Sóng lớn đánh vào bờ do ảnh hưởng bão Kalmaegi ở Manila, Philippines ngày 14/9 - Ảnh: EPA
Chiều 15/9, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (BCĐPCLBTW) đã tổ chức Giao ban trực tuyến đối phó với bão số 3, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đại diện 26 tỉnh, thành nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão số 3.
Tại buổi giao ban, Phó Thủ tướng nhận định, bão số 3 đang có dấu hiệu di chuyển nhanh với cường độ mạnh hơn và sẽ tác động đến miền Bắc nước ta vào chiều tối mai (16/9); Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương và cơ quan chức năng báo cáo về hoạt động phòng chống thiên tai.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, đây là cơn bão mạnh lên rất nhanh. Cụ thể, chỉ trong 24 tiếng bão đã tăng mạnh lên 5 cấp (từ cấp 8 - 12) là hiện tượng hiếm có trong quá khứ.
“Theo mô hình dự báo của cơ quan khí tượng quốc tế như: Nhật Bản, Mỹ… bão đang di chuyển chủ đạo theo hướng Tây Tây Bắc và sẽ đi sâu vào đất liền gây mưa to, gió lớn diện rộng rồi suy yếu và tan dần. Mô hình dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng TƯ cũng thông nhất hướng di chuyển của bão hướng sẽ là đi vào phía Bắc đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) rồi đi sâu vào vịnh Bắc bộ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Quảng Ninh - Hải phòng. Dự báo khoảng từ 21- 22h tối mai, bão sẽ độ bộ vào Quảng Ninh – Hải Phòng, sau đó bão đi sâu vào đất liền phía Đông Bắc mới suy yếu dần”, ông Cường cho biết.
Cơ quan khí tượng cũng đưa ra dự báo, khoảng chiều tối mai (16/9), các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương có gió mạnh cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 – 11, giật cấp 12 – 13. Các nơi khác ở khu Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ trong đó có Hà Nội có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8.
Cũng bắt đầu từ đêm mai (16/9) Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía Bắc có mưa to đến rất to. Dự báo, vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 4 – 5m.
Theo nhận định của ông Cường, nếu đúng vào thời điểm bão độ là đêm mai, vùng tâm bão là Quảng Ninh – Hải Phòng đang ở mức triều cường thấp nhất trong ngày và thấp trong năm. Do đó, mực nước dâng chỉ đạt 2,6- 3m. Hy vọng với diễn biến như vậy sẽ không xảy ra ngập lụt diện rộng ở vùng tâm bão.
Tuy nhiên, nếu bão vào muộn hơn, tức là đến tận trưa ngày kia (17/9) thì sẽ gây ngập lụt ở vùng trũng ven biển. “Điều chúng tôi lo lắng nhất là nguy cơ sạt lở đất ở vùng núi trung du, bởi dự báo từ trên toàn miền Bắc sẽ có mưa nhanh với cường độ cao 200- 300ml”, ông Cường chia sẻ.
Báo cáo Phó Thủ tướng, đại diện Hải Phòng cho biết, đến 15h chiều nay, toàn bộ lực lượng biên phòng địa phương đã tiến hành báo tới 4.075 phương tiện đang hoạt động trên biển biết về tình hình cơn bão. Đáng lo ngại nhất là hiện vẫn còn 57 phương tiện xa bờ, dự báo đến 15h chiều mai mới có thể vào vùng trú an toàn.
"Các phương tiện ở Bạch Long Vĩ được di chuyển vào bờ. Trưa mai, tất các các hoạt động chở khách tuyến Hải Phòng – Cát Bà sẽ dừng lại; các phương tiện du lịch cũng cấm hoạt động từ trưa mai”, đại diện Hải Phòng cho biết.
Cùng nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, đại diện Quảng Ninh báo cáo, tính đến 16h30 chiều nay Quảng Ninh đã có hai công điện liên tiếp chuẩn bị công tác phòng tránh bão. Cụ thể, đã liên lạc với các tàu đáng bắt xa bờ, cương quyết gọi các tàu về nơi neo trú an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn 25 tàu chưa liên lạc được.
“Chậm nhất đến sáng mai trên 8.000 tàu, thuyền cập bờ sẽ nhận lệnh cấm ra khơi. 500 tàu du lịch chậm nhất trưa mai sẽ vào nơi trú an toàn, cấm hoạt động; các phương tiện lồng, bè thủy sản đảm bảo an toàn không để người dân ở lại lồng bè…”, đại diện Quảng Ninh cho biết.
Đại diện Yên Bái, Lào Cai báo cáo Phó Thủ tướng, đến chiều nay đã cơ bản thực hiện các phương án phòng, chống bão số 3, đặc biệt là công tác phòng chống sạt lở đất và lũ quét…
Trưởng Ban CĐPCLBTW Cao Đức Phát nhận định, tình hình đã ở mức gấp gáp, ông Phát bày tỏ sự lo ngại về số tàu thuyền còn trên biển quá lớn, không chỉ tàu cá của dân mà còn có các phương tiện vận tải quốc tế ở cảng Hải Phòng.
Nhằm đối phó với bão số 3, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão khẩn trương triển khai các biện pháp di dân, đảm bảo an toàn cho người dân. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương ven biển, từ nay đến trưa mai phải có báo cáo toàn bộ số tàu, thuyền còn đang hoạt động ngoài khơi xa.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão dừng những cuộc họp không cần thiết, tập trung phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
Theo Dân Trí