Người Sài Gòn đi gặt lúa chín vàng sát bên cao ốc chọc trời khu trung tâm

Thứ ba, 12/09/2017, 13:13
Ít ai biết, những ruộng lúa chín vàng này nằm ngay trong một quận nội thành thuộc TP.HCM, đồng lúa nép mình bên bờ sông Sài Gòn thuộc bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh.

Người dân thu hoạch lúa tại bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Gặt lúa… giữa lòng Sài Gòn

Trái ngược với hình ảnh hiện đại, với những tòa nhà cao tầng ở bên kia sông, phía bờ bên này vẫn còn mang dáng dấp của một làng quê thanh bình.

Bên kia sông Sài Gòn là khu vực quận 2,TP.HCM

Và, thậm chí là còn quê hơn cả quê khi mà mức độ cơ giới hóa trên cánh đồng này rất thấp. Mỗi hộ chỉ có vài sào ruộng nên các công đoạn thu hoạch lúa chủ yếu đều bằng tay, sử dụng sức người là chính. Đập lúa xong phần gốc rạ được chất thành đống bên bờ ruộng đốt lấy tro để bón trở lại cho đất.

Ruộng khô nên người dân không cần phơi rạ ở bờ đê mà gom đốt ngay sau khi cắt xong

Hằng năm một số hộ dân sống tại bán đảo Thanh Đa trồng được hai vụ lúa, vụ này, người dân gieo mạ từ đầu tháng ba âm lịch.

Gia đình bà Lê Thị Xậu (ngụ P.28, Q.Bình Thạnh) có 2 sào ruộng, để tiết kiệm chi phí thuê nhân công, bà Xậu cùng con trai, mỗi ngày tranh thủ ra đồng gặt một ít. Từ 2 giờ chiều, hình ảnh bà cụ 77 tuổi, tay liềm, tay lúa thoăn thoắt trên cánh đồng, cũng không kém phần chắc chắn so với những ngôi nhà cao tầng ở phía bên kia sông.

Bà Lê Thị Xậu tranh thủ gặt thêm đám lúa trước khi trời mưa

“Gặt xong hai sào phải hơn 1 tuần, trồng lúa để có gạo sạch mà ăn, gieo mạ xuống rồi nó lên vậy chứ không phun xịt gì hết. Không tốn tiền ba cái đó nên lúa tốt nhờ trời, tốt thì cũng được năm chục giạ, còn xấu thì ít xịt à…Năm nay được mùa hơn năm ngoái, nhà tôi được ba chục giạ. Lúa này đem về xay lấy gạo ăn với nuôi mấy con gà”, bà Xậu chia sẻ.

Anh Võ Hoàng Phương (con trai bà Xậu). Ngoài công việc chính là thợ may, anh phụ gia đình chăm sóc hai sào lúa

Ruộng có bờ đê cao ngăn triều cường và phân chia phần ruộng với các hộ khác

Cánh đồng...“treo”

Những cánh đồng này nằm trên dự án đã treo 25 năm nay. Theo người dân nơi đây, vì tiếc đất bỏ không nên họ tranh thủ trồng trọt cải thiện cuộc sống.

Chỉ cách vài trăm mét, bên kia sông Sài Gòn là những tòa nhà cao tầng san sát nhau

Bên cạnh ruộng nhà bà Xậu, là hàng dừa cùng sào ruộng đã thu hoạch xong, chuẩn bị gieo lại vụ mới của gia đình bà Lê Thị Ba (ngụ P.28, Q.Bình Thạnh). Nhà neo người, nên bà chỉ làm một sào ruộng.

Bà Ba kể: “Từ lúc gieo mạ cho đến cắt, đập, mang lúa về nhà, tôi mướn người làm hết gần một triệu, nhưng đổi lại mình có gạo mà ăn, chứ gạo giờ mắc quá. Hai chục giạ này bán chắc được hơn triệu rưỡi, công mình chăm sóc mấy tháng, công phơi rồi đi xay còn chưa tính trong đó nữa”.

Bà Lê Thị Ba sàng rơm, rạ trước khi mang lúa đi xay

Số lúa này, phần xay lấy gạo, phần để dành chăn nuôi, bà cũng không quên lựa ra một ít làm giống cho vụ sau.

Nhiều thửa ruộng để không, lâu ngày cỏ mọc um tùm

Trong khi chờ đợi, người ta vẫn tìm thấy một làng quê rất đỗi yên bình cách những tòa nhà chọc trời của Sài Gòn chỉ vài trăm mét.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn