“Bảng hiệu” có một không hai
Trưa, nắng Sài Gòn như đổ lửa xuống mặt đường. Trước ki ốt cho thuê số 60 đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), anh Bình vẫn cặm cụi làm việc. Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt chàng thanh niên. Nơi làm việc của Bình chỉ là một góc nhỏ đủ chỗ cho hai người ngồi và kê một chiếc kệ nhỏ trưng vài đôi giày, đôi dép đã cũ mèm.
Đó là không gian làm việc của anh Lý Ngọc Bình từ hai năm nay. Sở dĩ “tiệm” giày của anh được chú ý hơn những nơi khác bởi dòng chữ in trên tờ giấy A4 được ép nhựa: Sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác. Dòng chữ mang nhiều ý nghĩa như bảng hiệu riêng cho “tiệm” của Bình.
"Bảng hiệu" đặc biệt của anh Bình (Ảnh: Phương Nguyễn) |
Trước khi gặp Bình, tôi mường tượng “chủ tiệm” sửa giày dép này là cụ già tốt bụng nào đó, hay chí ít cũng là một người đã đứng tuổi, ít ai ngờ đó là chàng trai mới 30 tuổi. Anh Bình chia sẻ, xuất phát từ sự cảm thông cho cuộc sống của những người nghèo khổ, phải bươn chải kiếm từng bữa cơm nên anh muốn giúp họ đỡ tốn kém phần nào bằng việc sửa giày dép mà không lấy tiền.
Bình kể, quê anh ở Gia Lai, gia đình vốn nghèo khó. Từ khi cha anh mất cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Nhà có bốn anh chị em, hai người đã lập gia đình chỉ còn Bình và em gái. Học hết lớp 9 Bình được mẹ cho học nghề đóng giày, anh trở thành lao động chính trong gia đình. Tiền kiếm được Bình nuôi em gái ăn học, phụ giúp mẹ già.
Năm 2007, Bình khăn gói vào Sài Gòn tìm việc làm. Nhiều dự định, ấp ủ nhưng cuộc sống chốn thị thành nhiều khó khăn. Trước khi ngồi vỉa hẻ sửa giày dép Bình từng làm đủ thứ việc.
“Giúp được ai thì mình sẵn lòng”
Chính vì hiểu cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người vất vả như thế nào với những người nghèo khó nên Bình càng cảm thông, muốn chia sẻ. Với công việc sửa giày dép này, bình quân mỗi ngày Bình thu nhập được gần 200 ngàn đồng. Mỗi đôi giày, dép hư hỏng khách mang đến dán keo, may chỉ lại Bình lấy giá từ 20 ngàn đến 40 ngàn đồng.
Với công việc sửa giày dép, mỗi ngày Bình kiếm được gần 200 ngàn đồng (Ảnh: Phương Nguyễn) |
Chỗ làm là nơi vỉa hè nên mỗi khi trời mưa gió Bình phải thu dọn đồ nghề. Những ngày trở trời như vậy anh chỉ kiếm được vài chục ngàn. Nhưng bù lại vì có nhiều khách quen biết đến “tiệm” giày của Bình nên với anh như thế đã là ổn định.
Nói về việc nhận sửa giày dép miễn phí cho những người lao động cực khổ, Bình nhớ đến người khách là cụ ông bán vé số. Người khách làm Bình thay đổi suy nghĩ mà từ đó thương người nghèo khó hơn. Đó là ông cụ đã ngoài 70, đi bán vé số trên chiếc xe đạp cọc cạch.
“Lúc ông ghé tiệm đưa đôi dép đã mòn đế, hở keo nhờ sửa giúp tự dưng mình cảm thấy có gì đó nghẹn ở cổ họng. Với dáng vẻ gầy gò vậy mà cụ đạp xe dưới trời nắng chang chang đi bán vé số mình thấy thương vô cùng”, Bình nhớ lại.
"Gia tài" của Bình chỉ vỏn vẹn là đống đồ nghề này (Ảnh: Phương Nguyễn) |
Sau lần sửa dép cho cụ ông không lấy tiền đó Bình mới nghĩ ra việc in dòng chữ sửa giày dép miễn phí trưng trên kệ cho nhiều người biết ghé vào. Từ đó có nhiều bác chạy xe ôm, chú đạp xích lô, chị mua ve chai, anh thu gom rác… tìm đến “tiệm” giày của Bình.
Bình dự định khi dành dụm đủ tiền anh sẽ mở một tiệm giày dép nhỏ, để anh không phải chạy đôn chạy đáo dọn hàng lúc trời mưa, để anh kiếm tiền chăm lo cho mẹ già. Và cũng để anh được giúp đỡ nhiều hơn những mảnh đời cơ cực vì như anh nói “nhiều người còn khó khăn hơn mình nên giúp được cho ai cái gì thì mình sẵn lòng, thế thôi!”.
Theo Infonet