Tân Hoa Xã "vạch mặt" nạn mua quan bán chức tại Trung Quốc

Thứ tư, 03/12/2014, 10:01
Tân Hoa Xã mới cho đăng một bài bình luận hiếm có về nạn "mua quan bán chức" ngày càng phổ biến tại Trung Quốc.  Thậm chí, nó còn nâng lên thành cấp "hệ thống" chứ không chỉ một vài cá nhân liên quan.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ngay sau khi bài viết trên Tân Hoa Xã được nhiều tờ báo in của chính phủ và mạng xã hội Trung Quốc đăng lại, nó đã nhanh chóng bị xóa khỏi các website thậm chí là cả tờ báo mạng Tân Hoa Xã.

Trước đó, Tân Hoa Xã khẳng định nếu như nạn mua bán chức quyền chỉ liên quan tới một vài cá nhân thì việc xử lý sẽ vô cùng đơn giản là khai trừ khỏi đảng và đưa bị cáo ra tòa sau đó phạt tù. Nhưng khi nạn tham nhũng đã được nâng lên thành cấp hệ thống thì biện pháp giải quyết lại không hề đơn giản và thậm chí còn ảnh hưởng lớn tới kỷ luật đảng.

Hàng loạt quan chức cấp cao Trung Quốc bị điều tra tội tham nhũng, lạm dụng chức quyền bao gồm Bạc Hy Lai, cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Với tiêu đề: "Ai bán, ai mua?", bài bình luận đăng trên Tân Hoa Xã đã chỉ đích danh ba nhóm đối tượng chính liên quan tới vấn nạn mua quan bán chức hiện nay tại Trung Quốc. Trong đó, nhóm thứ nhất là những người mong muốn được thăng quan tiến chức.

Nhóm thứ hai là những nhân vật muốn chuyển đổi vị trí công tác từ các khu vực nghèo khó tới những vùng giàu sang, lắm tiền. Và nhóm cuối cùng là những người hiện không nằm trong tổ chức chính phủ nhưng muốn gia nhập hàng ngũ lãnh đạo.

Ngoài ra, nhóm đối tượng buôn bán chức quyền chủ yếu là giới quan chức cấp cao mà thường là những người đứng đầu tại một khu vực hoặc một đơn vị, có quyền thay đổi nhân sự. Ngay cả, những người nắm vị trí thứ 2, 3 hoặc 4 trong cơ quan điều hành cũng có thể nhận hối lộ từ bên ngoài để giúp người khác được đề bạt, thăng chức.

"Trả góp" mua chức

Trong khi, một số người vay tiền từ ngân hàng, những người khác lại tìm kiếm nguồn tiền tài trợ từ các doanh nhân muốn hưởng ké lợi nhuận từ việc quan chức cùng phe cánh thăng tiến. Thậm chí, không ít người dùng chính tiền hối lộ và tham nhũng thu từ các phi vụ khác để mua chức quyền. Đặc biệt, họ còn có thể mua chức theo phương thức "trả góp" như mua bán bất động sản.

Cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu bị cáo buộc nhận hối lộ giúp hàng trăm sĩ quan thăng chức.

Hoạt động mua bán chức quyền tại Trung Quốc thường diễn ra nhộn nhịp với tần suất 5 năm/lần, trước thời điểm tổ chức các cuộc bầu cử và thay đổi cốt cán trong hàng ngũ cán bộ đảng và chính quyền.

Thời điểm lý tưởng để hối lộ các quan chức cấp cao là lúc họ đi nghỉ dưỡng hay khi thân nhân quan chức bị ốm, khi con cái của họ ra nước ngoài du học hoặc khi gia đình có những sự kiện quan trọng như cưới hỏi và sinh nhật.

Định giá bán chức

Một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất mới được phanh phui gần đây liên quan tới tội nhận hối lộ là ông La Ấm Quốc, cựu Bí thư thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông này đã bị kết án tử hình hồi năm ngoái trước cáo buộc nhận hơn 100 triệu Nhân dân tệ (16,3 triệu USD) từ 64 quan chức muốn thăng quan tiến chức.

Thậm chí, ông La còn "ra giá" cho từng vị trí cụ thể: 200.000 Nhân dân tệ (32.500 USD) cho vị trí kỹ thuật viên; 2 triệu Nhân dân tệ (325.000 USD) cho vị trí trưởng phòng; 10 triệu Nhân dân tệ (1,6 triệu USD) cho cấp phó chủ tịch thành phố. Ông này cũng tự định giá cho vị trí bí thư của mình là 100 triệu Nhân dân tệ (16,3 triệu USD).

Ông La Ấm Quốc từng định giá cho vị trí bí thư của mình là 100 triệu Nhân dân tệ (16,3 triệu USD).

Ngay tại phiên tòa xét xử, ông La còn cho rằng chốn quan trường Trung Quốc đích thực là một cái chợ, nơi mà không ít quan tham bán chức và những quan tham khác thì mua chức.

Ngoài ông La, hai sự vụ nghiêm trọng khác được phát hiện là trường hợp của cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu (70 tuổi) và cựu Phó cục trưởng Tổng cục Hậu cần quân đội Trung Quốc, Cốc Tuấn Sơn. Hai người này đã bị buộc tội nhận hối lộ để đề bạt hàng trăm sĩ quan và nhận khoản tiền lên tới hàng chục triệu Nhân dân tệ.

Điều đáng nói, quy luật trong khu chợ mua quan bán chức tại Trung Quốc rất đơn giản là "đầu tư càng lớn, thu lời càng cao". Đây cũng chính là lý do khiến nghề hành chính trở thành một trong những công việc nhận được sự quan tâm lớn nhất từ giới trẻ đại lục khi có tới 76,4% sinh viên tốt nghiệp đại học hy vọng trở thành công chức nhà nước. Tuy nhiên, tỷ lệ này tại Singapore chỉ là 2%, Mỹ 3% và Pháp 5%.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn