Phải bảo vệ an toàn cho ngư dân

Thứ hai, 15/04/2013, 08:27
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm qua đến thăm và làm việc với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Vùng 2 tại xã Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam) và nhấn mạnh cảnh sát biển bằng nhiều cách phải bảo vệ an toàn cho ngư dân.

chủ quyền biển đảo
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trực tiếp lắng nghe nguyện vọng, khó khăn của ngư dân H.Núi Thành (Quảng Nam) khi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền VN - Ảnh: Hoàng Sơn

Đại tá Ngô Quang Trung, Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển (CSB) Vùng 2 cho biết trong năm qua, thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định, CSB Vùng 2 đã tổ chức 9 tàu phối hợp với hải quân để bảo vệ an toàn cho các tàu thăm dò dầu khí trên vùng biển VN; đồng thời xua đuổi 281 tàu cá, bắt giữ và phóng thích 12 chiếc tàu khác...

CSB Vùng 2 cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống tội phạm ma túy, đảm bảo an ninh trên biển; phòng chống gian lận thương mại trên biển, đã tịch thu hàng hóa buôn lậu, sung công quỹ 7 tỉ đồng…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã biểu dương những thành tích mà CSB Vùng 2 đạt được trong năm qua; đồng thời yêu cầu lực lượng phải bảo vệ tốt vùng biển được giao.

“Mong các đồng chí làm chủ thật sự, làm chủ vững chắc trên vùng biển được phân công… Làm thế nào, bằng nhiều cách bảo vệ cho được hoạt động khai thác bình thường của ngư dân. Nói chung bảo vệ tốt các hoạt động về thăm dò dầu khí, nghiên cứu khoa học… trên vùng biển…”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Cần giảm lãi suất vay cho ngư dân

"Bình thường chỉ 1 thùng phi dầu để chạy nhưng khi bị tàu Trung Quốc rượt đuổi phải tăng thêm 1,5 thùng dầu. Ngư dân có bệnh tình gì vào Hoàng Sa cũng không được".

Ngư dân Phạm Văn Huy

Trước khi thăm CSB Vùng 2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trực tiếp đối thoại với những ngư dân H.Núi Thành tại cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang), lắng nghe họ chia sẻ những nguyện vọng, khó khăn trong khi đánh bắt, khai thác trên biển.

Ông Phan Vinh Tiến, đại diện nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang, cho biết hiện ngư dân đang cần vốn để đầu tư đóng các tàu cá lớn đánh bắt ngoài khơi. Thế nhưng, nguồn vốn vay ngân hàng có thể giải quyết cho ngư dân không lớn nên ngư dân phải tự vay vốn bên ngoài.

“Ngư dân phải có phương tiện để thế chấp ngân hàng nhưng nhiều người không đủ điều kiện để vay. Từ đó, số ngư dân có khả năng vay ngân hàng đóng tàu rất ít”, ông Tiến nói và đề nghị Nhà nước tạo điều kiện về nguồn vốn vay để cải hoán, đóng mới tàu cá.

Ngoài ra, theo ông Tiến hiện mức lãi suất cho ngư dân vay (13%/năm) là quá cao. “Cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất để ngư dân mạnh dạn hơn trong đầu tư đóng tàu”, ông Tiến kiến nghị.

Ngư dân Phạm Văn Huy cho biết tình hình ngoài khơi đang diễn biến rất phức tạp. Chi phí các chuyến biển của ngư dân đang tăng lên một phần vì họ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi.

“Bình thường chỉ 1 thùng phi dầu để chạy nhưng khi bị tàu Trung Quốc rượt đuổi phải tăng thêm 1,5 thùng dầu. Ngư dân có bệnh tình gì vào Hoàng Sa cũng không được. Vừa rồi tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị bắn đó…”, ông Huy nói và cho biết thêm trên vùng biển chủ quyền đang có nhiều tàu cá Trung Quốc hoạt động phi pháp, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển VN, gây khó khăn cho tàu cá VN hoạt động đánh bắt hợp pháp.

Sau khi lắng nghe nguyện vọng của nhiều ngư dân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang động viên người dân: “Câu chuyện làm nghề đánh bắt là nghề lâu dài cho nên bà con ngư dân cần gia công, đầu tư ngày càng bài bản hơn… Có khó khăn thì mình giải quyết. Mình bao gồm gia đình mình, dân làng mình, cả nhà nước. Thậm chí, có những quan hệ quốc tế để bàn bạc với nhau. Những vướng mắc khó khăn chắc rằng khó tránh khỏi nhưng không phải là bế tắc...

Thái độ đúng đắn nhất là cô bác, anh chị kiên trì đeo bám ngư trường truyền thống của mình, đoàn kết với nhau trong nghiệp đoàn. Cố gắng xây dựng nghiệp đoàn cho tốt, đoàn kết tương trợ với nhau trên vùng biển xa...”. Ngoài ra, theo Chủ tịch nước, cần hết sức tiết kiệm để cải hoán tàu nhỏ thành tàu lớn.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn