Bàn về con số 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là con số định lượng mang tính tương đối song không phải không có cơ sở.
Nếu kêu xuống xã mà coi…
Mỗi lần bàn về cải cách tiền lương, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Đặng Như Lợi lại nhấn mạnh cần phải “mạnh tay” giảm khoảng 30%- 40% tổng số cán bộ, công chức, viên chức không đủ chất lượng theo yêu cầu hiện nay.
Theo ông Lợi, con số trên hoàn toàn có cơ sở để khẳng định. Cụ thể, theo kết quả điều tra, khảo sát vào năm 1993 khi nhà nước tổ chức phân loại công chức, cũng nêu đánh giá 40% làm được việc, 20% làm tạm được nhưng chưa yên tâm, 20% thiếu tiêu chuẩn và 20% không đáp ứng…
“Số 1/3 cán bộ công chức không làm được việc mà vẫn trụ lại tới bây giờ, chủ yếu do nguồn vào theo “chính sách”. Vì thế mới có chuyện đưa vào mà không đưa ra được”, ông Lợi nói.
Ông Lợi phân tích: Kể từ thời điểm được đánh giá, khảo sát năm 1993 cho tới nay, với chất lượng đào tạo không được nâng lên, quá trình tuyển dụng và thi tuyển cũng không được thay đổi thì con số cán bộ công chức không làm được việc vẫn “nguyên xi” cũng là chuyện dễ hiểu.
“Muốn biết rõ nội tình, ngành nội vụ hãy cử người xuống từng xã vào giờ làm việc buổi chiều xem có mấy cán bộ còn làm việc? Thử dùng đồng hồ đo đếm xem cán bộ công chức thực chất làm bao nhiêu tiếng trong ngày, hiệu quả ra sao?”, ông Lợi đặt câu hỏi.
Cắt giảm 30% cán bộ công chức, bộ máy hành chính vẫn hoạt động tốt? (Ảnh minh họa)
Từng là cán bộ công chức lâu năm, hơn ai hết, ông Lợi hiểu rõ nỗi khổ của cảnh “nhiều việc mà ít người làm”. “Trong khi số làm được việc thì phải cắm cổ làm không kể giờ giấc thì vẫn còn những anh chỉ biết đứng ngoài nghênh ngang làm chân sai vặt chứ có biết làm gì đâu…”, ông Lợi nói.
Trước những nhận định trên, ông Hoàng Quốc Long, Vụ phó Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), thanh minh, trong thời gian qua, đội ngũ gần 3 triệu công chức, viên chức đã hoàn thành tốt "sứ mạng" của mình.
Nói về con số 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, ông Long cho rằng, con số này cần phải bàn thêm chứ không nên "võ đoán" một cách cơ học như vậy. "Một cơ quan cũng như một cỗ xe, có những bộ phận tưởng không quan trọng nhưng nó là cấu thành của một cỗ máy. Nếu cắt 30% thì cỗ máy không hoạt động được”.
10 năm chỉ giảm được 8%
Trao đổi với PV, ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) thừa nhận chủ trương tinh giản biên chế đã có từ lâu, song thực tế số cơ quan trình được danh sách cắt giảm cán bộ, nhân viên chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Nếu so con số tinh giản hằng năm với số biên chế tăng lên thì không đáng là bao. Bộ máy công chức cứ ngày càng phình ra là thế!”, ông Cường nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, ngay từ năm 2001, chủ trương cải cách cơ cấu đội ngũ công chức trên cơ sở theo vị trí việc làm đã được đề ra với chỉ tiêu tới 2011 phải cắt giảm được 15%. Tuy nhiên 10 năm sau, số cán bộ công chức không đạt yêu cầu bị cắt giảm chỉ đạt 8%.
Sau 10 năm, số cán bộ công chức không đạt yêu cầu bị cắt giảm chỉ đạt 8% (Ảnh minh họa)
Theo ông Thang Văn Phúc, việc không đạt mục tiêu không phải là do thiếu cơ chế. “Vấn đề ở chỗ chúng ta thiếu tiêu chí thước đo để xác định được ai thừa, ai không đáp ứng được tiêu chuẩn từng vị trí để mà điều chỉnh. Vậy nên nếu chỉ nhận xét ai ra, ai vào là rất khó, lúng túng không ai quyết được chỉ trừ những trường hợp vi phạm, kỷ luật mới được đưa vào con số tinh giản”, ông Phúc nói.
Cũng theo vị nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, đề ra chỉ tiêu tinh giản cơ cấu bộ máy công chức chỉ là con số định lượng mang tính tương đối. “Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới khó, nhất là khi tỷ lệ gia tăng dân số mỗi năm cũng đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ quản lý tương xứng. Chúng ta cũng đừng đổ hết lỗi lên đầu công chức, mà nhiều trường hợp nguyên nhân còn do người sử dụng, chế độ chính sách…”
Theo TS. Ngô Thành Can, Phó Trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính, cơ quan quản lý nhân sự công chức cần thiết xây dựng một hệ thống các vị trí việc làm của công chức rõ ràng, minh bạch. “Nhiều cơ quan tự xây dựng hệ thống việc làm cho thấy nhu cầu biên chế lại tăng thêm so với số lượng hiện tại, mặc dù số hiện tại còn chưa sử dụng hết số biên chế được giao”, TS Can cho biết.
Tại nhiệm kỳ cuối của Quốc hội khóa XII (năm 2011), đại biểu đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về thông tin khoảng 30% cán bộ làm được việc, 30% cán bộ công chức phải "cầm tay chỉ việc" và hơn 30% còn lại có "cầm tay chỉ việc" cũng... không biết việc mà làm. Đầu năm nay, con số này dường như được khẳng định thêm khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. |
Theo Khampha