Hòa nhập với dân lao động
Dường như đến khu Bùi Viện vào buổi tối mới cảm nhận hết được không khí nhộn nhịp và sự hòa nhập của những vị khách đặc biệt là người Tây với những người Việt Nam. Họ ăn vỉa hè, nhậu ở những quán vỉa hè và thưởng thức những món ăn chỉ có ở Việt Nam.
Nhiều chủ quán ở khu này cho biết người Tây họ hiếu kỳ một phần, một phần có lẽ cũng bởi muốn được thưởng thức các món ăn và những nét đẹp của người Việt nên không hề phân biệt gì cả.
Những khách Tây thuê trọ ở khu này giàu có, nghèo cũng có nhưng họ sống với nhau rất gắn bó, không xảy ra cãi lộn bao giờ.
Ông Nguyễn Hùng Long, cán bộ phường Phạm Ngũ Lão nơi có khu phố Tây này cho biết: “Các chủ nhà trọ cũng đã được chính quyền địa phương quán triệt là tuyệt đối không được lợi dụng việc người nước ngoài chưa rành rẽ ngôn ngữ mà bắt chẹt hoặc cho thuê nhà với giá đắt, nếu không chính quyền sẽ can thiệp và xử lý ngay. Làm sao để họ thấy những điều thân thương nhất của người Việt ở một thành phố phồn hoa như Sài Gòn này”.
Các vị khách nước ngoài thích thú với văn hóa vỉa hè khi khám phá phố Tây. Ảnh TL |
Phía ngoài con hẻm Bùi Viện là hàng chục khu nhà trọ dành cho khách Tây, phía trong lại là những khách Việt. Ông Nguyễn Văn Tùng, một người chạy xích lô lâu năm ở đây cho biết: “Họ là người nước ngoài nhưng thích lối sống giản dị, thích ở trọ xen kẽ với người Việt. Ban đầu chưa hiểu nhau, chưa biết tiếng thì thôi nhưng khi đã hiểu rồi thì thân thiết lắm.
Những người chạy xích lô như chúng tôi ăn uống cái gì họ cũng ăn uống cái đó. Nhiều khách Tây thường bảo với cánh xích lô rằng, hiếm ở đâu có những món ăn rẻ và sự thân thiện như khu Bùi Viện này. Cứ thế miết rồi họ quen nên dường như không muốn đi xa nữa mà chỉ ngày đi làm và tối đến lại quanh quẩn ở khu trọ này”.
Trong những hẻm trọ khách Tây, ngoài các khách sạn, nhà nghỉ hạng sang thì phổ biến vẫn là nhiều “nhà trọ không tên”. Tuy những nhà trọ này không được rộng rãi, nhưng lại rất hút khách vì giá rẻ và đặc biệt khi họ được trải nghiệm phong cách sống của người Việt - Ảnh TL |
Nhiều chủ nhà trọ chuyên cho khách Tây thuê cho biết, Tây hay Việt cũng giống nhau, đều cho thuê một giá hết. Thậm chí nhiều khách Tây vì còn quá bỡ ngỡ nên bước đầu những chủ nhà trọ còn phải đi mua đồ đạc và hướng dẫn cách nấu ăn.
Khách vào trọ ở đây có cả những giáo viên, anh thợ kỹ thuật nên họ cũng biết chắt chiu chứ không phải chỉ khách du lịch để thuê nhà đi chơi. Ban đầu bất đồng ngôn ngữ thì những chủ nhà chỉ cho khách trực tiếp bằng những hành động, cử chỉ cụ thể.
Một chủ nhà trọ khác cho biết, các khách Tây này điều kiện cũng eo hẹp nên rất chịu khó. Nhất là khâu học hỏi, họ không ngần ngại gõ cửa để hỏi cái này, cái nọ. Lúc rảnh lại thường qua các gia đình người Việt gõ cửa để được giao lưu. Chính thế nên môi trường sống trở nên thân thiện hơn.
Ngày làm thông dịch, đêm dạy tiếng Anh cho trẻ bán vé số
Ở khu trọ người Tây này không ai lạ gì ông Ken Sunka, một vị khách Tây người Anh. Ken từng sang Việt Nam đi du lịch cách đây hơn 10 năm khi ấy anh mới là một sinh viên năm nhất. Nhưng rồi, yêu cuộc sống và những con người Sài Gòn nên sau khi tốt nghiệp Ken đã sang Việt Nam sinh sống.
Ken tìm đến khu Bùi Viện này thuê trọ dài ngày và xin vào dạy và biên dịch tiếng Anh cho trường Đại học Văn Hiến. Vừa dạy, Ken vừa học tiếng Việt nên chẳng mấy chốc Ken đã có được vốn tiếng Việt kha khá. Hàng ngày tiếp xúc với nhiều trẻ em bán vé số đường phố, Ken liền nảy ra ý tưởng sẽ dạy tiếng Anh miễn phí cho các em.
Từ ý tưởng đó, chẳng mấy chốc căn phòng thuê trọ rộng hơn 20m2 của Ken cứ đêm đến lại có hàng chục trẻ em bán vé số đến bập bõm học những từ tiếng Anh đầu tiên.
Ông Hải, chủ nhà trọ của Ken cho biết: “Anh ta bày tỏ ý định dạy thêm tiếng Anh miễn phí cho các cháu bán vé số là bởi muốn sau này có thêm vốn ngôn ngữ, có thêm kiến thức rồi các cháu sẽ có thể có thêm lựa chọn ngành nghề khác như là đi làm cho các hãng du lịch, hay đi làm thông dịch hoặc nhân viên nhà hàng cho những nơi có nhiều khách Tây hay lui tới”. Ông Hải cảm động với việc làm này của Ken nên thỉnh thoảng hay sang trò chuyện động viên Ken.
Bạn của Ken là Suny Kare cũng có chung ý tưởng đó. Hàng ngày tiếp xúc với nhiều em nhỏ thiệt thòi phải lê la đi bán vé số ở lề đường nên Suny bắt chước bạn của mình rước các em về phòng của mình dạy tiếng Anh miễn phí vào các buổi tối. Công việc hàng ngày của Suny là đi làm thông dịch cho một công ty liên kết giữa Việt Nam với Anh quốc.
Không chỉ dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ mà Suny còn miệt mài nghiên cứu các nét đẹp văn hóa của người Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, điều đó thể hiện qua việc anh đã mua rất nhiều cuốn sách về văn hóa Việt Nam để tự nghiền ngẫm và thường xuyên giao tiếp với những người Việt quanh khu phố Bùi Viện.
Lâu lâu lại đi vùng sâu làm từ thiện
Một trong những khách Tây thuê trọ lâu nhất ở khu Bùi Viện này có lẽ là Phon Mache. Anh đã sang Sài Gòn để học thêm tiếng Việt hơn 10 năm, rồi có ý định định cư luôn ở thành phố thân yêu và nhộn nhịp này.
Vốn học nghề y nhưng lại có máu xê dịch, thích đi qua các vùng đất nông thôn của Việt Nam nên hàng ngày Phon vẫn cưỡi trên chiếc xe Honda phân khối lớn đến các vùng còn nhiều khó khăn của Sài Gòn cũng như các tỉnh lân cận như Củ Chi của TP.HCM, Vĩnh Cửu của Đồng Nai hay Tân Biên của Tây Ninh...
Những chuyến đi đó với Phon còn để lại cho anh nhiều ấn tượng nghĩa tình với các vùng đất mình đã qua. Phon thường kể với bạn bè của mình rằng: “Thời gian đầu khi chưa thông tỏ ngôn ngữ và còn bỡ ngỡ thì phải nhờ một cô người Việt Nam đi hướng dẫn và dịch tiếng cho tôi nghe. Nhưng rồi cũng chính cô này đã nhiệt tình dạy tiếng Việt nên chẳng bao lâu tôi đã nói được những điều cơ bản rồi”.
Không chỉ đến những vùng nông thôn ấy du lịch, tìm hiểu văn hóa, Phon còn bắt mạch, khám bệnh cho nhiều người nghèo khác. Phon bảo đến bản làng nào cũng thấy cái tình của người Việt thân thương.
Với một chiếc xe phân khối lớn luôn chở đầy nhu yếu phẩm và dụng cụ y tế cùng một số lượng thuốc nhất định, thế là Phon bắt đầu rong ruổi, có chuyến đi rong ruổi cả tháng trời liên tục.
“Hết thuốc tôi lại có thể tạt mua ở các tiệm thuốc Tây của Việt Nam vì đã thông hiểu cơ bản tiếng Việt. Những người bạn Tây của tôi ở Bùi Viện khi được nghe kể về những điều này cũng đã rất thích thú. Ở đây người Việt Nam đều gần gũi, thân thương cả. Có những lần cứ ở mãi Sài Gòn cả mấy tháng trời do bận rộn công việc ở công ty, không đến các vùng nông thôn được là thấy nhớ lắm”, Phon tâm sự.
Theo PL&DS