Ngày 1/12, tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng, vấn đề dự án nước ngoài nằm tại các vị trí ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng lại được người dân Đà Nẵng chất vấn quyết liệt.
“Mất Hải Vân là thua chắc”
Các cử tri Võ Khắc Mai, Trần Phước Cừ cùng nhiều cựu chiến binh của quận Sơn Trà, Hải Châu, Cẩm Lệ… đã yêu cầu các ĐB kiến nghị QH, Thủ tướng hủy hẳn dự án World Shine - Huế trên đèo Hải Vân, giao lại đất cho Bộ Quốc phòng quản lý. “Chúng ta không thể chỉ tạm dừng mà phải thu hồi hẳn dự án đó” - cử tri Võ Khắc Mai bày tỏ.
Cử tri Trần Phước Cừ lại đề nghị Bộ Quốc phòng nhất định phải có chỉ đạo trực tiếp thu hồi dự án này. “Chúng ta cần phải giải quyết triệt để, không để xảy ra mầm mống hậu họa về sau”.
Các cử tri Đà Nẵng cũng bức xúc về thái độ của chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế khi nói dự án World Shine-Huế không ảnh hưởng gì đến quốc phòng. Họ đặt câu hỏi về tư duy quân sự của vị chỉ huy trưởng này và đề nghị truy trách nhiệm những người liên quan đến việc cấp phép cho dự án.
Đồ họa: L.Hiền
Trước những bức xúc của cử tri, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn (nguyên Tư lệnh Quân khu 5) cho hay: “Trước đây tôi chịu trách nhiệm với Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ phòng thủ khu vực đèo Hải Vân, Sơn Trà và Phước Tường. Không thể để mất một trong ba điểm này. Nếu Đà Nẵng mất Sơn Trà mà giữ được Hải Vân thì còn có thể lấy lại được Sơn Trà. Nhưng nếu Đà Nẵng mất Hải Vân thì coi như thua chắc, khó lấy lại được”.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng nhấn mạnh Hải Vân là vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh. Quân khu 5 được giao nhiệm vụ phòng thủ tại cả khu du lịch Lăng Cô và hòn Sơn Trà Con.
“Cá nhân tôi đã gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, gặp cả Thủ tướng để phản ánh việc này. Không thể để chuyện đó xảy ra được. Dừng dự án là đúng, còn việc cấp phép dự án thì sau này sẽ quy trách nhiệm cụ thể, bà con cứ yên tâm” - Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch QH, không vì lý do gì để có thể bất chấp việc phát triển kinh tế mà bỏ qua an ninh quốc phòng. “Giữa Bộ Quốc phòng và các địa phương trên toàn quốc đã ký một bản đồ về đất đai, thể hiện bằng ba màu. Trong đó, màu đỏ là không được xâm phạm, màu vàng thì có thể kết hợp kinh tế nhưng chỉ đối tác trong nước, còn màu xanh thì có thể mở rộng đối tượng kinh tế khác. Các đồng chí bên quân sự cần phải xem lại bản đồ đó” - ông Huỳnh Ngọc Sơn yêu cầu.
Chi hàng trăm triệu đồng trồng rau
Theo tìm hiểu của chúng tôi, TP Đà Nẵng cũng có một số dự án có yếu tố nước ngoài nằm tại các vị trí quan trọng (Pháp Luật TP.HCM ngày 29/11 đã đưa tin ban đầu). Đầu tư nhiều nhất là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores (gọi tắt là Công ty Silver Shores, có lãnh đạo là người Trung Quốc, trụ sở tại số 8 Võ Nguyên Giáp, TP Đà Nẵng).
Trong các dự án của công ty này, đáng quan tâm nhất là dự án trồng rau tại thôn Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) nằm ngay trên hướng rút quân trong các cuộc diễn tập phòng thủ quốc phòng của Đà Nẵng. Theo thông tin PV có được, UBND huyện Hòa Vang đã phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau sạch, giao UBND xã Hòa Phong lập thủ tục cho thuê 11,6 ha đất nằm cạnh núi Phước Sơn với thời hạn năm năm (đến 2019).
Sáng 30/11, khi PV tìm tới đây thì dự án này đã bị chính quyền yêu cầu tạm dừng. Khu vực dự án vẫn được bao quanh bởi bờ rào bằng cột bê tông và dây thép. Bên trong chỉ còn lại lán trại và ba người bảo vệ là người địa phương.
Ông Nguyễn Trung (bảo vệ) cho hay, dự án khởi động mới năm tháng và thu hoạch được một mùa vụ thì đã bị yêu cầu dừng lại. Trước đó, 15 công nhân trồng rau là người địa phương, còn kỹ sư hướng dẫn đều là người Trung Quốc nói tiếng Việt rất sõi. Mỗi tháng họ bỏ chi phí đầu tư, tiền nhân công, tiền ăn… cả trăm triệu đồng nhưng đợt rồi chỉ thu hoạch được một ít bí, rau.
“Ban đầu tôi có hỏi kỹ sư Trung Quốc là làm thiệt hay giỡn vì tiền thuê đất, phân bón, công nhân… khá cao mà chỉ thu về rất ít nông sản. Họ bảo làm chủ yếu lấy rau về cho công nhân ăn vì ăn rau ở ngoài không đảm bảo” - ông Trung nói. Cũng theo ông Trung, chủ đầu tư dự án này đã trả tiền thuê đất trọn ba năm.
Được biết hiện lãnh đạo Đà Nẵng đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hòa Vang kiểm tra, đề xuất hướng xử lý dự án này trước ngày 15/12.
Cùng với dự án trồng rau, Công ty Silver Shores còn có nhiều dự án được dư luận quan tâm. Cụ thể, dự án khu ký túc xá cho nhân viên Silver Shores (tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) ban đầu được duyệt độ cao tĩnh không 64,5m. Sau đó, Sư đoàn 375 nhận thấy vị trí công trình nằm giữa hai trận địa pháo phòng không C2 và C11 nên đã yêu cầu hạ thấp độ cao xuống 43,6m.
Công ty này còn có dự án khu phức hợp bến cảng du thuyền trên sông Hàn tại cảng cá Thuận Phước (cũ) nằm ngay khu vực cửa vịnh Đà Nẵng, nơi cửa sông Hàn giáp với biển và sát ngay cảng quân sự Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà. Tháng 3/2014, dự án được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch 1/500.
Tuy nhiên, sau đó Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đề nghị không cấp giấy phép tổ chức các hoạt động trên không như bay mô hình, bay dù lượn, canô kéo dù bay, thả khinh khí cầu… Công ty này còn muốn thực hiện dự án tàu đáy kính ngắm san hô tại khu vực Sơn Trà (phạm vi hoạt động của du thuyền lên tới 20 hải lý).
Dừng dự án ở đèo Hải Vân là chính đá́ng Chiều 1/12, trả lời câu hỏi của báo chí về dự án ở khu vực đèo Hải Vân, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Đến giờ này UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định dừng dự án là có cơ sở chính đáng. Các cơ quan chức năng phải tiếp tục xem xét, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc cấp phép dự án. Ngay cả trong hợp đồng của dự án này cũng có những sơ hở cần lưu ý. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng cùng địa phương phải nhanh chóng rút ra bài học kinh nghiệm từ dự án, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |
Theo Pháp luật TP.HCM