Mỹ có thể đã vô tình cấp tiền cho Triều Tiên

Thứ sáu, 06/10/2017, 08:40
Trong khi chính quyền Mỹ ban hành các lệnh trừng phạt để cô lập về kinh tế Triều Tiên nhằm gây sức ép để Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân người dân Mỹ lại đang vô tình “tài trợ” cho Triều Tiên bằng cách sử dụng những sản phẩm của các công ty Trung Quốc thuê nhân công Triều Tiên.

Bên trong một siêu thị Mỹ. (Ảnh: Reuters)

CBS News đưa tin, các công nhân Triều Tiên thức dậy mỗi buổi sáng trên những chiếc giường tầng bằng kim loại bên trong các khu nhà tập thể dành cho công nhân của các công ty chế biến thủy hải sản Trung Quốc. Theo điều tra của AP, những sản phẩm mà họ chế biến ra có thể đang được cung cấp cho các nhà hàng và hộ gia đình Mỹ.

Điều đó có nghĩa là khi người dân Mỹ mua hải sản, họ có thể đang gián tiếp trả lương cho các công nhân cũng như tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Các lao động Triều Tiên dường như không có quyền riêng tư cũng như không thể đi ra ngoài mà không được phép. Họ có người giám sát khi đến nơi làm việc. Họ không được sử dụng điện thoại hay thư điện tử. Và một phần tiền lương của họ sẽ được chuyển cho chính phủ Triều Tiên.

Khi đối mặt với sự cô lập về kinh tế từ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên đã gửi hàng chục nghìn công nhân ra nước ngoài làm việc, mang lại doanh thu 200-500 triệu USD mỗi năm. Khoản tiền này có thể đóng góp đáng kể vào chương trình hạt nhân “ngốn” hơn 1 tỷ USD mỗi năm của Bình Nhưỡng, theo ước tính của Hàn Quốc.

Theo điều tra của AP, các sản phẩm do công nhân Triều Tiên sản xuất đã được xuất khẩu tới nhiều nơi trên thế giới trong đó có Mỹ, Canada, Đức và một số nước châu Âu.

Ngoài hải sản, AP còn phát hiện lao động Triều Tiên đang làm việc tại các nhà máy sản xuất sàn gỗ và dệt may. Những sản phẩm này cũng được cho là đã được xuất trực tiếp tới Mỹ.

Theo đạo luật được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào tháng 8, tất cả các công ty Mỹ bị cấm nhập khẩu bất cứ sản phẩm gì do công nhân Triều Tiên sản xuất. Họ có thể bị cáo buộc tội hình sự khi thực hiện việc này. Khi AP phỏng vấn một số công ty phương Tây, họ đều không thể chấp nhận việc công nhân Triều Tiên xuất hiện trong chuỗi cung ứng của họ. Một số công ty cho biết sẽ điều tra kỹ hơn, một số tuyên bố sẽ ngừng hợp tác với nhà cung cấp bị cáo buộc sử dụng lao động Triều Tiên.

Xuất khẩu lao động

Một người lao động Triều Tiên. (Ảnh: China Dailymail)

Hiện có khoảng 3.000 lao động Triều Tiên đang làm việc tại Hồn Xuân, Cát Lâm, ở khu công nghiệp của Trung Quốc cách không xa biên giới Nga -Triều Tiên. Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, Trung Quốc và Triều Tiên vài năm trước đã đồng ý cấp phép cho các nhà máy ký hợp đồng với công nhân Triều Tiên. Kể từ đó hàng chục công ty chế biến cá đã mở tại Hồn Xuân cùng các nhà sản xuất khác. Sử dụng lao động Triều Tiên là hợp pháp ở Trung Quốc, và không bị coi là lao động cưỡng bức.

Dựa theo số liệu giao nhận vận tải, AP cho biết các công ty Trung Quốc ở Hồn Xuân đã xuất khẩu sang Mỹ và Canada khoảng 100 container hàng, tương đương khoảng 2.000 tấn hải sản như cua tuyết, phi-lê cá hồi và mực ống.

Không rõ điều kiện làm việc ở các nhà máy này ra sao, tuy nhiên những lao động ở đây luôn chịu sự giám sát chặt chẽ. Các công nhân không được phép trò chuyện với người lạ và sẽ có người chặn lại ngay lập tức nếu họ bị bắt gặp đang chia sẻ hay trao đổi gì đó với phóng viên.

Hợp đồng của họ thường kéo dài 2 tới 3 năm và họ không được phép hồi hương sớm hơn. Những lao động Triều Tiên được các công ty Trung Quốc đánh giá là ổn định hơn công nhân bản xứ. Trong khi công nhân Trung Quốc có quyền được nghỉ phép, thì công nhân Triều Tiên lại luôn hoàn thành hợp đồng, ít phàn nàn, hiếm khi nghỉ ốm và đặc biệt gần như không có chuyện nghỉ việc xảy ra.

Lương của họ cũng thấp hơn so với công nhân bản xứ. Một vài người cho biết lương cho lao động Triều Tiên vào khoảng 300 USD, so với mức lương 540 USD của lao động Trung Quốc. Điều kiện làm việc khá vất vả khi họ phải làm liên tục trong 12h đồng hồ và chỉ được nghỉ 1 ngày/tuần. Tuy nhiên, theo một số học giả đã phỏng vấn những cựu công nhân Triều Tiên, phần lương thực tế họ nhận được chỉ vào khoảng 30%, 70% còn lại được gửi về Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, công nhân Triều Tiên ở Trung Quốc bị giám sát chặt chẽ hơn cả so với lao động từ Nga và Trung Đông. Đó là vì công nhân ở đây có thể liên lạc với người Hàn Quốc ở Trung Quốc hoặc đào tẩu và tìm đường sang Seoul. Có khoảng 10.000 trường hợp như vậy.

Theo ông Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Hàn Quốc, nếu lao động Triều Tiên được gửi sang nước ngoài thì Trung Quốc sẽ là lựa chọn ít mong muốn nhất của họ. Vì tại đây, họ sẽ bị giám sát đường đi nước bước giống như một dạng "giam lỏng" trên đất Trung Quốc.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn