Sáng 7/1, tại vịnh Hạ Long, để làm thủ tục cho hơn 500 du khách quốc tế A.QUEST nhập cảnh vào Việt Nam, cơ quan chức năng đã phải huy động trên 20 nhân sự, thay vì 4-5 người như trước đây. Tuy nhiên, cũng phải mất trên 3 tiếng, các lực lượng chức năng mới hoàn thiện thủ tục. Trong khi đó, trước đây áp dụng Thông tư 44/2011/TT-BCA, chỉ mất khoảng 20 phút cho cả tàu.
Theo Thông tư 44/2011/TT-BCA, các Cty du lịch chỉ cần gửi danh sách du khách cho các cơ quan chức năng để làm thủ tục trước. Tại các điểm đến, cơ quan chức năng chỉ cần kiểm tra, đối chiếu nhanh và cấp thị thực theo danh sách tập thể. Tuy nhiên, theo luật mới, từng du khách phải khai báo và làm thủ tục lại từ đầu.
“Ngày 16-17.1 tới sẽ có 2 tàu với hơn 2.000 du khách quốc tế đến Hạ Long. Bình quân mỗi du khách mất ít nhất 2-3 phút làm thủ tục thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra” – một đại diện Sở VHTTDL Quảng Ninh lo lắng.
Theo phản ánh của các Cty lữ hành, khách đường biển thường đi đông, trong khi lưu trú của họ rất ngắn, có khi chỉ một ngày. Nếu làm thủ tục kiểu này, tour một ngày thì khách đã mất nửa ngày làm thủ tục nhập cảnh.
“Khách của chúng tôi không chỉ đi thăm Hạ Long, mà còn thăm Hà Nội… Mất quá nhiều thời gian làm thủ tục nhập cảnh, buộc đơn vị điều hành tour phải cắt ngắn hoặc thay đổi lịch trình. Đây là điều khó chấp nhận vì những gì quảng bá, cam kết với khách bị phá vỡ bởi sự thay đổi xoành xoạch trong chính sách của phía mình” – ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Chi nhánh Cty TNHH Tân Hồng tại Quảng Ninh, đơn vị chuyên đón tàu du lịch quốc tế cho biết.
“Nếu xin visa trước tại các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại thì không mất nhiều thời gian làm thủ tục nhập cảnh. Nhưng đấy là với khách ở gần cơ quan ngoại giao của ta, trường hợp ở xa thì rất bất tiện. Hoặc có nhiều du khách chỉ đến khi vào vùng biển Việt Nam, thấy cảnh đẹp mới quyết định nhập cảnh thì sao? Nếu cứ cứng nhắc thì sẽ mất hết khách” – đại diện một Cty lữ hành tại Quảng Ninh bức xúc.
Không những vậy, với luật mới, phí đối với những du khách quá cảnh tham quan du lịch là 45 USD/người, thay vì 5 USD/người như trước đây. Điều đó khiến cho du khách cảm thấy có gì đó bất nhất trong chính sách của ta, bởi thực tế khác với những gì du khách được thông tin quảng bá trước đó; đồng thời có thể khiến họ từ bỏ ý định nhập cảnh, cứ ở trên tàu để chờ đến điểm đến khác của nước khác.
Mỗi năm, Hạ Long đón khoảng 100 tàu du lịch quốc tế, với hàng trăm ngàn du khách. |
Được biết, mỗi năm, Hạ Long đón khoảng 100 chuyến tàu du lịch quốc tế, với trung bình 100.000-150.000 du khách/năm, chủ yếu đến từ Mỹ và châu Âu. Luật mới có hiệu lực đúng vào thời điểm Hạ Long bắt đầu vào mùa du lịch tàu biển.
Đề nghị có quy chế riêng cho khách tàu biển Trong công văn mới đây gửi Tổng cục du lịch Việt Nam, Cty TNHH Tân Hồng cho biết, Cty chính thức nhận được công văn số 1486/TCDL-LH vào ngày 29.12.2014 về việc thực hiện Luật xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Điều này khiến DN trở tay không kịp và gây bất cập cho phía đối tác tàu biển đã ký kết hợp đồng với Cty đến hết năm 2015. Các hãng tàu đã áp dụng biểu phí thị thực và giấy phép tham quan cũ tính vào giá vé của toàn bộ khách cho mùa này. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các hãng tàu biển trong thời gian tới. Với những bất cập đó, Cty TNHH Tân Hồng đề nghị Tổng cục Du lịch Việt Nam và Cục quản lý xuất nhập cảnh nghiên cứu để có quy chế riêng hỗ trợ cho khách du lịch nước ngoài bằng tàu biển được cấp giấy phép tham quan du lịch, nhằm thu hút khách vào Việt Nam. |
Theo Laodong