Có thể dùng câu “đời tuôn nước mắt” để miêu tả về phản ứng của người dân Triều Tiên sau cái chết của vị lãnh tụ nước mình.
Tấm bia tưởng niệm
Tại Bàn Môn Điếm ở Kaesong có một tấm bia tưởng niệm. Tấm bia này hình chữ nhật, không được đặt dọc mà được đặt ngang. Trên tấm bia là mấy chữ Triều Tiên, phía dưới đề “ngày 7/7/1994”.
Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và con trai Kim Jong Il. |
Cha con ông Kim đã lãnh đạo đất nước Triều Tiên nhiều thập kỷ nay. |
Mấy chữ Triều Tiên chính là chữ ký của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. Và đây cũng là chữ ký cuối cùng của ông trước khi lìa trần. Kim Nhật Thành qua đời rất đột ngột. Trước khi mất, ông còn đọc duyệt một văn kiện liên quan đến cuộc hội hàm thống nhất với Hàn Quốc, đọc xong còn ký tên lên văn kiện và viết ngày tháng. Qua bút tích đó có thể thấy, nét chữ gọn gàng, ngay ngắn, không hề có dấu hiệu cho thấy đang bệnh nặng.
Trong giây phút cuối đời, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành vẫn canh cánh bên lòng vấn đề thống nhất với Hàn Quốc. Để tưởng nhớ ông, Triều Tiên đã lập tấm bia tưởng niệm này tại Bàn Môn Điếm – vị trí gần Hàn Quốc nhất.
Sau lần ký kết cuối cùng trong cuộc đời, Kim Nhật Thành đã lặng lẽ từ trần vào sáng sớm ngày hôm sau. Ngày mất của ông – 8/7/1994 đã trở thành ngày lễ quan trọng trong lịch sử Triều Tiên. Người Triều Tiên nói rằng, bắt đầu từ ngày này, Triều Tiên bước vào thời đại Kim Jong Il.
Đâu là nguyên nhân?
Năm 1994, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đã 82 tuổi. Ông vốn là người rất tận tụy với công việc, sức khỏe cũng khá ổn, chính vì thế ông không cảm nhận được mình đã bước sang tuổi già, vẫn miệt mài với công việc, hàng ngày đều làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ. Thời điểm đó, Kim Jong Il với tư cách là người kế nghiệp Kim Nhật Thành lại không thể làm việc bình thường vì ngã bệnh.
Mùa hè năm đó, lịch trình của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành được bố trí dày đặc. Thời điểm ấy, Tổng thống Mỹ Bill Clinton chỉ trích Triều Tiên đang thử vũ khí hạt nhân, yêu cầu Triều Tiên chấp nhận vô điều kiện để thanh sát viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế đến thanh sát, khiến cục diện trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng.
Để xoa dịu bầu không khí này, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đề nghị được sang thăm Triều Tiên và có cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. Ông Kim Nhật Thành đã lập tức đồng ý.
Ngày 12/6, cựu Tổng thống Jimmy Carter bay từ Mỹ sang Seoul. Mỹ và Triều Tiên không thiết lập quan hệ ngoại giao nên với tư cách là cựu Tổng thống Mỹ, ông Jimmy Carter đã ngồi ô tô vượt qua ranh giới quân sự Hàn Quốc – Triều Tiên sang Bình Nhưỡng trên cương vị cá nhân. Ngày 16/6, ông Jimmy Carter có cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.
Ông Jimmy Carter ở lại Bình Nhưỡng 3 ngày. Hàng ngày, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành hội đàm khá lâu với ông Jimmy Carter, tối đến còn ký duyệt các giấy tờ. Ngày cuối cùng, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành hội đàm với ông Jimmy Carter và mở tiệc chiêu đãi ông, tổng thời gian hết 6 giờ đồng hồ, giữa chừng nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành chỉ nghỉ 20 phút.
Bà Kim Song-Ae – phu nhân của ông Kim Nhật Thành phát hiện ra điều này và có nhắc nhở rằng không thể để ông bận rộn như thế vì tuổi tác đã cao.
Chuyến thăm của cựu Tổng thống Jimmy Carter khiến nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành lại bước vào một giai đoạn bận rộn mới.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter đã truyền đạt lời đề nghị quan trọng từ phía Hàn Quốc, mời nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành sang thăm Seoul. Thông tin này khiến nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành vô cùng phấn chấn. Nếu ông có chuyến thăm Seoul thành công thì đây sẽ là cuộc hội ngộ thượng đỉnh đầu tiên của hai miền Nam Bắc, chuyến thăm Seoul của ông sẽ trở thành chuyến thăm “phá băng” được ghi vào sử sách.
Sau khi tiễn cựu tổng thống Jimmy Carter, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đã triệu tập thủ tướng Kang Song-san và một số quan chức khác, thảo luận phương án hội nghị thượng đỉnh hai miền Nam Bắc và các văn kiện hội đàm có liên quan, chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này.
Ông gọi điện thoại cho chính phủ Hàn Quốc, lên kế hoạch sẽ tổ chức hội nghị bàn về cuộc hội nghị thượng đỉnh này tại Bàn Môn Điếm.
Ngay sau đó, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đã về nông thôn để kiểm tra vụ thu hoạch hè. Kết quả khu hoạch rất kém, khiến ông vô cùng lo lắng bởi vấn đề lương thực luôn là mối quan tâm hàng đầu của Triều Tiên. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành phát hiện ra rằng, hiện tượng các địa phương báo khống sản lượng lương thực hết sức nghiêm trọng, điều này khiến ông vô cùng phẫn nộ.
Sau khi công tác kiểm tra vụ thu hoạch hè kết thúc, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đã đáp tàu đến Huichon, sau đó lại ngồi ô tô đến khu biệt thự dưới chân núi Myohyangsan thuộc ngoại ô Bình Nhưỡng. Núi Myohyangsan mùa hè không khí trong lành, mát mẻ. Biệt thự núi Myohyangsan đã trở thành địa điểm làm việc của ông Kim Nhật Thành trong những ngày hè.
Khi ông Kim Nhật Thành có mặt ở biệt thự núi Myohyangsan, đã là đêm ngày 7/7/1994. Sau khi đọc duyệt và ký tên lên văn kiên liên quan đến cuộc hội nghị thống nhất với Hàn Quốc, thư ký của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đến báo cáo công tác.
Thư ký đã báo cho ông biết một tin rất buồn: Thượng tướng Zhao Ming-xuan 75 tuổi vừa mất. Từ năm 14 tuổi, vị thượng tướng này đã theo chân nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành chinh chiến Nam Bắc và tình bạn của hai người rất sâu sắc. Cái chết bất ngờ của người bạn thân đã khiến nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành sốc lớn. Chỉ trong vòng 1 tháng mà Triều Tiên đã mất ba vị thượng tướng.
Ông Kim Nhật Thành đã hỏi nguyên nhân dẫn đến cái chết của thượng tướng Zhao Ming-xuan thì được biết vị thượng tướng này chết vì xuất huyết não. Bệnh viện Bonghwa mà thượng tướng này nằm là bệnh viện tốt nhất ở Bình Nhưỡng, nhưng giám đốc bệnh viện sợ trách nhiệm, không dám mổ cấp cứu mà chỉ áp dụng phương pháp trị liệu bảo thủ.
Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành rất bực mình, ra lệnh triệu tập giám đốc bệnh viện Bonghwa đến để hỏi cho ra lẽ. Do đã quá mệt cộng với tinh thần sốc mạnh, ông Kim Nhật Thành đột ngột ngã nhào xuống đất.
Các nhân viên của ông lo sợ cuống cuồng. Bác sĩ chăm sóc sức khỏe của ông Kim Nhật Thành có mặt sau ít phút. Đến bệnh viện, đội ngũ bác sĩ kiểm tra và kết luận nhà lãnh đạo đột quỵ vì một cơn đau tim cấp tính. Trước đó, ông Kim Nhật Thành không có tiền sử bệnh tim mạch. Cũng chính vì lẽ đó mà trong tủ thuốc tùy thân của bác sĩ chăm sóc sức khỏe của ông Kim Nhật Thành không có viên trợ tim khẩn.
Họa vô đơn chí
Núi Myohyangsan cách Bình Nhưỡng hơn 2 giờ đồng hồ xe chạy, do là khu vực du lịch nên xung quanh không có bệnh viện tốt. Bác sĩ của ông Kim Nhật Thành lập tức yêu cầu điều động máy bay trực thăng để đưa ông đến bệnh viện ở Bình Nhưỡng càng sớm càng tốt.
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un hiện nay có ngoại hình và phong cách rất giống ông nội Kim Nhật Thành. |
Nhận được mệnh lệnh, một chiếc máy bay trực thăng lập tức cất cánh. Đêm tối, gió lớn, mưa to. Họa vô đơn chí, trong lúc vội vã, chiếc máy bay trực thăng này lại đâm vào núi Myohyangsan. Và thế là chiếc trực thăng thứ hai lại phải cất cánh, cuối cùng hạ cánh xuống vị trí cách biệt thự Myohyangsan 50 mét.
Giữa lúc mưa to gió lớn, mọi người vội vã khiêng cáng chở nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành lên máy bay trực thăng. Những giây phút vàng đã trôi qua, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành chỉ còn thoi thóp hơi thở cuối cùng. Sáng sớm ngày 8/7, máy bay trực thăng hạ cánh xuống bệnh viện Bonghwa. Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành được đẩy vào phòng cấp cứu, lúc này đây đã không còn hy vọng gì nữa. 2 giờ sáng, tim của nhà lãnh đạo này ngừng đập.
Sau này có người chỉ ra rằng, cái chết của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành tương tự như cái chết của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhenev. Ông Leonid Brezhenev cũng vì ba chiến hữu lần lượt qua đời mà đau buồn quá độ, lên cơn đau tim và qua đời.
Nghe tin dữ, ông Kim Jong Il đã đến ngay bệnh viện, nhưng cha ông đã từ giã cõi trần. Cú sốc này đã khiến ông Kim Jong Il đau đớn tột độ, theo kế hoạch, lễ truy điệu nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành được tổ chức vào ngày 17/7, nhưng do ông Kim Jong Il không thể gượng dậy vì quá đau đớn, nên lễ truy điệu đã phải lùi xuống ngày 20/7. Trong lễ truy điệu của người cha Kim Nhật Thành, ông Kim Jong Il không hề nói nửa lời.
Theo Tiền Phong