|
Dư luận đã từng bức xúc vụ việc xảy ra ở xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng cách đây chưa lâu.
Hôm đó, nhận được tin báo người dân ở thôn Phước Thuận tổ chức chặn đoàn xe vận chuyển đất san lấp mặt bằng gây ô nhiễm môi trường, công an xã cử công an viên Nguyễn Văn Tám và Đỗ Hữu Xuân xuống giải quyết.
Nhưng sự việc không được giải quyết ổn thỏa mà còn ồn ào hơn khi ông Nguyễn Văn Tám tát vào mặt một người dân là bà Nguyễn Thị Hà (50 tuổi).
Hách dịch, làm chết người...
Trưa 10/6/2012, một xe tải chở gỗ vượt đèn đỏ tại một ngã tư trên đường Trần Hưng Đạo (TP.Ninh Bình) và bị thiếu tá CSGT Hoàng Văn Trọng ra lệnh dừng xe, kiểm tra.
Khi tài xế đánh lái đưa xe vào lề đường thì quệt nhẹ vào đuôi xe máy của CSGT. Tức giận, anh CSGT này đã túm cổ, tát, đẩy và dùng gậy hướng dẫn giao thông đánh tài xế. Sau đó, anh CSGT này bị kỷ luật cảnh cáo, chuyển công tác nhưng đã để lại hình ảnh phản cảm về người thi hành công vụ trong mắt nhân dân.
Đặc biệt đáng nói là vụ việc liên quan đến cái chết của ông Nguyễn Mậu Thuận (54 tuổi, trú tại thôn Đoài, xã Kim Nỗ, H.Đông Anh, TP.Hà Nội).
Cụ thể, sau khi say rượu và nảy sinh mâu thuẫn với một vài người trong thôn, 13 giờ 30 ngày 30/8/2012, ông Thuận được đưa về trụ sở Công an xã Kim Nỗ để làm việc. Tại đây, Nguyễn Trọng Kiên, Hoàng Ngọc Thức và Đoàn Văn Tuyến (đều là công an viên) đã còng tay ông Thuận ra phía sau.
Bị chửi bới, 3 công an viên này còng luôn hết tay chân ông Thuận vào chân ghế, sau đó còn có thêm Hoàng Ngọc Tuyên (Phó công an xã) tham gia phủ trận đòn dùi cui vào đùi ông Thuận. Khi ông Thuận không ký biên bản, Tuyên và Kiên tiếp tục đánh.
Đến 16 giờ 45 phút, thấy ông Thuận có biểu hiện khó thở họ mới chịu tháo còng đưa đi cấp cứu thì ông Thuận đã chết.
Ngày 1/9/2012, Công an H.Đông Anh đã quyết định khởi tố vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người và tạm giữ hình sự đối với Tuyên, Kiên, Tuyến và Thức để điều tra làm rõ.
Trong một vụ việc khác, lúc 16 giờ ngày 10/12/2012, lực lượng Công an H.Yên Thế (Bắc Giang) tổ chức phá trường gà tại nhà một người dân ở phố Thống Nhất (thị trấn Bố Hạ, H.Yên Thế).
Trong quá trình khám xét, ông Bùi Văn Lợi (45 tuổi) - một trong 30 người bị bắt giữ đã bất ngờ bỏ chạy ra ngoài cánh đồng ở phía sau sới gà.
Trong khi truy đuổi, thượng sĩ Nguyễn Duy Tùng đã dùng súng quân dụng K54 bắn chỉ thiên. Tuy nhiên, do súng bị cướp cò nên viên đạn đã găm trúng vai trái của ông Lợi.Ông Lợi được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong.
Ngày 13/12/2012, Cơ quan CSĐT - Công an Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Tùng để điều tra về hành vi làm chết người trong khi thi hành công vụ theo điều 97 bộ luật Hình sự…
Nhục hình
Lập đường dây nóng nhận phản ánh về CSGT Ngày 12/3, Công an Quảng Nam cho biết đã lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin từ quần chúng nhân dân về những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh, gồm 2 số điện thoại: (0510) 3860350 - 3860305. Đường dây nóng này hoạt động 24/24, tiếp nhận thông tin từ quần chúng phản ánh và cam kết xử lý kịp thời theo chế độ tài liệu mật của ngành công an, đồng thời đảm bảo đúng quy định về khiếu nại, tố cáo. |
Không ít vụ án hình sự khi đưa ra tòa xét xử, bị cáo phản cung kêu oan, cho rằng “bị đánh nên khai đại”.
Tuy nhiên, như một thẩm phán chia sẻ: "Bị cáo chỉ khai vậy thôi chứ không có chứng cứ”.
Thế nhưng gần đây đã có một số vụ việc cho thấy mọi chuyện không dừng lại ở đó.
Đơn cử, trong quá trình xác minh nguồn tin tố giác tội phạm, Trần Bá Tuấn (nguyên đại úy, điều tra viên Công an TP.Nha Trang) và Nguyễn Đình Quyết (nguyên trung úy) đã khám xét nơi nghi can Trần Thị Lan và đưa bà về trụ sở Công an TP.Nha Trang để thẩm vấn.
Tại đây, Tuấn và Quyết đã nhiều lần dùng tay chân, roi điện, dùi cui đánh bà Lan để ép nhận tội lấy cắp 7 triệu đồng và 1.750 USD của gia chủ nơi bà Lan giúp việc.
Bị tra tấn đến ngất xỉu, bà Lan phải cấp cứu và điều trị gần một tuần tại bệnh viện tỉnh. Sau đó, Tuấn và Quyết phải ra tòa lãnh án về tội “dùng nhục hình”.
Trước đó, nguyên trung úy CSHS Công an TP.Nha Trang, Lang Thành Dũng bắt nhầm và tra tấn anh Nguyễn Trường Vũ (hành nghề chạy xe ôm), đến mức phải cấp cứu cũng bị TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt 9 tháng tù (án treo) về tội dùng nhục hình.
Lê Khắc Sáu (nguyên cán bộ điều tra Công an TP.Phan Rang - Tháp Chàm) cũng bị phạt 5 năm tù về tội “dùng nhục hình” với hành vi dùng gậy cao su, dùng tay đánh vào người, mặt, đạp chân lên người, đầu khi đối tượng đang bị còng dẫn đến tử vong.
Chưa hết, ngày 17/8/2012, Cục Điều tra - Viện KSND tối cao tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Quyền (nguyên đại úy, Công an tỉnh Phú Yên) và Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thiếu úy, Công an TP.Tuy Hòa) để điều tra về việc hai người này đã dùng nhục hình đối với Ngô Thanh Kiều (30 tuổi, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên, nghi can trong một vụ trộm cắp tài sản) làm anh này tử vong.
Cản trở luật sư
Trao đổi vớiThanh Niên, thiếu tướng Trần Thùy, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, nhìn nhận: Trong quá trình làm nhiệm vụ, có một số cán bộ, chiến sĩ đã có những lời nói, cử chỉ chưa đúng với tác phong của người công an, khiến người dân vi phạm phải bức xúc. Khi phát hiện ra những trường hợp này, lãnh đạo Công an TP.Hà Nội đều chỉ đạo tiến hành kiểm điểm và kỷ luật nghiêm. |
Một thành viên của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: “Hiện nay, trong lúc nguồn đầu vào của tòa, của Viện KSND, của cơ quan thi hành án bắt buộc phải là đại học thì có tới 30% điều tra viên đã bổ nhiệm chưa có trình độ đại học.
Tính chung cả điều tra viên và các cán bộ khác có tới 80% chưa tốt nghiệp đại học, cao đẳng”.
Vị này nói thêm: “Theo tôi, một điều tra viên đụng đến quyền và nghĩa vụ của công dân nhưng tới 1/3 chưa có trình độ đại học thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều tra, vi phạm tố tụng là điều dễ hiểu”.
Nhiều ý kiến luật sư cũng than rằng, dù đã có bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư 70 của Bộ Công an công khai hoạt động điều tra, cho luật sư tham gia ngay từ đầu nhưng thực tế tình trạng hạn chế luật sư tham gia từ quá trình điều tra vẫn phổ biến.
Việc hạn chế, cấm cản luật sư tham gia vào quá trình điều tra cũng làm gia tăng sự nghi ngờ của dân chúng đối với một trong những hoạt động của ngành công an, làm phát sinh những phản ứng tiêu cực không đáng có và gia tăng sự lạm quyền của công an trong hoạt động điều tra.
(Còn tiếp)
Theo Thanhnien