Ông Trần Đức Cường, Phó Chánh văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã cho biết như vậy trước thông tin Liên minh Cứu sông Mê Kông vừa gửi một bức thư tới chính phủ bốn nước tiểu vùng sông Mê Kông gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan để bày tỏ những quan ngại liên quan tới quá trình ra quyết định xây dựng đập Thủy điện Don Sahong ở khu vực Nam Lào.
Xayaburi - Tiền lệ xấu
Trong thư, Liên minh thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc đệ trình hiện tại của chính phủ Lào, Quy trình thông báo, Tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA) cho việc xây dựng Đập Don Sahong.
Liên minh lo ngại rằng thủ tục PNPCA hiện đang áp dụng sẽ không tiến hành được một quá trình tham vấn chính xác và có sự tham gia đối với việc xây dựng Đập thủy điện Don Sahong.
Như vậy thì dự án này sẽ vẫn sẽ được tiến hành theo tiền lệ xấu của đập Xayaburi, làm gia tăng những tác động nghiêm trọng đối với dòng Mê Kông và cộng đồng sống phụ thuộc vào dòng sông này.
TS Lê Anh Tuấn, Đại học Cần thơ, thành viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng: đây là phản ứng hợp lý bởi vì giống như Xayaburi lúc đầu người ta cũng làm tham vấn nhưng cuối cùng vẫn tiếp tục xây.
"Do vậy họ lo ngại với đập Don Sahong đang lặp lại những bước như vậy. Các nước khác không quyết liệt chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra", TS Tuấn nói.
Tuy nhiên, về phần mình, vị Phó Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho rằng, lo ngại này là lẽ đương nhiên, dễ hiểu vì họ không được cung cấp thông tin đầy đủ và họ cũng không thấy được quá trình thực hiện đang diễn ra như thế nào.
“Liên minh bảo vệ dòng sông Mekong lo ngại đi theo lối mòn, vết xe đổ của Xayaburi là lo lắng của Liên minh cũng như cộng đồng, nhưng thực tế hiện nay chúng ta đang làm theo những gì mà Chính phủ của các quốc gia cam kết. Các bên cùng ngồi, trao đổi và tìm ra đâu là cái bất lợi, có lợi; yếu tố ảnh hưởng và không ảnh hưởng một cách hết sức khoa học”, ông Cường lý giải.
Theo ông Cường: Hiện nay quy trình tham vấn đang bắt đầu diễn ra, phía Lào rất hợp tác và bắt đầu thực hiện quá trình trao đổi thỏa thuận đối với việc xây dựng thủy điện Don Sahong. Ủy hội sông Mekong quốc tế đang thực hiện vai trò xúc tác và điều phối các hoạt động có liên quan đến quá trình tham vấn. Điều này được ghi trong quy chế sử dụng nước mà 4 nước hạ lưu cùng cam kết.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng: “cần tạo ra áp lực ngoại giao cấp chính phủ. Việc này nên thông qua Ủy hội sông Mê Kông quốc tế để tạo áp lực, nếu không thì thủy điện này lại đi theo vết xe đổ Xayaburi”.
Các động thái cho thấy việc xây dựng thủy điện Xayaburi vấn triển khai dù rằng vẫn có nhiều tiếng nói phản đối. |
Không ảnh hưởng thì Việt Nam vẫn ủng hộ
Tuy nhiên, ông Cường lại khẳng định: “Việt Nam không phản bác nếu như vì quyền lợi kinh tế của bạn và điều đó không ảnh hưởng gì đến ta thì ta vẫn ủng hộ”.
Mặc dù cho rằng, thực tế Việt Nam không đồng tình hoàn toàn với bạn Lào là sẽ xây thủy điện Don Sahong, nhưng ông Cường cho biết các bên đều đang ngồi lại và đàm phán, tiến hành các nghiên cứu, đánh giá.
“Tuy nhiên đến bây giờ tất cả mọi điều chưa ngã ngũ”, ông Tuấn khẳng định.
Trước đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một khi được xây dựng, thủy điện Don Sahong sẽ có ảnh hưởng lớn tới các loài cá và tập quán di cư của chúng trong toàn lưu vực sông Mê Kông.
Điều này đe dọa tới an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người dân, ảnh hưởng đến kinh tế và làm mất ổn định chính trị trong khu vực bởi sự gia tăng căng thẳng giữa chính quyền các nước do những thất bại trong hợp tác sử dụng dòng sông chung.
Hiện Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đang cộng tác với một số tổ chức chính phủ và phi chính phủ ở trong nước vì Việt Nam tham gia đánh giá tác động của thủy điện nói chung và thủy điện Don Sahong nói riêng.
“Trong quá trình thực hiện này Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã kết hợp với rất nhiều cơ quan, kể cả cơ quan nghiên cứu khoa học, quần chúng, các tổ chức phi chính phủ để cung cấp thông tin cho công chúng một cách đầy đủ nhất”, ông Cường cho hay.
"Việc khai thác nguồn nước là chuyện đương nhiên nhưng quan trọng là không được ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Việt Nam không có ý định ngăn cản, phản bác hay phản đối Lào triển khai thủy điện Don Sahong mà chỉ yêu cầu phía bạn làm đúng cam kết, đúng quy định của Ủy hội sông Mekong năm 1995, trong đó có quy chế sử dụng nước. Tức là bắt buộc phải thực hiện thủ tục thông báo, trao đổi, thỏa thuận", ông Cường khẳng định thêm một lần nữa.
Theo Đất Việt