Xung quanh những xôn xao vụ nữ sinh tố bác sĩ sờ ngực khi khám, ngày 6/9, trao đổi với báo Đất Việt, ông Trần Đức Ngọc, hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Hải Phòng) cho rằng, ông rất hiểu và chia sẻ sự bức xúc của các em học sinh trong sự việc vì các em chưa hiểu chuyên môn ngành y.
"Sau kết thúc khai giảng hôm 5/9, nhà trường đã có buổi làm việc về vấn đề này. Tại buổi làm việc này, chúng tôi cũng cho 2 nữ sinh trình bày thoải mái theo đúng suy nghĩ của các em. Khi chúng tôi hỏi 2 em nữ sinh về việc khi đặt ống nghe vào ngực đo nhịp tim, tay bác sĩ có chạm vào ngực không thì các em đều trả lời là không", ông Ngọc nói.
Theo ông Ngọc, sau buổi làm việc đó, tất cả mọi người đều thống nhất bác sĩ L thực hiện khám bệnh cho học sinh trong trường đúng quy trình, nội dung chuyên môn, hoàn toàn không có chuyện lợi dụng việc thăm khám để có hành vi không đúng mực.
Hình ảnh bác sĩ khám sức khỏe cho nữ sinh trường THPT Lê Quý Đôn |
Nói về việc nữ sinh tố cáo bác sĩ sàm sỡ khi khám bệnh làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bác sĩ cũng như phòng khám, ông Ngọc cho rằng: "Trước mắt nhà trường phải giải quyết tâm lý cho học sinh về vấn đề xảy ra để các em hiểu rõ hơn về quy trình khám chữa bệnh của bác sĩ. Còn việc xin lỗi bác sĩ, chúng tôi cũng đang băn khoăn và cũng có nghĩ đến rồi nhưng có lẽ phải để sau".
Cũng theo vị hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn, nhà trường sẽ gặp đại diện phòng khám và thống nhất 1 tiếng nói để không bị ảnh hưởng đến danh tiếng của bác sĩ cũng như phòng khám.
"Qua sự việc này, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm lần sau nếu khám cho các em học sinh nữ phải để bác sĩ nữ khám để tránh gây hiểu nhầm cũng như để các em tự tin, thoải mái phối hợp với bác sĩ khi được thăm khám bệnh", hiệu trưởng trường nói thêm
Cùng ngày, trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Trần Đắc Đại, trung tâm tim mạch, bệnh viện E cho biết: Nếu là khám tim mạch chuẩn thì còn tuỳ thuộc vào khám cho người lớn hay trẻ em, người bình thường hay người mang bệnh. Nếu là bệnh nhân người lớn mà chỉ khám tim thôi thì tư thế ngồi là thích hợp.
Theo bác sĩ Đại, việc đặt ống nghe lên ngực trái là bắt buộc. Mà đấy chỉ là khám qua loa. Nếu là khám tim chuẩn cần phải: bộc lộ toàn bộ ngực để nhìn nhằm mục đích quan sát xem lồng ngực có cân đối không? Có bên nào bị lệch, bị vồng không vì nhiều bệnh nhân tim to làm cho lồng ngực mất cân đối.
Sau đó là sờ xem trên lồng ngực tiếng tim đập có bị rung không, có gì bất thường không. Tiếp đó, bác sĩ sẽ dùng tay để gõ lên thành ngực xem diện tim có to không. Cuối cùng mới là nghe. Do vậy việc nghe tim phải cởi áo ngực và nghe lên thành ngực 2 bên là bình thường.
Bởi vậy, theo bác sĩ Đại, nguyên tắc của khám tim là vậy, có điều cách khám, cách giải thích nếu không đàng hoàng, bác sĩ có thái độ không tốt thì sẽ gây ra nhiều việc hiều lầm.
Trước đó, 1 nữ sinh lớp 12 tại trường THPT Lê Quý Đôn đã chia sẻ nội dung kèm hình ảnh về 1 nam bác sĩ lợi dụng việc khám sức khỏe đầu năm học đã có những hành vi chưa đúng mực với học sinh.
Đoạn status được chia sẻ trên mạng xã hội |
Cụ thể, nữ sinh đó viết: "Em chưa thấy bác sĩ nào nghe nhịp tim cả ngực trái và ngực phải. Vị bác sĩ ấy còn ấn ống nghe ở chính giữa ngực em, không biết để làm gì. Em thấy khó hiểu và uất ức. Không dừng lại ở đó, bác sĩ nam ấy còn nói: "Em ơi, kéo rộng cái áo trong ra" rồi dùng chân của mình kẹp chặt hai chân em ở giữa…".
Đoạn tâm sự này sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận được nhiều ý kiến của dư luận. Đa số phần bình luận của cư dân mạng tỏ ra bất bình, khó hiểu về hành vi của vị nam bác sĩ này.
Theo Đất Việt