Nhậu đêm ở quán xá là nét văn hóa của người TP.HCM, nhưng tiềm ẩn nhiều bất ổn. |
Hiện nay, bất kỳ quận, huyện nào của TP.HCM cũng có quán nhậu phục vụ thượng đế bất kể giờ giấc. Đường Hoàng Sa, Trường Sa, dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đường Bùi Viện quận 1, đường Nơ Trang Long quận Phú Nhuận… càng khuya càng náo nhiệt. Các quán nhậu mọc lên san sát, quán nào cũng cho nhân viên ra đứng giữa đường để chào mời, chèo kéo khách.
Nhiều thanh niên xăm trổ đầy mình mặc quần ngắn, áo thun đứng giữa làn xe máy sẵn sàng nhảy ra chặn đầu xe người đi đường mời vào uống bia. Lê Ngọc Long, nghệ sĩ đường phố hát phục vụ nhiều quán nhậu để bán kẹo kéo, nói: “Không ít người đi xe gắn máy vì tránh nhân viên quán nhậu mời mọc sỗ sàng mà gây tai nạn, thương tích”.
Chuyện ghi dọc phố nhậu
Thời khắc chuyển sang ngày mới của những ngày cuối tuần, dọc các quán nhậu ven đại lộ Phạm Văn Đồng, đoạn kéo dài từ quận Bình Thạnh đến quận Thủ Đức vẫn rôm rả, đông nghịt người cụng ly “Zô! Zô!”.
Theo ghi nhận của PV, từ khi tuyến đường Phạm Văn Đồng được thông xe vào tháng 10/2015, nối vùng ven giáp Bình Dương với sân bay Tân Sơn Nhất, dọc 2 bên mọc lên hàng loạt quán nhậu đủ kiểu, từ sang trọng đến bình dân.
Cứ tầm 17 giờ chiều hằng ngày, quán xá lần lượt bày biện, bắt đầu cho những chầu nhậu bí tỉ của những “đệ tử Lưu Linh” đến tầm 2-3 giờ sáng hôm sau. Anh Võ Ngọc Phương, nhà ở đường Cây Trâm, quận Gò Vấp, kể: “Có lúc nửa đêm, dân ở đây náo loạn bởi các nhóm thanh niên ăn nhậu ở các hàng quán mâu thuẫn rồi ẩu đả, rượt đuổi nhau”.
Khoảng 21 giờ tối 23/6, chúng tôi ngồi tại quán L.T.Q ở đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp. Bàn bên cạnh có hai thanh niên uống từ chiều, đến lúc 21 giờ thì đã ngà ngà say. Một trong hai vị khách tỏ ra khó chịu, liên tục kiếm cớ chửi bới, xỉa xói các nữ tiếp viên của quán khiến họ ngồi cách xa hơn chục mét, không dám đến gần. Sau đó, vị khách này ném một chén ăn về phía quầy tiếp tân, gây náo loạn quán.
Khoảng 1 giờ 20 phút rạng sáng 24/5, chúng tôi có mặt tại một tụ điểm nhậu lề đường Bùi Viện. Ngồi cạnh chúng tôi là nhóm ba nam, hai nữ tóc nhuộm xanh, đỏ, trạc 20 tuổi. Qua câu chuyện của họ, có thể hiểu là, họ ngồi đây để lai rai, lấy khí thế để tầm hai giờ sáng bước vào một quán bar nào đó. Chúng tôi hỏi chị chủ quán: “Buôn bán đến sáng, vậy chính quyền địa phương có “xử” không”? Chị đáp: “Thi thoảng cũng có đoàn của phường đi dọn, nhưng sau đó đâu lại vào đó thôi”.
Tai nạn, ẩu đả, án mạng
Gần 12 giờ đêm 1/6, sau chầu nhậu cùng nhóm bạn, L.P.Hải (SN 1993) điều khiển xe máy chạy bạt mạng trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức để về nhà. Không làm chủ được tay lái, Hải tông vào xe máy khác khiến cả 2 ngã xuống đường, bị thương nặng, được đưa vào Bệnh viện Quân dân Miền Đông (quận 9) cấp cứu. Tuy nhiên, Hải không chịu làm theo lời các y bác sĩ mà liên tục chống đối, gây khó khăn cho công tác chẩn đoán, điều trị.
Bác sĩ Phạm Trí Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết, tại đây ngày nào cũng có người nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu bia, tai nạn giao thông hoặc ẩu đả. Nhiều bệnh nhân say xỉn nên không cảm giác được chỗ bị thương, bị đau, không tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, thậm chí chửi bới, quậy phá… Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Vụ Pháp chế Bộ Y tế nói rằng, các kết quả vừa được Viện Pháp y Quốc gia công bố cho thấy, xét nghiệm 500 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông thì 34% có cồn trong máu.
Mới đây, một nhóm 3 sinh viên đại học tại TP.HCM trong lúc nhậu say xảy ra cự cãi, đánh nhau khiến một người tử vong. Sinh viên Nguyễn Tiến Thành (SN 1989, quê Hà Nam) khai rằng, đêm 25/5, cùng hai người bạn là Trần Hữu Nghị (SN 1995) và Đào Ngọc Thỏa (SN 1988, cùng quê Gia Lai) ngồi nhậu ở quán bia hơi trên đường số 17 (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) thì thấy anh Đặng Quốc Thoại (SN 1985, quê Bình Dương) và ông N.T.P (SN 1973, quê An Giang) ngồi ở bàn kế bên nên sang làm quen, rủ qua nhậu chung. Tại chầu nhậu “tăng hai”, Nghị ra xe về thì Thoại chạy ra giật chìa khóa, đánh vào ngực không cho đi. Thành lao ra bênh bạn và đánh Thoại bất tỉnh. Hoảng sợ, cả 3 sinh viên bỏ chạy. Sáng hôm sau mới biết anh Thoại đã tử vong. Sau đó, cả 3 sinh viên bị công an bắt.
Tại cuộc họp mới đây, đại tá Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM, kiến nghị siết kinh doanh ăn nhậu. Theo ông, tội phạm cướp giật tài sản trong 6 tháng đầu năm giảm, nhưng số vụ giết người lại tăng. “Đây không phải do các băng nhóm có tổ chức gây ra mà có tới 70-80% là do mâu thuẫn cá nhân, đặc biệt là lúc nhậu nhẹt”, đại tá Tài nói. Theo trung tá Hoàng Đức Mạnh (ĐH Cảnh sát nhân dân), mỗi năm, cả nước xảy ra khoảng 1.160 vụ án giết người do nguyên nhân xã hội, chiếm 2,2% tổng số vụ phạm pháp hình sự.
Nguyên nhân xã hội thường có 2 loại: mâu thuẫn thù tức và côn đồ càn quấy. Trung tá Mạnh lý giải, các mâu thuẫn nảy sinh nếu không được giải quyết sẽ tích tụ, dồn nén tạo nên sự ức chế về tâm lý. “Những ức chế tâm lý, về nguyên lý, sẽ không mất đi mà sẽ bộc lộ ra ngoài bằng nhiều hành vi khác nhau.
Khi ức chế càng nhiều, cảm xúc càng mạnh, lý trí con người sẽ bị lấn át và hành động sẽ khó bị kiểm soát bởi ý thức, thậm chí do vô thức điều khiển, nhất là khi có rượu bia trong người”, trung tá Mạnh phân tích. Theo ông, có nhiều vụ việc xuất phát từ ăn nhậu, mâu thuẫn bột phát, dẫn đến đánh nhau, đâm nhau. Nhiều trường hợp, thủ phạm và nạn nhân là bạn bè thân thiết. Theo đại tá Tài, các vụ giết người do mâu thuẫn bột phát tại quán nhậu thường xảy ra vào buổi đêm, từ 0 giờ đến 3-4 giờ sáng.
Đại tá Nguyễn Minh Thông, Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM, nói rằng, hiện nay, nhiều thanh niên thức nguyên đêm “đánh bóng mặt đường” hoặc “Zô! Zô!” trong các quán nhậu, quán bar… “Công tác giáo dục, quản lý con em trong gia đình hiện nay có vấn đề”, đại tá Thông nói.
Một thống kê mới đây của Đại học Sư phạm TP.HCM cho thấy, đối tượng sử dụng rượu bia tại Việt Nam đang trẻ hóa. Cụ thể, 1/3 số người uống rượu, bia bắt đầu từ trước tuổi 20. Tỷ lệ có uống rượu trong độ tuổi 14-17 là 34% và trong độ tuổi 18-21 tuổi là 57%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, hơn 33% vụ hiếp dâm phụ nữ và tạo ra 60 loại bệnh khác nhau liên quan thói quen sử dụng rượu bia.
Sẽ áp “giờ giới nghiêm”?
Theo đại tá Trần Đức Tài, việc mở quán nhậu tại TP.HCM quá dễ, ở những quán bình dân, vỉa hè, nhiều người đến nhậu là đối tượng xấu, thành viên băng nhóm tụ tập, gây rối. Do đó, sắp tới, Công an TP.HCM sẽ cử đoàn công tác ra Hà Nội và một số địa phương khác để nghiên cứu cách thức quản lý kinh doanh quán ăn uống ban đêm để tham mưu cho UBND TP.HCM xem xét tổ chức ăn nhậu về đêm vào khung thời gian, khu vực phù hợp nhất.
Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn (Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm) băn khoăn: “TP.HCM chưa chắc đã áp dụng mô hình quản lý từ thành phố Hà Nội, Đà Nẵng… hiệu quả vì mỗi địa phương khác nhau về phong tục, tập quán, văn hóa… Do đó, cần phải rà soát, nghiên cứu lại ngành nghề này nhằm đưa ra phương án thuyết phục để người dân đồng tình”.
Theo ông Thìn, việc cấm là không thể, nhưng làm thế nào để vẫn đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, vẫn đảm bảo an ninh trật tự. “Ở đây, về mặt quản lý nhà nước ở từng địa phương là cực kỳ quan trọng, từ việc cấp giấy phép, kiểm tra các điều kiện đến kiểm tra, giám sát. Nếu chúng ta làm tốt các công tác này thì sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng mất an ninh trật tự tại các quán nhậu”, ông Thìn nói.
Cấp cứu người ngộ độc rượu. |
Theo luật sư Phạm Minh Tâm, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Minh Tâm, nếu buộc phải quy hoạch lại quán nhậu thì chỉ có thể quy hoạch lại địa bàn, cách bố trí nơi ăn nhậu, chứ không thể siết thời gian buôn bán. Ông Tâm nói rằng, Luật Doanh nghiệp không quy định giờ giấc kinh doanh, cơ quan chức năng không thể kiểm tra, xử phạt về giờ giấc. Theo ông, việc nhiều vụ giết người phát sinh từ quán nhậu vỉa hè là do lực lượng công an quản lý, giám sát chưa tốt.
Trong khi đó, TS Sơn Thanh Tùng, giảng viên khoa Đô thị học, Đại học KHXH&NV TP.HCM, nói: “Mặc dù uống rượu bia không phải là nguyên nhân duy nhất, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng các loại tội phạm và án mạng, nhất là về đêm. Vì vậy, theo tôi, hạn chế về thời gian kinh doanh quán nhậu là cần thiết, có thể giờ giới nghiêm là khoảng 22-23 giờ.
Để “giờ giới nghiêm” ăn nhậu không ảnh hưởng du lịch, TS Tùng gợi ý: “Đối với du khách, chúng ta vẫn duy trì hoạt động của các bar và họ có thể đến các bar mở cửa đến gần sáng. Đây cũng là nét văn hóa, thói quen của đa số du khách nước ngoài. Do đó, việc đóng cửa sớm các quán nhậu sẽ không ảnh hưởng đến doanh thu của ngành du lịch”.
Đại diện Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist nói rằng, việc siết các quán nhậu đêm không ảnh hưởng kích cầu du lịch bởi du khách đặt tour thông qua công ty đều phải tuân theo lịch trình, có kế hoạch và thời gian cụ thể, không có chương trình nào để khách nhậu quá khuya. Dẫu vậy, giới kinh doanh du lịch cũng lo lắng bởi TP.HCM còn có một lượng lớn du khách nước ngoài đến đây theo dạng “phượt”, du lịch tự túc. Họ có nhu cầu cao về giải trí, ăn nhậu đêm khuya.
Ông Lee Bung Chang, 37 tuổi, người Hàn Quốc, đang làm việc tại TP.HCM, nói: “Rất nhiều bạn bè của tôi từ Hàn Quốc sang đây du lịch đều thích thú với các phố nhậu đêm ở Sài Gòn. Chúng tôi hay ngồi ở khu phố Tây đến tận 1-2 giờ sáng. Ở Hàn Quốc cũng có phố ăn đêm, nhưng không tồn tại hầu khắp ngõ ngách như Sài Gòn, chúng tôi chỉ quy hoạch ở một vài nơi nên hạn chế đi lại nhiều”.
Theo Tiền Phong