Thông tin trên được ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết tại buổi họp báo “Việt Nam hưởng ứng tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 2 do Liên Hợp quốc phát động” chiều 6/5 tại Hà Nội.
Với chủ đề “An toàn cho người đi bộ”, các đơn vị tổ chức kỳ vọng, tuần lễ sẽ là cơ hội để kêu gọi Chính phủ, các tổ chức tiếp tục hành động nhằm tăng cường an toàn giao thông và góp phần đạt mục tiêu của Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ là giảm 5 triệu người chết vào năm 2020.
Tại Việt Nam, các hoạt động của tuần lễ sẽ hướng vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông cho người đi bộ; cảnh báo các nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người đi bộ và biện pháp phòng tránh tai nạn khi đi bộ; kêu gọi người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ chủ động giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ; tạo các điều kiện tốt nhất về hạ tầng giao thông để đảm bảo an toàn cho người đi bộ....
Mục tiêu của Việt Nam trong tuần lễ này phấn đấu không có người đi bộ tử vong vì tai nạn giao thông và giảm số vụ tai nạn giao thông đối với người đi bộ trong năm 2013.
Theo Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, các hoạt động này sẽ được đồng loạt triển khai tại 63 tỉnh, thành phố từ ngày 6-12/5, với một số hoạt động cụ thể: Tổ chức chiến dịch truyền thông về an toàn cho người đi bộ; hướng dẫn người đi bộ sang đường đúng quy định tại một số cầu vượt, nút giao thông ở Hà Nội với sự hỗ trợ của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông; tổ chức đi bộ hưởng ứng tại TP.HCM với sự tham gia của các đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên….
Pha sang đường không giống ai của người Thủ đô. Ảnh: Ngọc Lân |
Để nâng cao hiệu quả của tuần lễ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, đơn vị này đã yêu cầu các tình, thành phố chỉnh trang lại các đèn báo hiệu đường bộ cho người đi bộ sang đường, các biển báo, vạch kẻ đường; giải toả vỉa hè, lề đường… tạo thuận lợi cho người đi bộ sang đường đúng luật.
“Đối với những địa điểm đủ điều kiện dành cho người đi bộ sang đường như: cầu vượt, nút giao thông, nơi có cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông hướng dẫn, sau khi lực lượng chức năng hướng dẫn mà người tham gia giao thông vẫn cố tình vi phạm thì sẽ bị lập biên bản xử phạt”, ông Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết.
Mỗi năm có 270.000 người chết khi đang đi bộ
Tham dự buổi họp báo, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, theo thống kê của đơn vị này, trung bình mỗi năm tai nạn giao thông đường bộ cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người trên toàn thế giới và làm hàng triệu người bị thương tật suốt đời.
Tai nạn giao thông đường bộ đang là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 9 toàn cầu. Đáng chú ý, mỗi năm có tới 270.000 người chết vì tai nạn giao thông khi đang... đi bộ, chiếm 22% tổng số người bị thiệt mạng do tai nạn trên các tuyến đường bộ.
Tại Việt Nam, tai nạn giao thông đường bộ là một gánh nặng lớn cho xã hội. Năm 2012, theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, có hơn 9.000 người chết và hàng chục nghìn người khác bị thương.
“Số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ là một vấn đề đang nổi lên ảnh hưởng đến sức khoẻ và phát triển của các nước có thu nhập trung bình và thấp”, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới nhận định.
Theo WHO, thực tế nhiều năm qua cho thấy, những người đi bộ thường ít được chú ý đến mỗi khi các cơ quan chức năng xem xét đến vấn đề an toàn giao thông. Trong khi đó, nhóm người này lại chiếm tới hơn 20% tổng số nạn nhân chết do tai nạn giao thông đường bộ, nhất là tại các nước có thu nhập thấp.
Vì vậy, WHO kêu gọi các quốc gia tập trung tăng cường nỗ lực bảo vệ an toàn cho người đi bộ bằng cách xây thêm cầu vượt, hầm ngầm cho người đi bộ, dành phần đường thỏa đáng cho người đi bộ...
Theo VnMedia