho cô giáo, nhắc nhở con thắt dây an toàn rồi mới quay về đi làm. Buổi chiều cả gia đình lại dắt nhau xuống nhà hàng Đức để ăn uống và dạo chơi.
Đầu giờ tối, hầu hết mọi người tập trung ở các quán ăn của cộng đồng mình để thưởng thức những món hợp khẩu vị. Các quán ăn thường đóng cửa sớm hơn các quán bar, spa, massage. Nếu khoảng 22h đêm, hầu hết các quán ăn đã đóng cửa thì các quán bar, karaoke, cà phê vẫn hoạt động tới 2 - 3h sáng ngày hôm sau.
Một cư dân người Nhật tại khu phố "đa quốc gia" dắt chó đi dạo. |
Mỗi cộng đồng có những cách sống khác nhau. Đối với người châu Á, họ sống và sinh hoạt khép kín hơn. Chị Thúy Hà, nhân viên giám sát của một trường quốc tế thường xuyên tiếp xúc với các em học sinh ở khu phố này, cho biết người Hàn Quốc (chiếm đến 80% cư dân ở đây) sống rất khép kín và chú trọng tới gia đình truyền thống. Họ thuê nhà tập trung thành từng xóm, nhiều gia đình có 3 thế hệ cùng sinh sống tại đây.
Người Hàn siêng năng, cần cù nên chú trọng tới hiệu quả công việc, nhất là giờ giấc. Giáo viên muốn gặp học sinh tại nhà thì phải lên lịch hẹn, khi đã hẹn thì không được tới trễ.
Có nhiều em cho biết cuộc sống bên Hàn rất khó khăn, phải làm lụng rất vất vả, nhưng khi cha mẹ sang Việt Nam mở nhà hàng thì cuộc sống thoải mái hơn nhiều.
Cứ mỗi chủ nhật vào tuần cuối cùng trong tháng, họ tập trung nhau tại một chỗ để trao đổi thông tin và dẫn con cái sinh hoạt ngoại khóa như nhặt rác ở các công viên.
Học sinh người Hàn Quốc qua đường đón xe buýt để đến trường. |
Chị Ngọc Trâm, giáo viên của một trường trong “khu làng đa quốc gia”, cho hay người châu Âu cởi mở, hồ hởi hơn người châu Á. Họ luôn đề cao ý thức và quyền công dân của mỗi cá nhân nên ít khi hỏi han và quan tâm đến cuộc sống riêng tư của người khác như người châu Á.
Người châu Âu thuê nhà biệt lập chứ không thành cụm như người Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiếm khi họ để ý tới hàng xóm nếu không có gì cấp thiết.
Anh Phước Dũng, nhân viên bảo vệ, cho biết cứ trung bình 10 người ở đây thì chỉ có một người Việt Nam. Người Việt sinh sống trong khu này đa phần là tầng lớp “đại gia”.
“Những người nước ngoài biết tiếng Việt sống khá thân thiện, vui vẻ, khi gặp là họ chào hỏi. Như cặp vợ chồng người Brazil và Mỹ là bác sĩ thú y sống khá tình cảm, đi đâu họ cũng cầm tay, nhưng khi nào đi ăn thì tôi thấy họ tiền của ai người ấy trả”, anh Dũng cười cho biết.
Theo Infonet