Truyền thông Trung Quốc khoe rằng, giàn Lệ Loan 3-1 là giàn khoan lọc dầu – khí nước sâu lớn nhất Châu Á do Trung Quốc tự thiết kế thi công trong khoảng thời gian 21 tháng tại Khu phát triển kinh tế Hoàng Đảo, Thanh Đảo.
Giàn có chiều cao 68 mét, được thiết kế 4 tầng toàn bộ bằng khung thép, với tổng trọng lượng 32.000 tấn, mặt sàn dài 107 mét, rộng 77 mét. Như vậy, độ cao của giàn xử lý khí “khủng” này tương đương với một tòa nhà 18 tầng và diện tích thì lớn hơn diện tích của một sân bóng đá tiêu chuẩn, một chuyên gia thiết kế của dự án này tiết lộ với Tân Hoa xã.
Giàn khoan lọc dầu – khí nước sâu Lệ Loan 3-1 của Trung Quốc
Giàn có chức năng phân loại lọc dầu, khí đốt, loại bỏ nước và tạp chất ngay sau khi khoan hút từ dưới đáy biển, tất cả thành một hệ thống khép kín. Sau đó các thành phẩm được chuyển lên tàu vận chuyển Hải dương thạch du 299 để chuyển vào đất liền.
Ngoài ra, công trình khổng lồ này còn dành một khu vực khá lớn (3 tầng) làm chỗ ăn ở, sinh hoạt hằng ngày cho khoảng 120 người. Trong đó, có một phòng đặc biệt dành cho các hoạt động vui chơi giải trí, phòng cờ vua, phòng tập thể dục và phòng truy cập Internet với các thiết bị hiện đại, có thể thu nhận các tín hiệu truyền hình vệ tinh. Hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, với thiết bị khử muối nước biển cũng được trang bị trên giàn.
Để kéo được được giàn khoan lọc dầu - khí khổng lồ này, giới chức Trung Quốc phải phái 9 con tàu hộ tống. Theo tính toán, với tốc độ di chuyển trên biển 3 đến 4 hải lý/giờ, sau 12 ngày giàn sẽ tới một mỏ khí thiên nhiên ở "một vùng nước sâu trên biển Đông".
Cuối tháng 9/2013, giàn Lệ Loan 3-1 sẽ bắt đầu hoạt động trên một vùng biển ở Biển Đông, tuy nhiên chưa công bố là vùng biển nào.
Trước đó, hôm 3/5, Trung Quốc thông báo triển khai giàn khoan Hải Dương 981 đến giếng dầu Lệ Loan 6-1-1 vào ngày 9/5 tới. Khu vực này nằm trong lòng chảo Châu Giang, tức khu vực bồn địa cửa sông Châu cách Hồng Kông khoảng 300 km, gần sát đảo Hải Nam và tương đối gần Philippines.
Theo Petrotimes