Căng thẳng với Triều Tiên, Hàn Quốc "chĩa vũ khí" vào... Trung Quốc

Thứ ba, 09/04/2013, 10:53
Một chính trị gia quyền lực nổi tiếng của Hàn Quốc tuyên bố, quốc gia của ông cần theo đuổi vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm gửi một thông điệp chính trị, đặc biệt không phải tới Triều Tiên mà là Trung Quốc.

Theo đó, Hạ nghị sĩ Chung Mong-joon, một nhà lập pháp quyền lực, từng giữ chức Chủ tịch Đảng cầm quyền Saenuri của Hàn Quốc hôm qua cho biết, mối bận tâm mà Trung Quốc luôn canh cánh trong lòng là các vấn đề liên quan đến Tây Tạng và Đài Loan. Do đó, họ luôn gác vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng sang một bên.

Căng thẳng không ngừng leo thang với Triều Tiên trong thời gian qua đã làm dấy
lên nhiều cuộc tranh luận về khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc.

“Đối với Triều Tiên, Trung Quốc muốn duy trì hiện trạng như hiện nay, không muốn chủ động và tích cực gây áp lực lên chế độ Bình Nhưỡng. Do đó, Seoul cần có vũ khí hạt nhân để gửi thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh”, ông Chung phát biểu với các phóng viên Hàn Quốc tại Washington, nơi ông tham dự hội nghị chính sách hạt nhân quốc tế Carnegie 2013 trong 2 ngày.

Hôm nay, nhà lập pháp Hàn Quốc sẽ có bài phát biểu nêu lên quan điểm về lý do khiến Hàn Quốc nên thúc đẩy việc tái triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ hoặc tiến tới phát triển khả năng hạt nhân của riêng mình.

Trước đó, Mỹ đã rút toàn bộ các vũ khí hạt nhân chiến thuật của họ ra khỏi Hàn Quốc vào năm 1991 khi Triều – Hàn ký thỏa thuận kêu gọi phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều.

Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc vừa vạch kế hoạch đối phó đảm bảo cứng rắn hơn trước đây nhưng cũng tránh gây leo thang chiến sự diện rộng.

Giám đốc An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Jang-soo tiết lộ Triều Tiên có thể sẽ phóng tên lửa đạn đạo mới trong tuần này.

Nếu điều đó xảy ra, giới chức Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ sẵn sàng tính toán đường đạn trong vài giây và lập tức bắn rơi nếu nó hướng về phía Hàn Quốc, Nhật hoặc Guam. Ngược lại, họ sẽ án binh bất động nếu tên lửa bay về phía vùng biển quốc tế hoặc bay vượt qua Nhật Bản như từng diễn ra trong quá khứ.

Theo VNE

Các tin cũ hơn