Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu UBND hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang kiểm tra, làm rõ thông tin phản ánh về "khuất tất" trong chi tiền hỗ trợ hạn hán, xâm nhập mặn cho người dân.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, sau khi có thông tin phản ánh, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh và xử lý ngay những sai sót. Tỉnh đã có văn bản báo cáo gửi Thủ tướng.
Hạn hán, xâm nhập mặn trong những tháng đầu năm khiến cho hàng nghìn héc ta lúa và tôm nuôi ở Cà Mau bị thiệt hại. |
UBND tỉnh thừa nhận một số hộ dân ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh có diện tích lúa bị thiệt hại, nhưng không được xét hỗ trợ. Nguyên nhân do điều tra không chặt chẽ, bỏ sót người được thụ hưởng. Các đơn vị không kịp thời báo cáo bổ sung hộ dân bị thiệt hại.
Hiện tượng chính quyền xã chỉ chi 50% số tiền được hỗ trợ, số còn lại không rõ. Bảng chi tiền hỗ trợ cho dân thấp hơn bản gửi UBND huyện xét duyệt. Việc này được lý giải do khi thống kê thiệt hại còn bỏ sót nhiều hộ dân nên để có kinh phí chi hỗ trợ cho những hộ này, xã Khánh Lâm tự ý cắt giảm 50% tiền những người có tên trong dánh sách, chi cho các hộ bị bỏ sót.
"Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm đối với cán bộ ở các xã để xảy ra sai sót. Các địa phương tiếp tục kiểm tra, đánh giá chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để chi hỗ trợ cho người dân khôi phục sản xuất sau thiên tai", Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Văn Quân nói.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang cũng thừa nhận, nhiều địa phương trong tỉnh có sai phạm trong việc chi tiền hỗ trợ hạn mặn cho nông dân.
Trong đợt thiên tai mùa vừa qua, toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 86.000 ha lúa bị thiệt hại do nắng hạn và nhiễm mặn, thiệt hại khoảng 2.350 tỷ đồng, với 32.481 hộ nông dân bị ảnh hưởng. Còn tại Cà Mau có hơn 52.000ha diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, tương đương 260 tỷ đồng. Riêng diện tích lúa trên 50.000ha.
Theo VNE