Giải mã thất bại thôn tính nước Anh của Hitler

Thứ bảy, 30/08/2014, 07:34
Theo một cuốn sách vừa xuất bản, chiến dịch thôn tính nước Anh của Adolf Hitler năm 1940 đã bị một nhóm sĩ quan tình báo Đức phá hoại.

Giải mã thất bại thôn tính nước Anh của Hitler

Hải quân và lục quân Đức diễn tập cho cuộc tấn công nước Anh tại bờ biển nước Pháp vào tháng 8/1940 - Ảnh: Thư viện quốc gia Đức

Được cử thực hiện một trong những chiến dịch do thám quan trọng bậc nhất của Đức Quốc xã trong Thế chiến 2, song sứ mệnh hoạt động giữa lòng địch của Karl Heinrich Meier kết thúc thất bại chỉ sau vài tiếng đồng hồ. Vào đêm 3/9/1940, điệp viên 24 tuổi này cùng với đồng nghiệp Jose Waldberg, 25 tuổi, đổ bộ lên mũi Dungeness thuộc bờ biển xứ Kent, miền nam nước Anh. Họ chỉ phải chèo xuồng một đoạn ngắn sau khi được tàu cá đưa từ Pháp qua eo biển Manche.

Bị bắt vì thèm rượu

Trang bị một máy truyền tin, một khẩu súng ngắn, mực tàng hình, bản đồ và một số tiền mặt đủ chi dùng cho đến khi Đức xâm lược nước Anh theo dự kiến vào ngày 15/9, cả hai tính giả dạng làm người tị nạn để theo dõi các căn cứ quân sự và những chuyển động của quân đội nước này. Tuy nhiên, thay vì phát hiện các vị trí đóng quân của Anh hoặc tìm kiếm địa điểm đổ bộ thích hợp cho lính dù Đức, Meier bị bắt và thẩm vấn ngay trưa hôm đó. Anh chàng bị bắt khi đang gọi một chai rượu táo lúc 9 giờ rưỡi sáng, mà không biết rằng các quán trọ không được phép bán rượu trước bữa ăn trưa trong thời chiến.

Bộ đôi trên nằm trong số 12 điệp viên được Đức Quốc xã tung vào nước Anh bằng đường biển hoặc nhảy dù nhằm chuẩn bị cho Chiến dịch Sư tử biển, kế hoạch xâm lược nước Anh đầy tham vọng của Adolf Hitler. Phần lớn những người này bị bắt khi chưa kịp hành động “vì sự ngớ ngẩn của họ”, theo các hồ sơ lưu trữ của nước Anh.

Nhóm điệp viên tham gia Chiến dịch Lena, mật danh của sứ mệnh trinh sát, không những không nói sõi tiếng Anh mà còn không có kiến thức cơ bản về văn hóa ở nơi mà họ sẽ hoạt động. Thậm chí, có hai điệp viên bị bắt tại Scotland vì chạy xe đạp sai làn đường.

“Họ không được cung cấp đầu mối liên lạc ở đây. Thực tế, họ được hướng dẫn tệ hại một cách đáng ngạc nhiên. Bất kỳ ai có chút hiểu biết về tình hình ở đây đều nhận thấy rõ rằng họ không hề có hy vọng thành công”, Guy Liddell, một chỉ huy Cơ quan Phản gián MI5 của Anh, nhận xét sau này.

Chiến dịch Sư tử biển

Chiến dịch Sư tử biển là kế hoạch của Đức nhằm tấn công nước Anh năm 1940. Kế hoạch được hải quân Đức vạch ra vào tháng 11/1939 và trình lên Hitler vào tháng 5/1940.

Ngày 2/7/1940, Hitler chỉ thị cho ba quân chủng tiến hành các bước chuẩn bị xâm lược nước Anh. Cả Hitler và Bộ Tư lệnh tối cao quân đội Đức đồng ý rằng việc làm chủ không phận eo biển Manche là điều kiện tiên quyết để đạt được thành công trong cuộc đổ bộ.

Tháng 7/1940, không quân Đức phát động Chiến dịch Diều hâu, mở màn cho trận không chiến tại nước Anh. Tuy nhiên, không quân Đức không thể chiếm được ưu thế trên không trong trận không chiến dai dẳng.

Chiến dịch Sư tử biển được hoãn từ ngày 15 đến 21/9, theo yêu cầu của hải quân Đức, vì sự chậm trễ trong quá trình chuẩn bị.

Ngày 17/9, Hitler đình hoãn vô hạn định chiến dịch trên cơ sở chưa có được các điều kiện tiên quyết đảm bảo thành công.

Ngày 9/1/1941, Hitler ra chỉ thị ngừng các hoạt động chuẩn bị cho Sư tử biển, quay qua tấn công Liên Xô ở mặt trận phía đông.

Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về khả năng thành công của Sư tử biển nếu được phát động.

Điệp viên nghiệp dư

Cùng đổ bộ với Karl Heinrich Meier và Jose Waldberg trên hai chiếc xuồng khác nhau vào đêm 3/9/1940 là Charles van den Kieboom và Sjoerd Pons. Cả bốn chỉ được huấn luyện sơ sài cách sử dụng mật mã, máy truyền tin và cấu trúc quân đội Anh trong chừng một tháng. Sứ mệnh đến nước Anh của họ được thừa nhận là quá sức nguy hiểm đến nỗi nó nhanh chóng được các điệp viên gọi là Himmelfahrt (Lễ thăng thiên).

Waldberg là một đảng viên Quốc xã nhiệt thành, người Đức sinh ra tại Pháp với một ít kinh nghiệm do thám ở Pháp trước khi nước này thất thủ. Meier là người Hà Lan sinh ở Đức, từng có thời gian học ở Mỹ, có khả năng nói tiếng Anh giọng Mỹ nhưng chưa hề có kinh nghiệm làm gián điệp. Ở chiếc xuồng còn lại là Charles van den Kieboom và Sjoerd Pons.

Kieboom là một tiếp tân khách sạn mang dòng máu lai Hà Lan và Nhật. Pons là tài xế xe cứu thương thất nghiệp ở Hà Lan. Hai người biết nhau trước đó vài năm và bị mật vụ Đức bắt vì hoạt động buôn lậu. Cả hai được các mật vụ Gestapo đặt ra trước mặt hai chọn lựa: đồng ý do thám nước Anh hoặc đến trại tập trung. Họ đã chọn Lễ thăng thiên.

Sau khi đổ bộ và bị bắt vì lên cơn khát rượu như đã nói ở trên, Meier dại dột để lộ rằng mình đến nước Anh với nhiều người khác. Waldberg là người có thành tích khá khẩm nhất khi xoay xở dùng máy truyền tin phát hai thông điệp về cho cấp trên.

Tuy nhiên, điệp viên này cũng nhanh chóng bị tóm khi cảnh sát và binh sĩ Anh mở cuộc càn quét dựa vào thông tin từ Meier. Kieboom thậm chí còn bị tóm sớm hơn sau khi một binh sĩ tuần tra nhìn thấy một chiếc xuồng bị vứt bỏ ở bờ biển vào buổi sáng và nhanh chóng phát hiện anh chàng sau ít phút. Pons bị bắt sau đó nửa tiếng khi đang hỏi một nhóm người qua đường rằng anh ta đang ở đâu.

Ban đầu, những người bị bắt khai họ là người tị nạn Hà Lan chạy trốn Đức Quốc xã và định đi tàu thủy đến Canada. Tuy nhiên, sau khi bị MI5 thẩm vấn, nhóm người này thú nhận sự thật. Vì là gián điệp, họ bị kết án theo Đạo luật Phản quốc của Anh. Kieboom, Waldberg và Meier bị xử tử ở nhà tù Pentonville vào tháng 12/1940, sau 3 tháng từ lúc bị bắt. Pons được tha chết một cách khó hiểu nhờ khai bị ép phải tham gia sứ mệnh và có ý định đầu hàng khi đến nước Anh song vẫn bị giam giữ cho đến lúc chiến tranh kết thúc.

Phá hoại từ bên trong

Tại sao Đức lại gửi những điệp viên tay ngang cho một sứ mệnh hết sức quan trọng trong Thế chiến 2 vẫn là một bí ẩn đối với các nhà sử học trong thời gian dài. Một cuốn sách mới vừa được xuất bản ở Đức trong mùa hè này nhân dịp kỷ niệm 75 năm nổ ra Thế chiến 2 đã đưa ra lời giải thích mới.

Theo tờ The Guardian, trong cuốn Operation Sealion: Resistance inside the Secret Service (tạm dịch: Chiến dịch Sư tử biển: Sự phản kháng trong lòng tình báo Đức), nhà sử học Monika Siedentopf  lập luận rằng Chiến dịch Lena đã bị một số sĩ quan tình báo Đức chống đối kế hoạch thôn tính nước Anh phá hoại ngay từ ban đầu.

Siedentopf lần đầu chú ý đến câu chuyện về Chiến dịch Sư tử biển khi nghiên cứu một cuốn sách về vai trò của các nữ điệp viên trong thời chiến. Bà lưu ý rằng các điệp viên Đức được chuẩn bị hết sức tỉ mỉ trong rất nhiều sứ mệnh khác, thế thì tại sao chiến dịch năm 1940 lại được tổ chức cẩu thả như thế. Các manh mối nghiên cứu của Siedentopf dẫn bà đến với một nhóm sĩ quan xung quanh Herbert Wichmann, chỉ huy của Cơ quan Tình báo quân sự Đức (Abwehr) tại thành phố Hamburg, một trong những trạm tình báo lớn nhất của Đức thời chiến.

Wichmann không chỉ thân thiết với Giám đốc Abwehr Wilhelm Canari, người bị hành quyết vì tội phản quốc vào tháng 4/1945, vài tuần trước khi kết thúc chiến tranh, mà còn cả với nhóm của đại tá Claus von Stauffenberg, từng lên kế hoạch ám sát Hitler tháng 7/1945. Theo Siedentopf, Wichmann hoàn toàn chống đối kế hoạch thôn tính nước Anh.

Sau 6 năm nghiên cứu hồ sơ trong Thư viện quốc gia Đức và tư liệu cá nhân thời chiến của một số sĩ quan tình báo cấp cao, Siedentopf kết luận Wichmann cùng một số sĩ quan cấp dưới đã cố ý phá hoại Chiến dịch Lena bằng cách cử những điệp viên không hiểu biết về văn hóa lẫn tiếng Anh. Tuy nhiên, quyết định trên cũng khiến Wichmann phải dằn vặt lương tâm bởi việc cử những điệp viên đó đi chẳng khác nào đẩy họ vào cửa tử.

Ông đã chọn những người không thành thạo hoạt động gián điệp nhưng nhiệt thành với Đệ tam đế chế, nhiều người trong số đó là tội phạm vặt vãnh hoặc là thành viên các đảng cực hữu ở Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch. Động cơ của Wichmann khá phức tạp, theo bà Siedentopf. Ông không chỉ lo sợ Chiến dịch Sư tử biển sẽ gây ra tổn thất to lớn về người và của với nước Đức mà còn ngại rằng một cuộc tấn công nước Anh sẽ khiến chiến tranh leo thang hơn nữa. Ông hy vọng việc thiếu thốn thông tin tình báo sẽ là một yếu tố khiến Hitler phải cân nhắc đình hoãn hủy bỏ chiến dịch.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn