Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc tin họ có thể thiết lập bá quyền ở tiểu khu vực. Trung Quốc có một chiến lược biển chặt chẽ với hai hướng tiếp cận: hiện đại hóa và tái cấu trúc quân đội để cho phép triển khai sức mạnh hải quân, trong khi vẫn củng cố quan hệ kinh tế và ngoại giao với ASEAN. Tái cấu trúc quân đội đi đôi với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” vì cùng cần hải quân làm nhiệm vụ trên những vùng biển xa để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc. Đồng thời, một hải quân mạnh có thể giữ Mỹ tránh xa khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trung Quốc đang cải tạo 7 bãi cạn, đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa mà họ chiếm đóng trái phép, xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm đường băng trên 3 đảo nhân tạo, lắp đặt radar và tên lửa phòng không trên đó. Những bước đi của Trung Quốc nhằm quân sự hóa những đảo nhân tạo này khiến nhiều người dự đoán Bắc Kinh sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông giống như họ đã làm trên biển Hoa Đông.
Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển trước những nước láng giềng yếu thế. Nếu Trung Quốc hiện thực hóa “đường lưỡi bò”, một số nước ASEAN sẽ mất phần lớn diện tích vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hiện nay của họ. Philippines và Malaysia sẽ mất khoảng 80% vùng đặc quyền kinh tế của họ, Việt Nam mất khoảng 50%, Brunei mất khoảng 90%, Indonesia mất khoảng 30%, các chuyên gia nhận định.
Dụ dỗ ASEAN
Mũi thứ hai trong chiến lược của Trung Quốc là ngăn chặn bất kỳ phản ứng không có lợi nào cho họ từ phía ASEAN, trong khi Bắc Kinh đang tranh chấp với 4 thành viên của khối trên Biển Đông. Chiến lược của Trung Quốc là gắn lợi ích của ASEAN vào hàng loạt quan hệ hợp tác kinh tế và quốc phòng, đồng thời khăng khăng cho rằng, việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo nên theo con đường song phương.
Để tăng cường quan hệ với ASEAN, vào tháng 10/2015, Trung Quốc tổ chức Hội nghị không chính thức các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - Trung Quốc tại Bắc Kinh, nơi Trung Quốc đề xuất tổ chức huấn luyện chung cho Bộ quy tắc các tình huống va chạm không cảnh báo trên biển và lập một cơ chế giải quyết tranh chấp châu Á mà không có sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài.
Dù có tranh chấp, Malaysia vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN kể từ năm 2008. Hai nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương lại lên 160 tỷ USD vào năm 2017. Tương tự, Philippines mở rộng quan hệ với Trung Quốc, rồi tham gia sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra từ năm 2013. Manila cũng vừa quyết định tham gia Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á do Bắc Kinh khởi xướng. Nhưng những kết quả này cũng có giá của nó, giới quan sát nhận định. ASEAN hai lần không đưa ra tuyên bố chung về sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc có vẻ đang đối phó được với ảnh hưởng của Mỹ ở ASEAN.
Trung Quốc vẫn không hề bị ngăn chặn sau vụ Mỹ đưa tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen tiến gần một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông vào tháng 10 năm ngoái nhằm thách thức yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh. Theo các chuyên gia pháp lý, chuyến đi của tàu chiến này không phải để “răn đe”, cũng không phải “thách thức”, mà chỉ được coi là sự “đi qua vô hại” theo Điều 17 trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Sau đó, phía Mỹ cũng không có động thái gì thực chất hơn, quyết liệt hơn. Chuyến bay của hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ phía trên đảo nhân tạo cũng không thực chất.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục phát triển năng lực hàng hải của họ mà không vấp phải trở ngại nào. Theo giới phân tích, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc là lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới, lớn hơn lực lượng của Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines cộng lại. Bắc Kinh có kế hoạch triển khai một tàu hải cảnh trọng tải 10.000 tấn và 40 chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056. Năm 2014, Trung Quốc có 15 tàu khu trục Type 054 và có kế hoạch sản xuất 50 chiếc tàu khu trục đời mới hơn.
Tháng 11/2015, ông Tập thông báo kế hoạch tái cấu trúc quân đội nhằm đưa đội quân lớn nhất thế giới phát triển tương ứng với quân đội của Mỹ. Hải quân Trung Quốc và sự phô trương sức mạnh hải quân của họ là công cụ để thực hiện sự kiểm soát ở Biển Đông. Trung Quốc đang thúc đẩy sức mạnh hải quân vượt trội trong khi vẫn lôi kéo ASEAN để ngăn Mỹ can thiệp. Chiến lược hai gọng kìm của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ ngày càng khó gây sức ép hay ngăn cản họ tăng cường kiểm soát Biển Đông, các nhà phân tích nhận định.
Theo Tiền Phong