|
Phòng khám đa khoa Thăng Long trên đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM có bác sĩ người Trung Quốc khám chữa bệnh |
Để vén bức màn bí ẩn ấy ra ánh sáng, PV đã thâm nhập vào ngay bên trong mạng lưới phòng khám Trung Quốc vốn đang vươn vòi khắp nơi, trong đó nhiều nhất là ở TP.HCM.
Tay ngang làm "bác sĩ tư vấn"
Điều quan trọng nhất với các phòng khám Trung Quốc là phải tìm mọi cách lôi kéo người bệnh đến điều trị để moi tiền. Để đạt mục đích này, họ đào tạo một nhóm tay ngang không chuyên môn, trình độ, đóng giả bác sĩ tư vấn qua mạng.
"Tâm lý phải đúng, đừng nghĩ bệnh nhân đến để tiêu tiền, phải làm cho đối phương thấy ta thật lòng muốn giúp. Mục tiêu để bệnh nhân tin tưởng, nhận định ta là bác sĩ có thái độ phục vụ tốt, có kiến thức chuyên nghiệp và họ đang ở một bệnh viện có thể tin cậy được.
Mục đích làm cho bệnh nhân đến phòng khám nhưng phải có mức độ, đừng để họ thấy mục đích của ta quá rõ ràng" - đó chỉ là một đoạn trong bài tập hướng dẫn "bác sĩ" tư vấn online tại phòng khám đa khoa Thăng Long (đường Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10).
Theo điều tra của PV, tại phòng khám này có chừng 50 người khá trẻ tuổi, tầm từ 20 - 25, thuộc đội ngũ "bác sĩ" tư vấn. Không có chuyên môn về y khoa nhưng họ đều xưng với bệnh nhân là "bác sĩ", thao thao chẩn đoán, thậm chí hù dọa các biến chứng về bệnh nam, phụ khoa.
Tại đây, các "bác sĩ" được sắp xếp ngồi tại hai tầng 7 và 8 của tòa nhà 8 tầng để làm công việc duy nhất là tư vấn online (bao gồm qua website, Facebook, Zalo, Viber...) và tư vấn qua điện thoại, chia làm 3 ca, hoạt động suốt ngày đêm.
Bà Kim (người Trung Quốc, được giới thiệu là quản lý phòng khám Thăng Long) thừa nhận "nói là đa khoa nhưng chủ yếu điều trị các loại bệnh nam, phụ khoa".
Theo bà Kim, "không cần am hiểu về ngành y vẫn tư vấn được, phòng khám sẽ tập huấn một số bệnh lý, sau đó từ từ giải đáp, đối thoại với bệnh nhân. Thực tế, không phải những người học ngành y ra là chat (trò chuyện) với bệnh nhân tốt đâu, tất cả phải được đào tạo".
Sau khi kết thúc khóa tập huấn, bà Kim sẽ tổ chức sát hạch, nếu "lọt" sẽ trở thành "bác sĩ tư vấn".
"Có nhiều bạn rất cố gắng nên "lên tay" rõ rệt và nhanh chóng thay thế các bạn cũ, nhiều bạn chỉ làm đến tháng thứ hai là lấy tiền thưởng còn nhiều hơn tiền hoa hồng", bà Kim nói và dẫn chứng trên trang web của phòng khám luôn hiển thị những thanh "chat" có tên tư vấn viên xưng là "bác sĩ".
"Công việc là vậy, mình là bác sĩ tư vấn. Gặp trường hợp bệnh nhân hỏi không trả lời được sẽ chuyển người kế bên trả lời".
|
Bác sĩ người Việt Nam và Trung Quốc tại phòng khám đa khoa Thăng Long, đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM |
Tương tự, trụ sở của phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi nằm trên đường Nguyễn Trãi (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1), nhưng "lò" đào tạo "bác sĩ" tư vấn online lại đặt sát vách với một PKTQ khác trên đường Võ Văn Kiệt (P.1, Q.5).
Theo một quản lý người Trung Quốc của phòng khám này, đội ngũ tư vấn không cần trình độ y khoa, chỉ cần chịu được thử thách thì dễ dàng có mức lương 8 triệu đồng, người giỏi trên 10 triệu đồng/tháng.
Chỉ được "chat" một loại bệnh, khi nào "chắc tay" mới được chuyển qua "chat" các loại bệnh khác, đó là nguyên tắc đào tạo của PKTQ Nguyễn Trãi khi PV tiếp cận.
|
"Phải cường điệu bệnh"
Trong quá trình "chat" với bệnh nhân, phòng khám đa khoa Thăng Long yêu cầu "bác sĩ" tư vấn phải dùng các từ đại khái như "có thể, khả năng"...
Đặc biệt, tuyệt đối không được chẩn đoán một loại bệnh. "Ví dụ bệnh này của bạn giống như hiện tượng sùi mào gà nhưng không loại trừ có bệnh lây nhiễm khác gây ra. Bạn phải làm thêm các bước xét nghiệm mới chẩn đoán chính xác và tôi kiến nghị đến ngay phòng khám".
Để "vơ vét" người bệnh, phòng khám còn đặt các giả thiết cho bệnh nhân từng điều trị ở các bệnh viện khác không hiệu quả.
Với "ca" này họ yêu cầu "bác sĩ" không được công kích trực diện, phải tìm khuyết điểm khiến bệnh nhân thấy cách điều trị của bệnh viện kia không hợp lý.
Và dù rất cần bệnh nhân, nhưng các "bác sĩ" luôn phải "nổ" rằng các bác sĩ chuyên khoa bận lắm, kín lịch để "làm cao" khiến bệnh nhân bằng mọi giá phải đặt được lịch hẹn.
Gặp trường hợp người bệnh than không sắp xếp được thời gian điều trị thì phòng khám này chỉ dạy một mặt động viên, khuyên nhủ, mặt khác hù dọa để lôi kéo: "Anh, chị để càng lâu bệnh tình càng nặng khó điều trị, có thể biến chứng thì rất mệt".
Một vấn đề bất cứ bệnh nhân nào cũng hỏi là chi phí điều trị. Ứng phó với tình huống này, các "bác sĩ" tư vấn luôn có chung câu trả lời: "Trong khả năng có thể, bác sĩ sẽ hỗ trợ giảm chi phí, không quá tốn kém".
Nếu bệnh nhân vẫn lo chi phí điều trị đắt đỏ, phòng khám này chỉ cách lôi kéo.
"Tôi rất thông cảm nhưng tiền bạc là vật ngoài thân, hết rồi lại kiếm được nhưng sức khỏe quan trọng hơn. Do đó, anh, chị tạm mượn tiền để điều trị dứt điểm, không thể dùng tiền so bệnh được".
Đoạn này, "cẩm nang" chỉ dạy "bác sĩ" phải có ngữ khí nghiêm khắc, dùng lý lẽ để họ cảm động và đi đến quyết định cuối cùng: đến phòng khám.
Hù dọa ghê rợn
Theo tìm hiểu của PV, nổi bật trong đội ngũ "bác sĩ" tư vấn của phòng khám Thăng Long có thể kể đến nhóm "bác sĩ" Ân, Kiều, Thanh Tú, Ái, Sang... Những bài "chat" của các "bác sĩ" này được xem là "văn mẫu" giới thiệu cho người mới vào học hỏi, vận dụng.
Ngày 20-11, vận dụng lý thuyết vào thực tế, "bác sĩ" Ân mạnh miệng kết luận một tràng với một người trót quan hệ ngoài luồng ở tận Gia Lai, rằng: "Anh bị viêm tuyến tiền liệt, khả năng ung thư tuyến tiền liệt, hay nguy cơ vô sinh rất cao".
Biết người bệnh chần chừ, "bác sĩ" này tiếp tục đổi giọng dùng lời trách móc, nêu hàng loạt nguy cơ ghê rợn như nhiễm trùng bộ phận sinh dục, xâm nhập vào mắt, yết hầu và cả đường máu... nhằm kéo người bệnh đến phòng khám.
Khi bệnh nhân lo lắng về số tiền mang theo, "bác sĩ" Ân nhẹ nhàng nói: "Chi phí em cứ mang theo khả năng của em. Đi xa cứ cầm dự phòng, dư mang về. Còn khó khăn nói bác sĩ điều trị giúp, chi phí khám bên tôi không bao nhiêu, nên em không cần lo lắng".
Cao thủ hơn "bác sĩ" Ân phải kể đến "bác sĩ" Kiều. Dù là tay ngang nhưng khi tư vấn bệnh nhân, "bác sĩ" này giới thiệu mình có thâm niên 10 năm trong điều trị bệnh nam, phụ khoa, các bệnh xã hội... tại trung tâm chuyên khoa Thăng Long thuộc Bộ Y tế quản lý.
"Bác sĩ" này còn "nổ" toàn TP chỉ có hai trung tâm điều trị bệnh xã hội. Khi nghe bệnh nhân từng đi massage, giờ bị mụn rộp ngứa, "bác sĩ" Kiều phán: "Anh có nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà khá cao, nhưng không loại trừ các bệnh u nhú sinh dục".
Nói rồi, "bác sĩ" này giới thiệu 120 nhóm virút HPV gây bệnh, có nguy cơ gây ung thư các cơ quan sinh dục, vòm họng, miệng, lưỡi.
Nghe đến đây, bệnh nhân lo lắng hỏi có tử vong không? "Bác sĩ" này vừa dọa vừa trấn an: "Tôi gặp rất nhiều trường hợp dẫn đến ung thư tinh hoàn rồi đó. Nhưng anh mới bị giai đoạn đầu nên có hướng điều trị dứt điểm, chứ để qua giai đoạn 2, 3, 4 không có thuốc đặc trị, chỉ chống chế thôi".
Bằng cách tư vấn ghê rợn này, "bác sĩ" này nhanh chóng tóm gọn "con mồi" đến phòng khám điều trị chỉ trong vòng 2 giờ.
Ngày hôm sau, bệnh nhân này "chat" nói chi phí tiểu phẫu, truyền dịch mất nhiều tiền quá thì "bác sĩ" Kiều tỏ thái độ thờ ơ thoái thác: "Em hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị nha".
|
Ảnh trái: Bà Kim, quản lý người Trung Quốc tại phòng khám đa khoa Thăng Long, đang hướng dẫn "bác sĩ" cách tư vấn để lôi kéo bệnh nhân đến khám. Ảnh phải: Đội ngũ "bác sĩ" tư vấn online tại phòng khám Thăng Long |
Đặt xe đón bệnh nhân tận nơi
Ngoài thưởng "nóng" cho các "bác sĩ’ tư vấn, phòng khám đa khoa Thăng Long còn có chiêu khuyến mãi cho bệnh nhân nhằm "nâng cao chất lượng phục vụ".
Cụ thể, phòng khám này đưa ra các chương trình ưu đãi từ 300.000 - 500.000 đồng cho các trường hợp người bệnh là công nhân, sinh viên, người ở tỉnh xa.
Bệnh nhân tại TP.HCM không có phương tiện đi lại, phòng khám này sẽ đặt Grab, Uber đến trực tiếp chở người bệnh tới phòng khám.
Riêng phòng khám đa khoa Thủ Dầu Một (Bình Dương) còn có chiêu "độc" phát thẻ tri ân. Thẻ tri ân giống như thẻ ATM chia thành hai hạng mục miễn phí và ưu đãi.
Trong đó, giá ưu đãi thấp nhất là 3,8 triệu đồng, nhiều nhất 6,8 triệu đồng điều trị các bệnh nam, phụ khoa.
Liên tục chấn chỉnh
Trước việc các phòng khám Trung Quốc liên tục bị người dân phản ảnh bị hù dọa, vẽ bệnh moi tiền, cuối tháng 10-2017, Sở Y tế TP.HCM đã làm việc với chủ đầu tư và bác sĩ phụ trách chuyên môn của 17 phòng khám Trung Quốc.
Tuy nhiên, chỉ có 5/17 bác sĩ phụ trách chuyên môn và lác đác vài chủ đầu tư có mặt, còn lại là nhân viên của phòng khám dự.
Tại cuộc họp này, thanh tra sở đã đề nghị các phòng khám Trung Quốc phải đăng công khai bảng giá lên trang web cũng như gửi về để sở giám sát.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng sẽ xem xét lại danh mục dịch vụ kỹ thuật, nhất là những dịch vụ liên quan đến các bệnh nhạy cảm, hay vi phạm ở phòng khám.
Về chẩn đoán bệnh, Sở Y tế đề nghị phòng khám Trung Quốc khám chữa bệnh phải công khai minh bạch trong hồ sơ bệnh án.
Ngoài ra, sở cũng yêu cầu công khai số điện thoại bác sĩ phụ trách chuyên môn của phòng khám Trung Quốc lên trang web để người bệnh gọi điện thoại khi gặp bức xúc. Các bác sĩ này phải giải quyết, không được né tránh.
17 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc (danh sách do Sở Y tế TP.HCM cung cấp) 1. Phòng khám đa khoa Thành Thái 2. Phòng khám đa khoa 3 Tháng 2 3. Phòng khám đa khoa Quốc tế 4. Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi 5. Phòng khám đa khoa Phú Khang 6. Phòng khám đa khoa Thế Giới 7. Phòng khám đa khoa Âu Á 8. Phòng khám đa khoa Thăng Long 9. Phòng khám đa khoa Thái Bình Dương 10. Phòng khám đa khoa Đại Đông 11. Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu 12. Phòng khám đa khoa Baylor 13. Phòng khám đa khoa Mayo 14. Phòng khám đa khoa Hồng Phong 15. Phòng khám y học cổ truyền Tâm Đức 16. Phòng khám y học cổ truyền Cộng Hòa 17. Phòng chẩn trị y học cổ truyền. |
Theo TTO