Ấn Độ - Thái Bình Dương lần đầu tiên vào chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ

Thứ năm, 21/12/2017, 14:56
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất của Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ đó là lần đầu tiên có sự xuất hiện của cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt đây là khu vực được đặt lên trước cả châu Âu và Trung Đông trong mối quan tâm của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/12 đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) mới. Chiến lược này được đánh giá có nhiều điểm khác biệt so với của các chính quyền tiền nhiệm.

Một trong những điểm khác biệt đó là lần đầu tiên cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương được đưa vào văn kiện này. Nó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Mỹ tới Ấn Độ - Thái Bình Dương trong chiến lược an ninh quốc gia.

Alyssa Ayres, chuyên gia viện tư vấn thuộc Hội đồng quan hệ quốc tế (CFR), một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại New York, nhận định: “Đây là lần đầu tiên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được đề cập đến trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ cho dù chiến lược năm 2002 của Tổng thống George W. Bush từng nói đến các hành lang biển Ấn Độ Dương”.

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, điểm khác biệt lớn nhất trong NSS lần này là Ấn Độ - Thái Bình Dương là khu vực được đề cập đầu tiên, trên cả châu Âu, Trung Đông.

Khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm vùng biển Bắc Ấn Độ Dương và toàn bộ vùng biển giữa Thái Bình Dương, kéo dài đến bờ Tây của Mỹ, dường như được hình thành chính bởi Trung Quốc trỗi dậy ngày càng đáng lo ngại.

Với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, NSS mới cho thấy tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đối với Mỹ. NSS cũng đề cao sự nổi lên của Ấn Độ với vai trò “quốc gia dẫn đầu, một đối tác quốc phòng, chiến lược mạnh mẽ hơn”, đồng thời kêu gọi sự hợp tác hơn nữa giữa “liên minh 4 bên” Mỹ - Nhật - Australia - Ấn Độ.

Takashi Terada, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Doshisha nhận định: “Khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương làm sáng tỏ lập trường đa phương hóa của Mỹ ở châu Á. Cụ thể, Mỹ muốn lập ra một liên minh trong đó cả Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để tạo ra trật tự kinh tế khu vực dựa trên nguyên tắc. Ngoài ra, đó có thể là cách Mỹ duy trì niềm tin ở các quốc gia khác trong khu vực, các nước sẵn sàng hợp tác kinh tế với Trung Quốc nhưng vẫn khá thận trọng”.

Ngoài Ấn Độ, Tổng thống Trump cũng mong muốn mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Malaysia.

Nói cách khác, với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang phải đối phó với sức ép ngày càng tăng từ Trung Quốc cả về vấn đề kinh tế và an ninh, NSS của chính quyền Tổng thống Trump rõ ràng là một dấu hiệu tích cực tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với hòa bình và an ninh của khu vực.

Theo tạp chí Diplomat, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dần định hình chiến lược của Mỹ hậu “xoay trục sang châu Á”. Đó là quan điểm về duy trì thịnh vượng, hòa bình ở một khu vực rộng lớn hơn có ý nghĩa quan trọng đối với các lợi ích của Mỹ. Giới quan sát cho rằng, chính sách đó rõ ràng nhằm tạo ra đối trọng với “Giấc mơ Trung Hoa” và Sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Bắc Kinh.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích