Hệ thống hầm kiên cố ít người biết dưới Dinh Độc Lập

Thứ năm, 30/04/2015, 07:14
Được thiết kế vững chắc với bê tông, tường bọc thép, khả năng chịu bom, hệ thống hầm dưới Dinh Độc Lập là nơi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từng làm việc.     

Là một di tích lịch sử, Dinh Độc Lập từng chứng kiến nhiều biến cố chính trị. Công trình này do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã, thiết kế.

Không chỉ vậy, tòa nhà còn một hệ thống hầm kiên cố - nơi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn thường lui xuống làm việc do Trung tá, Kỹ sư Phan Văn Điển, Chỉ huy trưởng công trình Dinh Độc Lập thiết kế.

Hầm dài 72,5 m, rộng 0,8 - 22,5m và sâu 0,6 - 2,5m. Các phòng trong đó liên kết nhau bằng lối nhỏ đúc bê tông, tường bọc thép 5 mm và trang bị hệ thống thông gió.

DSCN2310-JPG_1430102514.jpg

Hầm khá rộng, có nhiều phòng chuyên trách ở hai bên. Tường đúc bê tông với sức chịu bom từ 500 kg đến 2.000 kg.

"Địa đạo" này chia thành hai khu vực. Trong đó, Khu vực 1 sâu 0,6m, sức chịu bom là 500 kg. Đây là trung tâm điều hành gồm ban tham mưu tác chiến với nhiều tấm bản đồ, điều chỉnh công điện, đài phát thanh dự phòng, các phòng thông tin liên lạc, nghỉ ngơi hay trực chiến của tổng thống.

Riêng phòng tham mưu tác chiến là nơi thu nhận tin tức quân sự từ bốn vùng chiến thuật. Thông qua hệ thống bản đồ tác chiến, bộ phận tham mưu cập nhật, theo dõi và đề xuất triển khai các kế hoạch hoạt động quân sự.

DSCN2299-JPG_1430102764.jpg

Phòng ngủ của tổng thống dưới hệ thống hầm.

Khu vực 2 là hầm trú ẩn, sâu 2,5 m, tường đúc bê tông 1,6 m với sức chịu bom là 2.000 kg. Trong trường hợp khẩn cấp, tổng thống sẽ xuống đây bằng thang bộ nối từ phòng làm việc ở tầng 2. Ngày 8/4/1975, khi Dinh Độc Lập bị ném bom, gia đình Nguyễn Văn Thiệu đã trú ẩn tại đoạn hầm này.

Hình ảnh dưới khu hầm

Cầu thang xoắn dưới khu hầm.

DSCN2296-JPG_1430103688.jpg

Phòng trực chiến của tổng thống, nơi tổng thống làm việc khi xảy ra biến cố nghiêm trọng. Hệ thống điện đài vô tuyến đặc biệt để điều hành tác chiến, liên lạc trực tiếp với Đại sứ quán Mỹ, bộ tổng tham mưu, tướng lĩnh các vùng chiến thuật...

DSCN2308-JPG_1430104047.jpg

Đài phát thanh dự phòng.

DSCN2319-JPG_1430104178.jpg

Phòng điều chỉnh công điện.

DSCN2322-JPG_1430104285.jpg

Phòng mật mã.

DSCN2316-JPG_1430105075.jpg

Cầu thang ra khỏi hầm.

Dinh Độc Lập được xếp hạng di tích quốc gia năm 1976, là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại lịch sử. Tiền thân đây là Dinh Norodom xây dựng năm 1868-1871. Sau hiệp định Geneve 1954, chính quyền Sài Gòn tiếp quản và đổi tên thành Dinh Độc Lập, trở thành nơi ở và làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

DSCN2275-JPG_1430103139.jpg

Dinh Độc Lập - nơi chứng kiến những biến cố lịch sử của Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 27/2/1962, Dinh bị ném bom đến hư hại nặng nên Ngô Đình Diệm buộc phải xây lại. Dù ý tưởng xây dinh mới là của Ngô Đình Diệm, ông không được sống ở đây ngày nào vì bị chết trong cuộc đảo chính năm 1963. Sau đó, Nguyễn Văn Thiệu trở thành tổng thống đã cùng gia đình sống và làm việc tại đây cho đến khi từ chức năm 1975.

Phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay được một tuần phải trao quyền cho Đại tướng Dương Văn Minh. Ngày 30/4/1975, lực lượng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đặt dấu mốc thống nhất hai miền nam - bắc đất nước.

Theo Ngoisao.Net

Các tin cũ hơn