Sau khi bài kiểm tra Lịch sử của một học sinh lớp 11 được đăng tải lên mạng xã hội, một lần nữa bài toán khó về việc làm thế nào lôi cuốn học sinh đối với môn học này tiếp tục trở thành đề tài bình luận sôi nổi.
Về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng cô Lê Thị Vân Anh, giáo viêntrường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), đồng thời là lãnh đạo đội tuyển quốc gia môn Lịch sử của tỉnh giành được hai giải nhất và xếp vị trí thứ nhất toàn quốc, và cô giáo trẻ Trần Thị Thu Hường, giáo viên Lịch sử trường THPT Đại Mỗ (Hà Nội).
Cô Lê Thị Vân Anh - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. |
Giáo viên cần chịu trách nhiệm khi học sinh chán Sử
Là giáo viên đã có 22 năm gắn bó với nghề, sau khi nghe thông tin về bài kiểm tra này, cô Vân Anh chia sẻ: "Với tư cách là một giáo viên Lịch sử, tôi cảm thấy rất chạnh lòng. Bởi điều đó thể hiện em học sinh này không tôn trọng giáo viên cũng như xem nhẹ môn học này".
Đồng quan điểm, cô Trần Thị Thu Hường cũng cho rằng: “Cách trả lời rất “ngắn gọn, súc tích” của em học sinh này khiến các giáo viên tâm huyết đều cảm thấy buồn, thậm chí là phát cáu khi chấm bài kiểm tra. Dù vậy cácgiáo viên cũng không nên bức xúc, thay vào đó chúng ta nên giúp học trò sửa sai”.
Đánh giá về đề kiểm tra này, cô Hường cho rằng đề bài không đánh đố, kiến thức hoàn toàn cơ bản, ngắn gọn.
Cô Hường chia sẻ: “Các thầy cô giáo nên nghĩ đơn giản là do học sinh chưa học bài thì sẽ bình tĩnh để xử lý và dễ tha thứ hơn. Một cuộc trao đổi thẳng thắn với cả lớp và học trò làm bài này là cần thiết, để tìm hiểu xem tại sao em đó lại làm như vậy. Từ đó, giáo viên có thể đánh giá đúng động cơ của hành động này có phải là thiếu sự tôn trọng thầy cô giáo hay không. Nếu học trò biết lỗi, các giáo viên hoàn toàn có thể cho em cơ hội để sửa sai”.
Bài kiểm tra Lịch sử độc nhất vô nhị của một học sinh lớp 11. |
Cô Vân Anh cũng cho biết bài kiểm tra chính là thông tin phản hồi từ phía học sinhđối với giáo viên. Đây cũng cơ sở để giáo viên điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học. Khi giáo viên của học sinh này nhận được phản hồi như vậy cũng cần xem lại nội dung, phương pháp dạy. Đây chính là nguyên nhân tác động đến cách học của các em.
Làm thế nào để học sinh yêu Sử ?
Khi được hỏi về bí quyết trong phương giảng dạy của mình, cô Vân Anh cho rằng trong điều kiện bùng nổ thông tin như hiện nay, học sinh có điều kiện để tiếp cận một khối lượng kiến thức khổng lồ. Vì vậy, giáo viên nên là người định hướng chohọc sinh từ việc đọc tài liệu tham khảo, khơi gợi đam mêc, phát huy khả năng tự học của các em.
Trong mỗi giờ lên lớp, cô Vân Anh luôn định hướng cho học sinh đọc theo chủ đề cụ thể, tăng cường thảo luận và tạo điều kiện cho các em bày tỏ quan điểm, chủ động tiếp cận kiến thức.
Cô Lê Thị Vân Anh, thầy Trần Huy Đoàn và các học sinh đạt giải trong kỳ thi HSG Quốc gia môn Lịch sử của tỉnh Nam Định. |
Cô Vân Anh khẳng định với môn Lịch sử, việc sử dụng phương tiện dạy học hiện đại rất cần thiết. Đây chính là phương pháp giúp cho môn học này sinh động, hấp dẫn và không hề "buồn ngủ". Nếu trong mỗi bài giảng, học sinh được tư duy bằng trực quan sinh động thông qua tranh ảnh, phim tư liệu, bản đồ, lược đồ chắc chắn sẽ khơi gợi sự đam mê.
Hai cô giáo đều cho rằng để học sinh yêu Sử trước hết bản thân cô phải yêu và nhiệt huyết với môn học. Nếu giáo viên tạo được thiện cảm với học sinh thì chắc chắn việc giảng dạy sẽ hiệu quả hơn, các em sẽ nghe lời hơn.
Học trò sẽ chán nếu một giờ học khô cứng với hàng loạt hiệu lệnh từ phía giáo viênvà kiến thức chỉ có trong sách giáo khoa. Vì vậy, trong mỗi giờ lên lớp, cô giáo trẻ Trần Thị Thu Hường luôn khai thác những câu chuyện ngoài lề phù hợp với nội dung bài giảng, khai thác tranh ảnh, lược đồ, khiến học trò hứng thú và thích “động não” hơn.
Chia sẻ về bí quyết đặc biệt để được học sinh yêu mình cũng như yêu Lịch sử, cô Vân Anh vui vẻ nói: "Đối với Lịch sử, không chỉ đòi hỏi kiến thức của riêng môn học này mà giáo viên cần phải am hiểu xã hội, triết học, văn học. Những kiến thức này luôn bổ trở cho nhau và giúp bài giảng trở nên thuyết phục".
Đồng thời, hai cô giáo cũng cho biết, khi kiểm tra đánh giá học sinh phần kiến thức yêu cầu các em học thuộc và nhớ chiếm tỷ lệ nhất định, ngoài ra các mức độ khác như thông hiểu, vận dụng đều đã được đưa vào đề thi. Với cách làm này, các giáo viên sẽ đánh giá đúng và toàn diện về năng lực của học sinh.
Về phía học sinh, chúng tôi đã cùng trò chuyện với Vũ Lê Ngọc Anh, lớp 12 Chuyên Văn trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội. Là một học sinh, em đánh giá việc làm của bạn này như thế nào? - Em cảm thấy hành động của bạn không chỉ thể hiện ý thức học tập kém mà còn thể hiện sự vô lễ, coi thường môn học. Cũng có thể cho rằng đó là hành động thật thà, không quay cóp để làm được bài; nhưng theo em, không học bài đã là sai. Bên cạnh đó thì việc nộp cho thầy cô một bài làm như vậy thể hiện sự coi thường môn học, dường như còn có tiếng cười trong đó. Em đánh giá thế nào về đề bài này? - Theo em thì đề bài này khá căn bản, nằm trong chương trình sách giáo khoa. Nếu ghi chép bài, nghe giảng và học trong sách giáo khoa thì hoàn toàn có thể làm được Để môn Lịch sử hấp dẫn thì các thầy cô nên dạy và kiểm tra như thế nào? - Đó quả thực là một việc không dễ dàng, bởi thực sự với hiện trạng học Lịch sử hiện nay thì không biết như thế nào mới đủ mức “hấp dẫn” được học sinh. Nhưng có lẽ việc dạy Lịch sử kết hợp tranh ảnh, video hay xem những bộ phim cũng khiến buổi học trở nên thú vị hơn. Ngoài ra, việc đến thăm những di tích hay bảo tàng cũng là điều em rất mong khi học Lịch sử.Về kiểm tra thì kiến thức học thuộc là phần không thể thiếu, nhưng bên cạnh đó những câu hỏi yêu cầu tư duy, gắn liền với đời sống có lẽ phần nào sẽ giúp bài kiểm tra đỡ “mệt mỏi” hơn. Theo em, giáo viên cần có biện pháp xử lý học sinh như thế nào? - Em nghĩ kiểm điểm học sinh này là việc cần thiết. Nhưng cũng không nên quá nặng nề vì có thể khiến học sinh chán chường và càng không muốn học Sử hơn. Ai cũng nên có cơ hội được sửa sai nếu người đó biết nhận lỗi. |
Theo Infonet