|
Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang ở Trung Quốc trong một lần xả nước năm 2016. Đây là đập thủy điện lớn nhất thế giới - Ảnh: AFP |
Tác giả Eugene K. Chow, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhận định: “Với hơn 87.000 con đập và quyền kiểm soát cao nguyên Tây Tạng - thượng nguồn của 10 con sông lớn nuôi sống 2 tỉ người, Trung Quốc đang sở hữu một loại vũ khí hủy diệt.
Chỉ với một cái gạt cần, họ có thể giải phóng hàng trăm triệu khối nước từ các con đập khổng lồ, gây ra những trận lụt khủng khiếp đủ sức định hình lại toàn bộ hệ thống sinh thái ở các nước hạ nguồn”.
Tốc độ xây dựng kinh hoàng
Dãy núi Himalaya vốn được mệnh danh là “Tháp nước của châu Á” do 7 con sông lớn nhất châu lục đều bắt nguồn từ đây, trong đó bao gồm sông Mekong, sông Hằng, sông Ấn, sông Irrawaddy và sông Trường Giang.
Tất cả những con sông vĩ đại trên đều khởi nguồn từ những giọt nước nhỏ tan chảy từ băng trên cao nguyên Tây Tạng.
Nhằm thỏa mãn nhu cầu về điện và thoát khỏi sự lệ thuộc vào than, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng đập một cách ồ ạt suốt thời gian dài.
Năm 1949, Trung Quốc có chưa tới 40 đập thủy điện nhỏ, nhưng bây giờ số đập quốc gia này có còn nhiều hơn Mỹ, Brazil và Canada cộng lại.
Chỉ tính riêng thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã cho xây 7 con đập khổng lồ và tiếp tục lên kế hoạch xây thêm 21 công trình khác. Chỉ một trong những con đập mới nhất này sản xuất ra điện còn nhiều hơn số đập của Thái Lan và Việt Nam cộng lại.
Hoạt động xây dựng kinh hoàng của Trung Quốc đã gây ra những tác động môi trường ngoài sức tưởng tượng, gây không ít lo lắng cho các quốc gia dưới hạ nguồn.
“Ngoài các vấn đề môi trường, những con đập ở Tây Tạng có thể là thảm họa cho Ấn Độ. Chúng có thể giải phóng cơn thịnh nộ trong các trận động đất, tai nạn hoặc thậm chí do một tác động cố tình nào đó” - ông Milap Chandra Sharma, nhà nghiên cứu băng hà thuộc Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi), nhận xét.
Nỗi lo của ông Sharma không phải không có cơ sở. Trong quá khứ, Ấn Độ từng lên án những lần xả đập bất thình lình từ Trung Quốc vốn gây ra những trận lũ quét, trong đó có một lần gây thiệt hại đến 30 triệu USD và khiến 50.000 người ở Đông Bắc Ấn mất nhà cửa.
Cứ mỗi năm, khi vào mùa mưa ở Trung Quốc, các quốc gia dưới hạ nguồn luôn phải cảnh giác chuyện Trung Quốc xả đập, thường ít khi đi kèm cảnh báo sớm.
“Một con đập xả nước sẽ tạo ra hiệu ứng domino đối với toàn hệ thống và có thể gây ra thiệt hại rất lớn” - ông Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), giải thích.
Sức mạnh mặc cả
Không chỉ gây lũ lụt, các con đập Trung Quốc còn bị cho là nguyên nhân gây ra hạn hán. Năm ngoái, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc xả nước từ đập Vân Nam trên sông Mekong để giải tỏa tình trạng thiếu nước trầm trọng dưới hạ nguồn.
"Lũ và hạn hán không chỉ khẳng định tác động môi trường của các con đập Trung Quốc, đó còn là lời nhắc nhở về sức ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng phía Nam. Những con sông đó là nền tảng cho sự sống ở Nam Á, cung cấp nước uống, tưới tiêu, môi trường sống cho cá và hoạt động vận tải thương mại”. Chuyên gia Eugene K. Chow |
“Với việc kiểm soát dòng chảy sự sống của khu vực, Trung Quốc có trong tay một sức mạnh khổng lồ” - ông Eugene kết luận.
Đồng tình với quan điểm này, ông Tanasak Phosrikun - nhà hoạt động vì sông Mekong ở Thái Lan bổ sung thêm: “Khi đụng đến ngoại giao, Trung Quốc dùng các con sông như một con bài mặc cả”.
Trên thực tế, Trung Quốc luôn bác bỏ các cáo buộc chống lại họ.
Năm ngoái, phản ứng lại làn sóng giận dữ ở Ấn Độ vì các con đập ở Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn cầu của nước này viết: “Quan hệ Trung - Ấn không nên bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh nước tưởng tượng (!)”.
“Thẳng thắn mà nói, Ấn Độ không cần phải phản ứng thái quá vì các dự án đập (ở Trung Quốc), vốn được xây chỉ với mục đích phát triển và khai thác nguồn nước” - tờ báo đảng của Trung Quốc bào chữa.
Trong khi đó theo báo Hindustan Times của Ấn Độ, dù Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của “chiến tranh nước”, nước này lại từ chối chia sẻ dữ liệu thủy văn với Ấn Độ trong năm nay dù hai nước đã ký một thỏa thuận về chuyện này.
Dữ liệu này rất quan trọng đối với Ấn Độ trong mùa gió mùa, nó giúp dự báo chính xác hơn về các trận lũ để giảm thiệt hại về tài sản và con người.
Theo TTO