Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 17/5 cho hay, Nghị sĩ Woo Won-shik, người đứng đầu nhóm Nghị sĩ của đảng Dân chủ cầm quyền tại Quốc hội Hàn Quốc, đã nêu khả năng gửi trả hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) về cho Mỹ.
Ông Woo Won-shik cho biết việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc cần phải được Quốc hội nước này thông qua.
“Chúng ta cần phải xem xét mọi vấn đề, kể cả khả năng gửi trả THAAD nếu việc này chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý tại Hàn Quốc”.
Seoul đang tiến thoái lưỡng nan với THAAD |
Đảng Dân chủ theo đường lối tự do vốn luôn kêu gọi ngừng lắp đặt THAAD và nhấn mạnh việc triển khai này cần phải được Quốc hội chấp thuận. Đảng chính trị này cho rằng chính phủ trước đây của Hàn Quốc chưa được sự đồng thuận từ phía công chúng liên quan đến quyết định này.
Mặc dù vậy, theo giới phân tích, việc lãnh đạo đảng cầm quyền Hàn Quốc nêu khả năng trả lại THAAD, khi Triều Tiên vừa mới phóng thử tên lửa và THAAD được cho là cũng đã nhận diện được tên lửa của Triều Tiên phóng đi, cho thấy vấn đề không hẳn liên quan đến thủ tục pháp lý, mà phía sau đó có thể có nhiều mục đích khác của Seoul.
Thứ nhất, Hàn Quốc không muốn vì THAAD mà phải đánh đổi nhiều lợi ích khác lớn hơn với Mỹ. Cuộc tranh cãi về việc triển khai THAAD đã gia tăng trong thời gian qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi Seoul phải trả 1 tỷ USD cho việc lắp đặt THAAD.
Seuol lập luận rằng theo thỏa thuận song phương thì Washington phải chịu trách nhiệm tài chính về việc triển khai, vận hành và bảo dưỡng THAAD, còn Seoul chỉ chịu trách nhiệm cung cấp mặt bằng để lắp đặt THAAD.
Cho dù cuối cùng thì Washington đã chấp nhận thanh toán chi phí 1 tỷ USD cho việc lắp đặt THAAD tại Hàn Quốc, song theo giới phân tích thì việc chấp nhận dường như mang tính miễn cưỡng với Washington và người Mỹ được cho là sẽ lấy lại số tiền đó bằng cách khác.
Tổng thống Trump từng đòi Hàn Quốc trả 1 tỷ USD cho THAAD |
Việc chính quyền Trump đề nghị thương lượng lại Hiệp định thương mại tự do (FTA) Mỹ - Hàn ngay sau khi Seoul từ chối thanh toán 1 tỷ USD cho THAAD cho thấy Washington đã bắt đầu tìm cách lấy lại nhiều tỷ USD khác từ xứ sở kim chi.
Do vậy, nếu không được sự đồng thuận xã hội, không hoàn tất thủ tục pháp lý thì việc trả lại THAAD là một lựa chọn tốt nhất của Seoul, tránh những thiệt hại không thể đo đếm được cho dất nước Hàn Quốc.
Thứ hai, việc lắp đặt THAAD đã khiến Hàn Quốc phải gánh chịu thiệt hại quá lớn khi Trung Quốc có hành động trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể kinh tế Hàn Quốc đang hoạt động tại Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc với gần 30% hàng xuất khẩu vào thị trường này, lợi ích kinh tế từ Trung Quốc chiếm tới gấn 15% GDP của Hàn Quốc, theo Oxford Economics.
Do vậy, khi Bắc Kinh tạo ra những bất lợi, khiến kinh tế Hàn Quốc phải trả giá rất đắt cho quyết định của Seoul về THAAD.
Trung Quốc trả đũa vì THAAD, gây hậu quả rất lớn cho kinh tế Hàn Quốc |
Trong khi thiệt hại thì chỉ mình Hàn Quốc gánh chịu, kinh tế Mỹ không bị ảnh hưởng trong trường hợp này, vậy mà chính quyền Trump còn đòi thưởng thảo lại FTA Mỹ - Hàn, điều đó cho thấy chỉ vì THAAD mà Seoul mất cả chì lẫn chài.
Không những vậy, theo giới phân tích, không loại trừ khả năng chỉ vì THAAD làm gia tăng xung đột tại vùng Đông Bắc Á mà Washington bắt tay với Bắc Kinh, đưa Seoul vào vòng xoáy của ngoại giao nước lớn với nhiều hệ luỵ và phụ thuộc.
Phải chăng chọn không có THAAD sẽ giúp Hàn Quốc độc lập hơn, chủ động hơn trong ứng xử và hành xử của mình – không chịu ơn Washington nên giảm phụ thuộc vào Mỹ, không gấy bất bình cho Bắc Kinh nên tránh được trả đũa của Trung Quốc?
Thứ ba, Seoul muốn cùng Bình Nhưỡng giải quyết bất ổn trên bán đảo Triều Tiên mà THAAD là một rào cản. Bình Nhưỡng lên án Washington và Seoul về THAAD và không loại trừ Kim Jong-un sẽ chĩa hướng tên lửa về Nam Hàn để thử công hiệu của THAAD.
Trước nguy cơ đó Washington sẽ làm gì thì có lẽ không khó đoán biết, sau khi Nhà Trắng “hạ giọng” trước việc Kim Jong-un phóng thử tên lửa ngày 14/5 vừa qua. Đó có thể được xem như một lời cảnh báo với đồng minh về những hệ lụỵ khi Washington phật lòng.
Thực tế đó cho thấy, việc THAAD hiện diện tại xứ Nam Hàn cũng đã trở thành cơ hôi cho Bình Nhưỡng và Washington dồn ép Seoul theo những toan tính riêng của họ.
Kim Jong-un có thể xem THAAD là cái cớ để dồn ép Seoul phải nhượng bộ |
Như vậy, cơ hội kết nối trực tiếp với Bình Nhưỡng giảm đi chỉ vì THAAD và nếu có kết nối được thì vấn đề THAAD cũng sẽ được Bình Nhưỡng nêu ra như một điều kiện tiên quyết buộc Seoul phải có những nhượng bộ.
Khi Seoul nhượng bộ Bình Nhưỡng thì gặp ngay trở ngại từ Washington, bởi người Mỹ bỏ tiền và chịu trách nhiệm vận hành THAAD nhằm bảo vệ cho Hàn Quốc. Nghĩa là Seoul gần như không thể làm gì, dù THAAD nằm trên đất Hàn Quốc.
Có thế thấy rằng, việc lắp đặt THAAD gần như đã hoàn tất, việc tháo dỡ và trả về cho Mỹ là không hề dễ dàng và hậu quả cũng sẽ không nhỏ, ngoại trừ Quốc hội Hàn Quốc có quyết định phản đối việc này.
Điều đó chứng tỏ Seoul đang ở thế tiến thoái lưỡng nan với THAAD và qua đây đã cho thấy di sản mà chính quyền cựu Tổng thống Park Geun-hee để lại cho người kế nhiệm có rất nhiều trái đắng, trong đó có cả trái đắng từ đồng minh chiến lược của mình.
Theo Đất Việt