Thản nhiên gây tội ác, giết chết một dòng sông!

Thứ tư, 06/07/2016, 08:17
Sông Cẩm Đàn chảy qua địa phận huyện Sơn Động (Bắc Giang) bị Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường đầu độc suốt nhiều năm nay bằng việc xả chất thải tuyển và luyện đồng trực tiếp. Tội ác với dòng sông này diễn ra ngay cạnh Quốc lộ 31, cách UBND huyện Sơn Động chưa đến 10km.

Tội ác với dòng sông

Từ lời kêu cứu của bạn đọc, sáng sớm ngày 5/7/2016, PV  đã vượt qua hơn 100km “đột kích” điểm xả thải của Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (Công ty Á Cường) ra sông Cẩm Đàn tại xã Cẩm Đàn - Sơn Động (Bắc Giang). Với suy nghĩ hành vi gây tội ác với dòng sông này sẽ được những kẻ vô lương tâm che giấu rất tinh vi nhưng khi có mặt tại hiện trường sự việc, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi việc xả thứ nước thải đục như nước gạo trực tiếp ra dòng sông diễn ra một cách công khai ngay sát quốc lộ 31 trên đường lên thị trấn An Châu, thủ phủ của huyện Sơn Động. Bất cứ ai, kể cả các vị lãnh đạo huyện Sơn Động khi đi qua nhà máy tuyển đồng của Công ty Á Cường đều phải chứng kiến cảnh dòng sông Cẩm Đàn quằn quại bởi thứ nước thải nhờn đục bị tống xuống trực tiếp.

Nhà máy tuyển và luyện đồng của Công ty Á Cường đầu độc sông Cẩm Đàn bằng thứ nước thải nhờn đục.

Đoạn đường ống chứa nước xả thải của Cty Á Cường dài khoảng 30m, nằm sát mép nước (thời điểm này mực nước đang thấp) và đang chảy trực tiếp ra sông Cẩm Đàn. Tại miệng ống đổ xuống dòng sông, nước thải có màu trắng đục, khu vực đất xung quanh miệng cống có màu trắng xám và có mùi nồng khó chịu.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, Công ty Á Cường (trước đây là Công ty TNHH Tam Cường) có trụ sở tại xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang; hoạt động theo GCNĐT số 20121000049 chứng nhận lần đầu ngày 21/11/2007, chứng nhận thay đổi lần hai ngày 19/12/2012 do UBND tỉnh Bắc Giang cấp; GCN đăng ký hoạt động Doanh nghiệp đăng ký lần đầu ngày 15/02/1996, đăng ký thay đổi lần thứ 20 ngày 17/9/2012 do Sở KHĐT TP.Hà Nội cấp.

Chỉ tính từ năm 2014 trở lại đây, Công ty Á Cường đã bị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang nhiều lần lập Biên bản và xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng vì hành vi xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra sông Cẩm Đàn. Nhưng cơ quan chức năng cứ xử phạt, công ty này vẫn quyết liệt đầu độc dòng sông.

Cụ thể, vào ngày 25/5/2014, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã ban hành thông báo số 35/TB-TNMT về kết quả kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với Cty Á Cường. Theo đó, Công ty này vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật tại 05 địa điểm hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện Sơn Động (khai thác quặng đồng tại khu mỏ Đồng Bưa và khu mỏ Khuôn Mười; khai thác than tại mỏ Đồng Tàn; hai khu vực chế biến quặng là xưởng tuyển Á Cường và Nhà máy tuyển và luyện đồng Á Cường).

Đó là chưa lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định; chưa lập đề án cải tạo phục hồi môi trường; chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước; xả thải vượt quy chuẩn môi trường cho phép từ 05 đến 10 lần…

Tiếp theo, ngày 12/5/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Cty Á Cường với số tiền là 210 triệu đồng về hành vi xả thải (có nhiều hóa chất vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải) tại nhà máy tuyển và luyện đồng công suất 1000 tấn/ năm. Vi phạm quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 13, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đồng thời buộc Cty Á Cường chấm dứt và khắc phục ngay vi phạm, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo nội dung đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1853/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 xong trước ngày 30/7/2015. Báo cáo bằng Văn bản kết quả khắc phục gửi về Sở TN&MT, UBND huyện Sơn Động, UBND xã Cẩm Đàn trước ngày 05/8/2015.

Chính quyền cứ phạt, chất độc cứ thải và dòng sông chết mòn

Mới đây nhất, ngày 26/6/2016, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang dẫn đầu phối hợp với phòng PC49 công an tỉnh; UBND huyện Sơn Động; UBND xã Cẩm Đàn đã tiến hành kiểm tra thực tế việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty và phát hiện ra nước thải ra có chứa bùn và có màu đục sẫm không được xử lý theo quy định và xả thải trực tiếp ra sông Cẩm Đàn.

PV có mặt tại khu vực xả thải ngay sát Quốc lộ 31, trên đường lên thị trấn An Châu, thủ phủ huyện Sơn Động.

Còn theo báo cáo của UBND xã Cẩm Đàn thì vào hồi 16h15 ngày 25/6/2016 qua quá trình khảo sát phối hợp với phòng TN&MT huyện Sơn Động phát hiện hai cơ sở của Cty Á Cường là Nhà máy tuyển và luyện đồng công suất 1000 tấn/ năm và xưởng tuyển Á Cường xử nước thải trực tiếp ra sông Cẩm Đàn chưa được thu gom, xử lý theo quy định gây phản ánh trong nhân dân trên địa bàn.

Đoàn đã yêu cầu Cty Á Cường phải dừng ngay hoạt động xả nước thải có chứa bùn thải chưa được thu gom, xử lý theo quy định ra ngoài môi trường. Chỉ được phép xả nước thải ra ngoài môi trường sau khi có biện pháp thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường cho phép; đồng thời yêu cầu lập phương án, kế hoạch khắc phục tình trạng xử lý nước thải chưa được thu gom, xử lý trực tiếp ra ngoài môi trường và biện pháp nạo vét bùn thải lắng đọng trên sông Cẩm Đàn do nước thải của Công ty gây ra về sở TNMT, UBND huyện Sơn Động, UBND xã Cẩm Đàn xong trước ngày 28/6/2016.

Làm việc với PV Dân trí, ông Đinh Quang Hiệp - Trưởng Công an huyện Sơn Động cho biết: Công ty Á Cường đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng lập Biên bản và xử phạt hành chính vì hành vi xả nước thải trực tiếp không qua xử lý ra sông Cẩm Đàn. Không chỉ các cơ quan chức năng cấp tỉnh mà các cơ quan Trung ương như Bộ TN&MT, Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an cũng đã kiểm tra xử phạt nhưng Công ty này một mặt vẫn nộp phạt nhưng mặt khác vẫn ngang nhiên xả thải ra sông Cẩm Đàn.

Dư luận bức xúc đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi bất lực trước một hành vi tội ác như vậy. Chúng tôi xin nhắc lại địa điểm Công ty Á Cường xả chất thải tuyển luyện đồng trực tiếp xuống dòng sông chỉ cách UBND huyện Sơn Động chưa đến 10km.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn