Theo báo cáo, con số thiệt hại ban đầu do tình trạng cá chết vì sự cố môi trường biển gây ra với tỉnh Thừa Thiên-Huế khoảng 135 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thiệt hại từ số tàu thuyền bị ảnh hưởng là 2.939 chiếc với 6.212 hộ, 30.450 khẩu bị ảnh hưởng. Ngoài việc đánh bắt trên biển bị ngừng trệ, số lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại 1.240 lồng với sản lượng 136.608kg cá nuôi. Riêng về môi trường, thiệt hại về lâu dài cần có quá trình đánh giá của các nhà khoa học để có biện pháp khắc phục.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng đánh giá thiệt hại cùng ý kiến của nhiều thành viên Hội đồng cho rằng việc tổng hợp và đánh giá mức độ thiệt hại sự cố môi trường biển có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Vì vậy, để đảm bảo tính chính xác, khoa học cần phải xây dựng đề cương, phương án tổng thể và phân định từng nội dung tổng hợp, đánh giá mức độ thiệt hại theo từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền của sở, ngành quản lý; các địa phương chịu trách nhiệm cung cấp số liệu đầu vào cho việc tổng hợp, đánh giá.
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế họp triển khai nhiệm vụ của Hội đồng đánh giá thiệt hại sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh (ảnh: Công thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) |
Hội đồng này đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm xây dựng đề cương và phương án tổng thể đánh giá mức độ thiệt hại sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh. Chậm nhất đến giữa tháng 7 này phải có đề cương tổng thể để các sở, ngành phối hợp với các địa phương tiến hành tổng hợp, đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất giải pháp khắc phục.
Ông Phương cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lấy mẫu quan trắc môi trường nước ven biển, kể cả vùng cửa biển và đầm phá; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu để tham mưu cơ cấu lại nghề cá, đề xuất giải pháp kết hợp các chính sách hỗ trợ để phát triển đánh bắt xa bờ; các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung đối tượng bị ảnh hưởng để thực hiện việc hỗ trợ theo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đảm bảo chính xác, công bằng và công khai.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế sau khi xảy ra tình hình cá chết đầu tháng 5/2016 đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện một số giải pháp trước mắt như tổ chức tuyên truyền để người dân yên tâm, không hoang mang; hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển xa và cá trong vùng đầm phá; tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng một cách kịp thời để sớm giúp người dân ổn định cuộc sống. Tỉnh đã tiếp nhận 800 tấn gạo từ Trung ương và 15,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và đã phân phối hỗ trợ gạo, tiền kịp thời đến 100% người dân đúng đối tượng. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận nhiều nguồn ủng hộ, đóng góp từ Trung ương, của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên điạ bàn tỉnh với tổng số tiền 8,551 tỷ đồng và 25 tấn gạo, tổ chức phân phối đến người dân kịp thời, đúng đối tượng. |
Theo Dân Trí