30 thạc sĩ, thủ khoa xuất sắc trượt công chức: Cả hai phía cần nhìn lại!

Thứ sáu, 01/05/2015, 15:20
“Một mặt, cơ quan tuyển dụng cần xác định nội dung và cách thức thi tuyển sao cho phù hợp với vị trí việc làm. Mặt khác, thí sinh cũng nên chọn vị trí phù hợp với sở trường của mình”

Đó là chia sẻ của GS. TS Nguyễn Minh Thuyết trước công bố mới đây của Sở Nội vụ Hà Nội về kết quả kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi trong kỳ tuyển dụng công chức thành phố Hà Nội năm 2015 khi có 30/63 thí sinh thuộc diện được đặc cách xét tuyển đã không qua được kỳ sát hạch.

Điều đáng nói, trong số 30 người không đạt có 5 người có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Quản trị tài chính, Kỹ thuật Hóa học, Ngữ văn. Số còn lại đều là thủ khoa, thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài.

Được biết, nội dung kiểm tra, sát hạch vừa rồi bao gồm: Kiến thức về công vụ, công chức; Kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành; Vận dụng kiến thức chung và kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành vào thực tiễn công tác ở vị trí việc làm nếu được tiếp nhận; Kỹ năng thuyết trình, tổng hợp và soạn thảo văn bản.

Dưới đây là cuộc trao đổi của GS. TS Nguyễn Minh Thuyết với PV Báo điện tử Infonet:

Trong kỳ tuyển dụng công chức TP Hà Nội năm 2015, Hà Nội có 63 thí sinh thuộc diện đặc cách không phải tham gia thi tuyển và phải trải qua kỳ kiểm tra, sát hạch nhưng có tới 30 người không đạt. Ông có bất ngờ trước con số này khi đây đều là những người có bằng cấp “khủng”?

Với cá nhân tôi thì đây cũng là chuyện bình thường, không quá bất ngờ. Vì giỏi chuyên môn là một chuyện, còn kiến thức, kỹ năng về hành chính - công vụ lại là chuyện khác.

Tuy nhiên, theo tôi, nhân đây cũng cần xem lại cách tổ chức thi tuyển công chức, viên chức của chúng ta như thế nào. Trước hết là xem nội dung thi tuyển có thật sự phù hợp với vị trí cần tuyển dụng không.

Ví dụ, lâu nay người ta vẫn phàn nàn về chuyện tuyển giáo viên nhưng lại cho thi toàn nội dung liên quan đến thủ tục hành chính. Như vậy, giáo viên cũng khó mà bộc lộ được chuyên môn của người ta để chọn cho đúng. Đáng lẽ ra tuyển giáo viên thì chỉ thi tuyển về chuyên môn (dạy thế nào, xử lý các tinh huống trong lớp học ra làm sao,…) thôi, cái đấy mới là cái quan trọng. Thậm chí có hỏi đến luật thì cũng chỉ đến Luật Giáo dục là cùng chứ không nên đi hỏi mấy cái thứ xa xôi như thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, cũng cần xem lại cách thức thi tuyển có thật sự khách quan, hay chỉ là làm hình thức thôi còn “chỗ” thì lại nhắm cho một người nào đó trước rồi.

Theo ông, liệu việc tuyển công chức có bất cập không khi tập trung quá nhiều vào các môn như công vụ, công chức; quản lý nhà nước chuyên ngành mà coi nhẹ các vấn đề chuyên ngành, trình độ chuyên môn của thí sinh?

Tôi cho là nếu thi công chức thì phải coi trọng kiến thức về pháp luật, hành chính - công vụ. Thế nhưng không thể xem nhẹ việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng về chuyên môn của các ngành cụ thể mà thí sinh ứng tuyển. Điều này không thể nói chung chung mà phải biết người ta tuyển công chức vào vị trí nào mới nói được.

GS. TS Nguyễn Minh Thuyết

Nhà nước đang có chính sách khuyến khích thu hút người tài về nước cống hiến. Nhưng những người về nước thì liên tục thi trượt công chức, vậy theo ông điều này có đang đi ngược với chính sách không?

Ai cũng mong Nhà nước có chính sách thỏa đáng để có thể thu hút, chọn lựa được những người thực sự có tài, được đào tạo bài bản từ nước ngoài về nước cống hiến. Nhưng mặt khác, các bạn thí sinh, nhất là những bạn được đào tạo ở nước ngoài về, cũng nên nhìn nhận đúng để chọn ngành và vị trí phù hợp với sở trường của bản thân để ứng tuyển.

Trước đây, có lần tôi tiếp GS Thomas Vallely, là trưởng nhóm nghiên cứu của ĐH Harvard về giáo dục ĐH Việt Nam, nghe ông ấy trải lòng: “Các bạn ít nhất là nên học theo cách tuyển dụng nhân sự của Trung Quốc. Tại sao sinh viên Trung Quốc sau khi hoàn thành chương trình học ở các trường bên Mỹ rất ít ở lại nước ngoài để làm việc mà quay về nước họ? Bởi khi về nước thì các bạn ấy được xếp vị trí làm việc tốt, mức lương cao, kết nạp Đảng sớm.

Còn sinh viên Việt Nam thì học xong nhiều người chọn con đường ở lại nước ngoài. Tất nhiên có những người tài ở lại cống hiến thì tốt cho nước Mỹ chúng tôi thôi, nhưng tôi xót cho tiền của Việt Nam, cho thế hệ trẻ Việt Nam được đào tạo cẩn thận mà lại không về nước cống hiến.”

Ông ấy đã nói với tôi về việc cần quan tâm tới chính sách và tôi cho rằng nhận xét của một người ngoài cuộc như thế là rất công tâm.

Ông có cho rằng con số thí sinh không vượt qua được sát hạch khá lớn có một phần nguyên nhân từ chính các thí sinh khi họ chưa có sự chuẩn bị kỹ càng và chỉ đăng ký ứng tuyển vào công chức như một hướng đi thứ yếu?

Đó có thể là một nguyên nhân bởi các cử nhân xuất sắc có nhiều sự lựa chọn về nghề nghiệp. Nhưng tôi nghĩ dù sao khi đã ghi tên mình để thi vào một cơ quan thì thí sinh cũng phải tập trung học hành, thi cử, chứ không phải đăng ký cho có thêm sự lựa chọn để rồi dễ dàng bị trượt.

Vậy theo ông có nên tiếp tục các kỳ thi công chức?

Tôi nghĩ các vị trí việc làm đều phải thi tuyển, nhưng cần thi như thế nào cho hợp lý và làm sao chống được tiêu cực trong thi tuyển.

Mà những nạn đấy, đặc biệt là nạn con ông cháu cha thì thực ra chỉ cần thanh tra, kiểm tra là ra ngay thôi. Bởi nhiều cơ quan yết bảng thi tuyển vị trí nào với điều kiện nào thực ra đã nhằm vào ai đó rồi, nội bộ cơ quan đều biết cả. Không khó khăn gì để biết nhưng vấn đề cốt lõi ở đây là người ta có muốn biết hay không mà thôi. Cần phải làm nghiêm thì mới mong chấn chỉnh được, còn nếu biết mà vẫn tặc lưỡi cho qua thì tiêu cực vẫn mãi tiêu cực.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích