Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội chia các doanh nghiệp báo cáo thành 4 nhóm: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước; doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp FDI.
Theo nguồn tin riêng của PV, mức thưởng Tết âm lịch cao nhất thuộc về khối doanh nghiệp FDI với mốc 85.600.000 đồng. Mức thưởng Tết thấp nhất là 500.000 đồng. Tính trung bình, khối doanh nghiệp này có mức thưởng Tết âm lịch là 3.750.000 đồng/người, nhỉnh hơn 1% so với mức thưởng của năm 2014.
Kế tiếp là mức thưởng 25.000.000 đồng thuộc về 2 khối Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Trong đó, khối công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu có mức thưởng Tết âm lịch trung bình là 3.300.000 đồng/người, tăng 5,7 % so với năm 2014. Mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng.
Khối các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước có mức thưởng Tết âm lịch trung bình là 3.450.000 đồng/người, tăng 10,2 % so với năm trước.
Xếp ở vị trí cuối cùng là mức thưởng Tết âm lịch của khối doanh nghiệp tư nhân, với mức thưởng cao nhất được thông báo là 13.940.000 đồng. Mức thưởng Tết âm lịch trung bình của khối này đạt 3.700.000 đồng/người, tương đương với mức thưởng của năm 2014. Doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất đạt 500.000 đồng/người.
Khảo sát về mức thưởng Tết âm lịch của Sở LĐ-TB&XH được thực hiện trên 563 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần khác nhau. Trong đó, khối các doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 400 doanh nghiệp. Số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp có báo cáo mức thưởng khoảng 60.000 người.
Theo ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng Chính sách lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), mức thưởng Tết âm lịch năm 2015 cao nhất của các doanh nghiệp báo cáo cao hơn mốc của năm 2014 (năm 2014 mức cao nhất là 65.000.000 đồng/người). Mức thưởng Tết âm lịch trung bình trên địa bàn Hà Nội của năm 2015 ngang bằng với mức thưởng năm 2014.
Mức thưởng Tết cao nhất của doanh nghiệp tại Hà Nội thấp hơn nhiều so với mức thưởng Tết được các doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM báo cáo (583 triệu đồng tại một doanh nghiệp FDI).
Tại sao mức thưởng được thông báo ở 2 địa bàn lại chênh nhau nhiều như vậy?
“Khác với việc thông báo thang bảng lương, việc thông báo hay không mức thưởng Tết âm lịch trong doanh nghiệp chưa có trong quy định mang tính bắt buộc. Thậm chí chưa có quy định về chế tài xử phạt. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp có thể có mức thưởng Tết cao hơn nhưng họ không thông báo” - ông Phạm Văn Thanh lý giải.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn khiến có tình trạng doanh nghiệp dù đã thông báo thưởng Tết nhưng phải đợi tới ra Giêng mới có kinh phí để chi trả cho người lao động.
Sở LĐ-TB&XH cho biết, bên cạnh những khởi sắc của nền kinh tế Thủ đô, việc sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp còn khó khăn, hàng hóa tồn đọng, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất và cắt giảm nhân sự. Một số doanh nghiệp phải nợ lương lao động từ 3-6 tháng. Thậm chí một số doanh nghiệp không thưởng Tết dương lịch cho lao động.
Theo Dantri