Hình ảnh mô phỏng khái niệm tải trí não lên máy tính |
Giáo sư vật lý lượng tử Brian Cox của Đại học Manchester, một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất tại Anh, mới đây khẳng định công nghệ giúp con người tải toàn bộ trí não lên mạng không phải là chuyện quá xa vời.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Sun, ông Cox cho hay dựa trên quan điểm lượng tử, sớm muộn gì nhân loại cũng sẽ đạt tới thời điểm được gọi là “điểm kỳ dị công nghệ”. Đây là thuật ngữ được sử dụng để chỉ sự phát triển của trí thông minh nhân tạo mạnh tới mức hoàn toàn có thể số hóa ý thức, tâm lý, tình cảm, suy nghĩ... của con người và nhập vào một siêu máy tính cực mạnh.
Hướng tiếp cận này có thể cho phép nhân loại tiếp tục sống trong những trải nghiệm ảo vô hạn và “đạt đến bất tử”. “Tôi không cho rằng hệ điều hành máy tính quá khác biệt so với cách thức hoạt động của não người”, vị tiến sĩ 49 tuổi nói.
Ngay từ năm 2011, tỉ phú truyền thông Nga Dmitry Itskov đã thành lập dự án Sáng kiến 2045 với tham vọng tìm kiếm cách thức lưu trữ dữ liệu truy xuất từ não bộ. Mục tiêu của dự án này cấy được não người vào các cỗ máy trong vòng 10 năm và cuối cùng là chuyển toàn bộ ý thức của một người vào vỏ bọc kỹ thuật số. “Khi đó, tất cả chúng ta sẽ có thể sống vĩnh viễn”, BBC dẫn lời tỉ phú Nga tuyên bố.
Ông Ray Kurzweil, Giám đốc khoa học kỹ thuật của đại gia công nghệ Google, cũng dự đoán trong vòng 30 năm nữa, con người sẽ có thể tải toàn bộ trí não lên máy tính. Thậm chí, ông còn đi xa hơn khi cho rằng thời của cyborg, thuật ngữ chỉ dạng tồn tại nửa người nửa máy, có khả năng sẽ trở thành hiện thực sớm nhất vào năm 2100. “Dựa trên các ước tính thận trọng của chúng tôi về số lượng phép tính cần thiết để mô phỏng chức năng của bộ não người, nhân loại sẽ đủ sức mở rộng năng lực trí tuệ lên gấp 1 tỉ lần”, ông Kurzweil nói với tạp chí Vice.
Còn người luôn theo đuổi những ý tưởng táo bạo như tỉ phú Elon Musk dĩ nhiên không thể đứng ngoài cuộc. Tờ Daily Mail dẫn lời ông Musk, hiện đang đẩy mạnh phát triển dự án đưa người lên sao Hỏa định cư, dự đoán rằng xác suất con người trong tương lai sống vĩnh viễn trong thế giới ảo là “9/10”.
Tuy nhiên không phải ai cũng bị thuyết phục bởi ý tưởng trên.
Trong bài viết gần đây trên tờ The Conversation, Giáo sư Richard Jones của Đại học Sheffield (Anh) chỉ ra một số “vấn đề nghiêm trọng” có thể đảo lộn mọi tính toán của những người theo đuổi dự án “bất tử”. “Để tái tạo bản sao của trí óc trên nền tảng kỹ thuật số, chúng ta phải thiết lập đường dẫn cho từng mối liên kết nhỏ nhất, điều vượt quá xa năng lực hiện tại của con người”, theo Giáo sư Jones.
Chuyên gia này lập luận rằng thậm chí trong trường hợp các nhà nghiên cứu có thể tạo ra “biểu đồ kết nối” của một bộ não sống, điều đó vẫn chưa đủ để hiểu được cách thức vận hành của chúng. “Muốn làm được như vậy, chúng ta cần phải định lượng thật chính xác cách thức các dây thần kinh tương tác tại từng mối nối, một vấn đề đòi hỏi chi tiết phức tạp ở mức độ phân tử. Trong khi đó, hiện chúng ta thậm chí còn chưa biết có tổng cộng bao nhiêu phân tử trong bộ não người”, Giáo sư Jones phân tích.
Theo Thanh Niên