|
Chỉ trả lương hưu tại TP.HCM ( Ảnh minh họa ) |
Khoảng 2000 lao động nữ bị ảnh hưởng
Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 26-12, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết cơ quan này và Bộ Lao động, thương binh và xã hội đều đã trình Chính phủ đề nghị tạm hoãn thực hiện cách tính lương hưu mới áp dụng từ 1-1-2018 đối với lao động nữ.
Nhưng đến thời điểm này chưa có quyết định cuối cùng về cách tính lương hưu mới, nên từ 1-1-2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và tính lương hưu theo cách mới cho lao động nữ nghỉ hưu từ thời điểm này.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự kiến khoảng 2000 lao động nữ nghỉ hưu từ 1-1 tới bị ảnh hưởng nặng nhất với cách tính nói trên, tức là lương hưu sẽ thấp hơn 8-10% so với người nghỉ hưu từ 31-12-2017 trở về trước.
Số còn lại khoảng trên 40.000 người lao động (kể cả lao động nam) đều bị ảnh hưởng với mức lương hưu giảm 2-7%, do cách tính mới nữ phải đủ 30 năm công tác và tham gia bảo hiểm xã hội, nam đủ 35 năm mới được nhận lương hưu tối đa là mức 75% lương bình quân khi còn đi làm.
Cách tính này khiến người lao động thiệt hơn, do cần thêm 5 năm làm việc họ mới được nhận mức lương tối đa 75% lương bình quân trước nghỉ hưu, đặc biệt thiệt thòi hơn với lao động nữ do Luật không quy định lộ trình áp dụng cách tính lương hưu mới của lao động nữ, còn lao động nam lại có lộ trình.
Do lo ngại thay đổi về chính sách làm lương hưu của người nghỉ hưu năm 2018 thấp hơn nhiều so với 2017, số người nghỉ "hưu non" năm 2017 đã cao hơn khoảng 10% so với 2016 và được coi là gia tăng đột biến.
Hồi tháng 11 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đều đã có đề xuất tạm ngưng thực hiện cách tính lương hưu mới này và đề nghị nên áp dụng cách tính lương của lao động nữ có lộ trình như lao động nam.
Nhưng theo ông Sơn, "phải đợi Quốc hội thông qua thì mới lùi, hoãn hay có cách tính lương khác quy định trong luật 2014 với lao động nữ".
Nhưng cho đến nay Quốc hội chưa có hướng dẫn mới, nên từ 1-1 tới, lao động nữ nghỉ hưu sẽ bị thiệt thòi nhiều.
24 người đang nhận lương hưu 30-101 triệu đồng/tháng
Đây là thống kê vừa công bố sáng nay 26-12 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về mức lương của 2,4 triệu người Việt đang nghỉ hưu.
Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tuy mức lương hưu bình quân là mức kể trên trên, nhưng "dải" lương hưu của người nghỉ hưu rất rộng, thấp nhất là những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hình thức "hưu nông dân" ở Nghệ An, đang nhận mức lương hưu trên 320.000đ/người/tháng.
Mức lương bình quân của nhóm đang nhận lương hưu ở mức thấp, theo ông Thọ là khoảng 580.000đ/người/tháng.
Ở nhóm người hưởng lương hưu cao, có 24 người đang nhận mức lương 30-101 triệu đồng/người/tháng, 57 người nhận lương hưu 23-30 triệu đồng/người/tháng, 150 người nhận lương hưu mức trên 17 triệu - 23 triệu đồng/người/tháng và khoảng 600 người nhận lương hưu mức trên 13- trên 17 triệu đồng/người/tháng.
Ở nhóm hưởng lương hưu mức khá theo cách nhìn của người Việt, có khoảng 133.000 người nghỉ hưu được nhận mức lương 6-13 triệu đồng/tháng.
Có 107.000 người trong nhóm này trước khi nghỉ hưu làm việc ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, 26.000 làm việc tại các doanh nghiệp. Còn lại trên 2 triệu người nghỉ hưu nhận mức lương dưới 6 triệu đồng/ người/tháng.
Về mức bình quân chung thì lương hưu bình quân của người từng làm việc trong các cơ quan nhà nước, khối hành chính sự nghiệp có lương hưu bình quân cao hơn, mức trên 4,4 triệu đồng/người/tháng.
Do khối doanh nghiệp và nhóm khác (bao người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và những người nhận lương hưu nông dân mức rất thấp như trên) có dải lương hưu cao thấp rất xa nhau, nên bình quân lương hưu của nhóm này hiện chỉ trên 3,2 triệu đồng/người/tháng.
Theo TTO